Tàu không số,không đăng ký rầm rộ hút cát trái phép trên sông Krông Nô

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Mặc dù chưa được gia hạn và cấp quyền khai thác cát đã 1 năm nay, nhưng HTX khai thác cát Đoàn Kết (thôn Quỳnh Ngọc, xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) vẫn để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép, gây bức xúc dư luận và bà con xã viên.
 
Mặc dù đã hết hạn tròn 1 năm nay, nhưng hoạt động khai thác cát trái phép vẫn diễn ra một cách rầm rộ, công khai.
Hết hạn cả năm vẫn ngang nhiên khai thác
Vừa qua, Infonet nhận được đơn khiếu nại của ông Lưu Anh Tuấn, Phó Chủ nhiệm HTX khai thác cát Đoàn Kết (tại thôn Quỳnh Ngọc, xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk), về việc có một số người tự ý khai thác cát trái phép tại địa phận mà HTX đang xin gia hạn quyền khai thác.
Trong đơn, ông Tuấn viết: “Trong khi HTX Đoàn Kết đang chờ phê duyệt xin gia hạn cấp phép khai thác cát, thì có rất nhiều người đưa tàu thuyền, xe cộ đến khai thác, hoạt động, sản xuất kinh doanh khai thác cát tại địa phận của HTX.
Không những vậy, các tàu thuyền nói trên không đăng ký, đăng kiểm, không lắp đặt camera, không có trạm cân. Khai thác với số lượng lớn, gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con ven sông, vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên và uy tín của HTX".
 
Trạm cân (vòng tròn đỏ) một bên và xe chạy một bên.
"Tôi và bà con xã viên trong HTX đã nhiều lần lên tiếng, yêu cầu ông Phan Ngọc Liệu (Chủ nhiệm HTX khai thác cát Đoàn Kết - PV) giải quyết, xử lý chấm dứt ngay các hoạt động trái phép trên. Nhưng ông Phan Ngọc Liệu cố tình không thực hiện, với lý do tôi và các bà con xã viên không có quyền can thiệp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX. Vậy nên ông Liệu vẫn để cho các hoạt động khai thác trên diễn ra bình thường, thường xuyên và liên tục", đơn của ông Tuấn viết.
Cũng theo ông Tuấn, trước sự việc trên, ông và bà con xã viên cho rằng ông Phan Ngọc Liệu hoặc đã vượt quyền, hoặc đã sang nhượng lại HTX khai thác cát Đoàn Kết cho người khác mà không thông qua ý kiến của các thành viên và bà con xã viên trong HTX.
Cuối đơn, ông Lưu Anh Tuấn kiến nghị các cơ quan, ban ngành có thẩm quyền can thiệp và tạm dừng việc gia hạn cấp giấy phép khai thác cho HTX khai thác cát Đoàn Kết cho đến khi sự việc được giải quyết sáng tỏ và dứt điểm theo đúng quy định của pháp luật. Yêu cầu ông Phan Ngọc Liệu, đại diện theo pháp luật của HTX khai thác cát Đoàn Kết dừng tất cả các hoạt động khai thác, mua bán cát trên địa phận mà HTX đang xin gia hạn.
 
Trạm cân chưa có đường đấu nối, đang để cỏ mọc um tùm.
Theo đơn phản ánh của người dân, PV Infonet đã đến tận dòng sông Krông Nô, nơi HTX Đoàn Kết đang chờ xin gia hạn quyền khai thác cát xây dựng theo quy định. Tuy nhiên tại đây, hoạt động khai thác cát trái phép vẫn diễn ra một cách rầm rộ, công khai, nhiều xe tải loại lớn nối tiếp nhau vào “ăn hàng” mà không gặp bất kỳ sự ngăn cấm nào từ chính quyền địa phương cũng như cơ quan chức năng.
Trao đổi với PV, một thành viên của HTX khai thác cát Đoàn Kết cho biết: “Từ đầu năm 2019 đến nay, có một người tên Hải, trú tại TP. Buôn Ma Thuột bỗng dưng đưa máy móc, phương tiện đến khai thác cát thuộc khu vực mà HTX đang xin gia hạn. Rồi cho xe của doanh nghiệp Nguyên Thảo, Kim Anh và HTX Đoàn Kết vào vận chuyển cát ra khỏi địa bàn”.
 
Tàu thuyền không đăng kiểm, đăng ký vẫn sử dụng để hút cát trái phép.
Trạm không cân, thuyền không số?
Điều đáng nói là, mặc dù UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản số 6195/UBND-NNMT ngày 26/7/2018, về việc lắp đặt trạm cân và camera giám sát đối với các tổ chức hoạt động khai thác khoáng sản, tuy nhiên tại đây, trạm cân vẫn chưa hoàn thiện, chưa thể đưa vào hoạt động.
Hai đầu trạm chưa có đường đấu nối, để cỏ mọc um tùm. Nhà điều hành trạm cân chưa được xây dựng, các thiết bị để lưu giữ số liệu cũng không có. Phải chăng, trạm cân này chỉ trang bị cho có lệ, để đối phó với cơ quan chức năng?
Không những thế, ngày 18/2/2019, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản số 1269/UBND-NNMT, về việc xử lý các đơn vị khai thác cát chưa hoàn thành lắp đặt trạm cân, camera giám sát; bãi tập kết cát; đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền, tuy nhiên theo quan sát tại đây, doanh nghiệp vẫn sử dụng tàu thuyền không được đăng ký, đăng kiểm để phục vụ cho việc khai thác cát trái phép.
 
Cát vẫn được hút lên bãi vào sáng 11/8.
Cũng tại đây, một chiếc tàu vỏ sắt cỡ lớn, loại khoảng 150 tấn đang được gấp rút hoàn thành. Điều đáng nói, việc khai thác không hề được đảm bảo an toàn lao động, nguy cơ đe dọa đến tính mạng của người lao động rất cao.
Sáng nay 11/8, một chiếc tàu "không số", chưa đăng ký, đăng kiểm vẫn hút cát bơm lên bãi thuộc HTX khai thác cát Đoàn Kết, bất chấp sự có mặt của PV.
Để thông tin được khách quan, đa chiều, PV Infonet đã liên lạc với ông Phan Ngọc Liệu, Chủ nhiệm HTX khai thác cát Đoàn Kết. Qua điện thoại, ông Liệu phủ nhận: "Có ai khai thác đâu. Đấy là người ta bên Krông Nô (Đắk Nông - PV) khai thác. Còn mỏ của tôi nằm ở phía Krông Na, mà tôi không khai thác thì không ai khai thác được đâu".
 
Con thuyền này có tải trọng khoảng 150m3 sắp được hạ thủy.
Khi PV đưa ra dẫn chứng là có xe Nguyên Thảo, xe Kim Anh vào vận chuyển cát tại bãi thì ông Liệu lại cho rằng: "Đúng, cái đấy là tôi mua cát của Công ty Tây Nguyên thì tôi bán lại, chứ có chuyện gì đâu, tôi có khai thác đâu". 
PV lại đặt vấn đề, sáng nay (11/8) có một chiếc thuyền đang hút cát từ dưới sông lên. Ông Liệu lại xác nhận: "Đúng, nhưng tôi mua của Công ty Tây Nguyên. Người ta hút rồi bơm lên bãi cho tôi".
Đem thắc mắc trên trao đổi với Sở TN&MT Đắk Nông, một cán bộ Phòng Khoáng sản cho biết: "Sau khi khai thác thì phải đưa cát về bãi tập kết. Còn đối với Công ty Tây Nguyên, ngày xưa huyện không cho sử dụng đường bên này nên họ đã làm bến bãi ở bên Đắk Lắk".
 
Trên đường vào chở cát, thấy động chiếc xe bèn nằm lại bên đường.
"Trước họ có báo là hợp đồng với một HTX ở bên đó, có trạm cân và camera đầy đủ. Sắp tới sẽ làm văn bản hỏi bên Đắk Lắk xem trạm cân và camera của họ lắp đặt như thế nào. Nếu không có thì sẽ xử lý theo quy định", vị cán bộ này nói thêm.
Khi PV cho biết, trạm cân của HTX Đoàn Kết chỉ đặt cho có, chứ không có giá trị sử dụng và giám sát, thì vị này nói: "Vì liên quan đến hai tỉnh nên chúng tôi sẽ cho kiểm tra rồi thông tin lại sau".
Được biết, HTX khai thác cát Đoàn Kết thành lập vào năm 2004, đến năm 2010 thì được UBND tỉnh Đắk Lắk cấp giấy phép khai thác khoáng sản số 2040/QĐ-UBND ngày 16/8/2010 và Quyết định gia hạn số 2087/QĐ-UBND ngày 11/8/2015, do ông Phan Ngọc Liệu, Chủ nhiệm HTX và cũng là người đại diện theo pháp luật.
Diện tích khai thác 18 ha, được giới hạn bởi các điểm góc 1 có tọa độ (X=1375438; Y=441325) và điểm góc 2 có tọa độ (X=1377519; Y=444543). Khối lượng cát nguyên khai của mỏ là 275.586m3.
Địa điểm khai thác tại sông Krông Nô với chiều dài 4,2 km, thuộc địa phận xã Bình Hòa (huyện Krông Ana). Thời hạn khai thác từ tháng 8/2010 đến tháng 8/2015. Gia hạn lần 1 từ tháng 8/2015 đến tháng 8/2018. Từ tháng 8/2018 đến nay, HTX đã làm thủ tục xin cấp gia hạn tiếp và đang chờ UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt.
Trần Hoàn (Infonet)

Có thể bạn quan tâm