Tang thương vùng lũ dữ nam Tây nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trận lũ kinh hoàng kéo dài trong những ngày vừa qua, đã khiến vùng đất nam Tây nguyên - Lâm Đồng hứng chịu thiệt hại nặng nề.
 
Cảnh chạy lũ ở Lâm Đồng. Ảnh: TRÙNG DƯƠNG
Khắp TP.Bảo Lộc và các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên đâu đâu cũng thấy người dân chịu cảnh trắng tay bị lũ dữ cuốn mất tài sản, đồ đạc, vật nuôi; rồi sạt lở đất làm sập nhà cửa…
“Tất cả trôi sạch không còn thứ gì”
Tại TP.Bảo Lộc, trong suốt những ngày lũ dữ đổ về nhấn chìm cả một vùng rộng lớn khiến hơn 800 ngôi nhà của người dân tại các xã, phường như Đại Lào, Lộc Châu, Lộc Tiến, B’Lao chìm trong biển nước. Nhìn cảnh mẹ ôm con, con cõng cha già chạy lũ ai ai cũng cảm thấy xót xa.
Lũ dữ ập về khiến người dân nhiều nơi ở Lâm Đồng chỉ kịp “bỏ của chạy lấy người”. Đến lúc lũ rút dần, họ quay trở lại, thì nhiều tài sản trong nhà đều bị thiệt hại.
 
Nhiều xã, phường TP.Bảo Lộc chìm trong nước lũ. Ảnh: TRÙNG DƯƠNG
Theo ông Phạm Bá Quang (thôn 3, xã Lộc Châu, TP.Bảo Lộc) từ sáng 8.8, lũ bắt đầu đổ về như thác. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 giờ đồng hồ, lũ nhấn chìm tất cả nhà cửa, tài sản của bà con.
“Lũ đã nhấn chìm nhà tôi dần tới nóc. Khi lũ đổ về, vợ chồng tôi chỉ kịp ôm con chạy lũ thoát thân. Suốt 2 ngày qua, toàn bộ tài sản của gia đình chìm trong nước hơn 2 m. Chiều hôm qua, nước lũ rút bớt, tôi quay trở lại, thì tất cả trôi sạch không còn thứ gì. Hai con bò cũng trôi luôn theo nước lũ. Khổ quá, không biết gia đình tôi lấy gì để sống đây. Mong sao vợ chồng khỏe mạnh, để làm lại mà lo cho các con”, ông Quang nghẹn lời.
 
Nhà dân bị lũ tống sập. Ảnh: TRÙNG DƯƠNG
“Còn mỗi cái nhà, lũ tống sập luôn”
Bi đát hơn là hoàn cảnh của gia đình ông Phạm Ngọc Thanh (trưởng thôn 2, xã Lộc Châu). Không chỉ cuốn trôi toàn bộ tài sản, mà lũ dữ còn tống sập cả căn nhà xây của gia đình ông.
Ông Thanh thở dài: “Còn gì nữa đâu, lũ cuốn hết cả rồi. Còn mỗi cái nhà, lũ tống sập luôn. Giờ nhà không có ở, lại phải lo chạy vạy kiếm cái ăn. Khốn khổ vô cùng”.
Không chỉ gia đình ông Quang, ông Thanh mà tại các xã Lộc Châu, Đại Lào, B’Lao, còn có hàng trăm hộ dân khác phải chịu cảnh tương tự.
 
Căn nhà mới vừa xây của ông Cao Bá Tám, xã Đại Lào bị sạt lở đất làm nứt nẻ hư hỏng hoàn toàn. Ảnh: TRÙNG DƯƠNG
Đến hết ngày 10.8, nước ở địa bàn TP.Bảo Lộc còn ngập mênh mông, thiệt hại về kinh tế chưa thể thống kê được. Không chỉ chịu thiệt hại do lũ quét, mà người dân nơi đây còn đang gồng mình đối diện với cảnh sạt lở đất xảy ra khắp nơi.
Cho dù được lực lượng cứu hộ quên mình nỗ lực giúp đỡ, nhưng tất cả cũng không ngăn nổi nhà người dân bị đất đá làm đổ sập.
"Giờ trắng tay..."
Ông Cao Bá Tám (xã Đại Lào, TP.Bảo Lộc), chua chát: “Làm suốt đời, gia đình tôi vừa xây được căn nhà hơn 500 triệu đồng. Mưa gió mấy ngày khiến đất đá sạt lở làm toàn bộ căn nhà đổ sập, xóa sổ hoàn toàn. Giờ trắng tay, chẳng còn gì. Mong rằng tới đây, nhận được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền, các nhà hảo tâm gom góp làm cho cái nhà nho nhỏ để có chỗ chui ra, chui vào mà làm ăn. Còn không gia đình tôi bất lực, không biết lấy gì để sống và nuôi con cái học hành”.
Cùng cảnh ngộ với ông Tám, tại xã Đại Lào còn có 4 hộ dân khác bị đất đá sạt lở làm nhà cửa nứt nẻ, đổ sập, buộc phải sơ tán đến ở nhờ nhà hàng xóm. Tất cả họ đều chịu cảnh trắng tay “màn trời, chiếu đất”.
Trùng Dương (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.