Tiếng rao hàng ở mọi thời đều có thể làm ta mủi lòng, cay mắt. Nó đi vào thính giác của mọi người như lời mời gọi nức nở, thiết tha làm ta ít nhiều thông cảm với tâm trạng của những người dân lao động dãi nắng dầm mưa, mong bán được hàng để có cái ăn cái mặc cho bản thân, cho gia đình.
Đôi khi, tiếng rao hàng từ một nơi xa, vọng từ dưới thấp lên khu nhà trên cao, có thể gây nhầm lẫn: "Xôi đâyyyy!" mà nghe thật thảng thốt như là "Cô ơiiii…!". Mỗi khi nghe tiếng rao buổi sớm hay trong đêm khuya của người bán xôi, bánh mì, hột vịt lộn... tôi lại chạnh lòng nhớ lại thời thơ ấu. Ngày ấy, Me (mẹ) chúng tôi thường dạy các con, bằng cách này hay cách khác, phải biết "thương kẻ khó", là những người kém may mắn hơn mình trong cuộc đời.
Giữa lúc trời đổ mưa to bên ngoài, chúng tôi đã quây quần trong căn phòng ấm áp của gia đình... thế nào cũng được nghe Me hát ru cậu em út bằng bài hát về người bán bánh mì: "Mưa đông rơi từng cơn trong gió rét mướt. Có những em chưa từng vui sướng nô đùa. Đi lang thang lạnh lùng trong gió rét mướt. Bán bánh mì kiếm tiền về nuôi mẹ cha. Nào ai vui sướng ấm cùng no. Nhìn bao em ấy lòng xót chăng?".
Dù đã được nghe rất nhiều lần, chị em chúng tôi lúc nào cũng lặng thinh, nghiêm chỉnh lắng nghe. Cô em áp út luôn miệng nói: "Tội nghiệp em bé bán bánh mì quá!". Lúc đó, đầu óc tôi bỗng liên tưởng đến hình ảnh em bé bán hàng rong đang co ro ở hiên nhà ai một tối mưa vì lạnh.
Bây giờ, tiếng rao hàng cũng thưa dần... Thậm chí, người ta còn dùng cả loa thâu sẵn để rao hàng, nghe nhức đầu, nhức óc! Nhất là từ khi con người phải đối diện với dịch Covid-19, cộng với những tiện ích của công nghệ thông tin, việc rao hàng, quảng cáo các mặt hàng đã nhan nhản xuất hiện trên mạng xã hội... Người ta chỉ cần lựa chọn rồi với thao tác đơn giản là bấm con trỏ mà không cần phải di chuyển, món hàng sẽ đến với họ một cách nhanh chóng, thuận tiện.
Người ta nói "ôn cố tri tân", nhắc chuyện cũ để biết chuyện mới (vui hơn). Mà sao lòng vẫn thấy buồn: người xưa đã khổ mà người dân hiện nay cũng chưa thật sự được ấm no! Tôi luôn thấy ái ngại, thương cảm khi vẫn còn những người bán hàng rong hằng ngày một nắng hai sương...
Theo Hạnh Thuần (NLĐO)