Tân Tiến trên đà khởi sắc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Đường sá đi lại cao ráo, sạch đẹp; nhà cửa mọc lên khang trang… là những điều dễ nhận thấy khi về thôn Tân Tiến (xã Trang, huyện Đak Đoa). Với sự đồng lòng, nỗ lực vượt khó trong lao động sản xuất, đóng góp cho xây dựng hạ tầng, người dân nơi đây đang từng bước xây dựng quê hương ngày một khởi sắc.
 Vườn tiêu của gia đình ông Nguyễn Quốc Sáu. Ảnh: Trần Trung Kỳ
Vườn tiêu của gia đình ông Nguyễn Quốc Sáu. Ảnh: Trần Trung Kỳ
Thôn Tân Tiến là một địa phương thuần nông, nằm cách trung tâm huyện 12 km với 276 hộ dân. Những năm trước đây, do chưa có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất nên thu nhập của người dân còn thấp, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Những năm gần đây, nhờ được tham gia các lớp tập huấn, hội thảo, vay vốn ngân hàng, người dân trong thôn mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng các tiến bộ khoa hoạc kỹ thuật vào sản xuất, phòng trừ dịch bệnh nên năng suất tăng cao. Hiện toàn thôn có 302 ha cây trồng các loại, trong đó cà phê 269 ha, hồ tiêu 18 ha, cao su 10 ha, các loại cây trồng khác 5 ha và đàn gia súc, gia cầm trên 2.38 con. Nhờ đó, đời sống của người dân trong thôn khởi sắc, cái đói, cái nghèo dần lùi vào quá khứ.
Gia đình ông Nguyễn Quốc Sáu là một trong những hộ điển hình về thu nhập cao ở thôn Tân Tiến. Dù xuất phát điểm là một hộ nghèo nhưng với tinh thần vượt khó, không cam chịu đói nghèo, sau hơn 20 năm gắn bó với mảnh đất Tân Tiến, gia đình ông Sáu đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu với thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm từ 6 ha cà phê, 2 ha hồ tiêu. Ông Sáu chia sẻ: Năm 1993, gia đình tôi rời quê Thanh Hóa vào thôn Tân Tiến lập nghiệp. Ban đầu, vì chưa có vốn nên gia đình làm công nhân cho Nông trường cao su Hòa Bình. Sau khi tích cóp được một số vốn, gia đình đã mua được gần 1 ha đất để trồng các loại cây ngắn ngày. Hơn 10 năm trở lại đây, nhờ tham gia các lớp tập huấn và được tiếp cận với các nguồn vốn vay ngân hàng, gia đình mạnh dạn chuyển sang trồng các cây công nghiệp cho giá trị kinh tế cao như hồ tiêu và cà phê. Nhờ đó, thu nhập của gia đình tăng lên và đời sống nhờ đó được cải thiện”.
Cũng “khởi nghiệp” bằng các loại cây trồng ngắn ngày, sau nhiều năm mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, đến nay, gia đình ông Lê Như Nguyện đã có 6 sào cà phê, 600 trụ tiêu và 120 gốc chanh dây. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông lãi 300 triệu đồng. Từ nguồn thu nhập này, gia đình ông đã xây dựng nhà ở khang trang, mua sắm được nhiều vật dụng phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất. Ông Nguyện cho biết: “Lúc mới từ quê vào đây lập nghiệp, thôn Tân Tiến còn hoang sơ lắm. Đi đâu cũng thấy cây rừng và cỏ dại nên phải mất rất nhiều thời gian để khai hoang, cải tạo đất. Đã vậy, kinh tế khó khăn nên gia đình chỉ trồng được một số cây trồng ngắn ngày như mì, bắp để nhanh có thu nhập. Sau đó, nhờ được xã hỗ trợ vay vốn, gia đình mới bắt tay vào trồng hồ tiêu và cà phê. Nhờ áp dụng các kỹ thuật sản xuất học được từ các buổi tập huấn, cà phê và hồ tiêu cho năng suất cao nên thu nhập của gia đình tăng theo”.
Đặc biệt, khi đời sống được nâng lên, người dân trong thôn tích cực tham gia đóng góp cho xây dựng nông thôn mới, góp phần thay đổi diện mạo vùng quê. Chỉ tính từ năm 2014 đến nay, người dân trong thôn đã đóng góp trên 450 triệu đồng để làm đường điện chiếu sáng, sân bóng chuyền, cổng chào và hiến đất, đóng góp kinh phí cùng Nhà nước làm 1km đường giao thông nông thôn. Ngoài ra, người dân còn đầu tư xây dựng tường rào, cổng ngõ, vệ sinh đường làng, ngõ xóm để tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp.
Ông Lê Hồng Thái-Trưởng thôn Tân Tiến cho biết: Để có được sự thay đổi như ngày hôm nay, ngoài thế mạnh của thôn là có nông trường cao su Hòa Bình đóng chân nên có nhiều hộ được nhận làm công nhân và có nguồn thu ổn định thì mỗi người dân trong thôn đều biết khai thác các tiềm năng về đất đai để đầu tư sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người hiện đã đạt trên 36 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, trong tổng số 276 hộ đã có 180 hộ có mức thu nhập mỗi năm trên 120 triệu đồng. Nhiều gia đình đã có điều kiện để xây dựng nhà cửa trang trang và mua sắm các vật dụng đắt tiền phục vụ nhu cầu sinh hoạt và tái đầu tư sản xuất. Hiện toàn thôn chỉ còn 9 hộ nghèo; hộ khá, giàu trên 60%. Do đó, thời gian tới, thôn sẽ tiếp tục vận động bà con chăm chỉ lao động, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất, từng bước làm giàu và tiếp tục có nhiều đóng góp cho xây dựng nông thôn mới”.
Trần Trung Kỳ

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.