Trước con số khoảng 100 người chết mỗi ngày do dịch COVID-19 gây ra ở Trung Quốc, giới truyền thông và dư luận đã dừng lại trước cái chết của những bác sĩ, nhân viên y tế.
Bên trong các bệnh viện ở Vũ Hán, các bác sĩ đang chiến đấu từng giờ với virus corona để cứu chữa bệnh nhân - Ảnh: Reuters, AP |
Đó là những người trực tiếp tham gia chống dịch, cứu người kể từ khi nó bùng phát cho đến nay. Mới nhất là sự ra đi của bác sĩ Lưu Trí Minh, viện trưởng Bệnh viện Vũ Xương ở TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.
Trước đó, nữ bác sĩ Xu Hui, phó chủ nghiệm khoa y học Trung Quốc thuộc Bệnh viện Nam Kinh, cũng qua đời ở tuổi 51 vào ngày 7-2 vì kiệt sức sau 18 ngày làm việc không ngừng nghỉ.
Trong bản tin về sự hi sinh của bác sĩ Xu Hui, truyền thông nước này còn thống kê: có ít nhất 500 nhân viên y tế tuyến đầu tại Vũ Hán đã mắc COVID-19 và có ít nhất 4 bác sĩ đã thiệt mạng liên quan đến dịch bệnh này.
Câu chuyện hi sinh vì nghề, nhất là sự tận lực trong những ngày đại dịch COVID-19, mạng xã hội ở Việt Nam đã chia sẻ và bày tỏ sự thương tiếc về họ, chia sẻ với gia đình họ.
Vượt qua mọi ranh giới quốc gia, trong lúc này, con người cảm nhận gần gũi nhau hơn vì tinh thần dấn thân của những bác sĩ đã hi sinh. Và vì vậy, rất tự nhiên, họ cùng bày tỏ lòng kính trọng vì các bác sĩ đã tận hiến cho đời, cho bệnh nhân.
Cũng trong những ngày này, hình ảnh các vết hằn trên khuôn mặt những bác sĩ, các nhân viên y tế do phải liên tục đeo khẩu trang, ở suốt trong bệnh viện... cũng là hình ảnh lan tỏa, gây xúc động lớn. Nghề nghiệp nào cũng có những nguy hiểm, rủi ro riêng, nghề y cũng vậy.
Công việc của các bác sĩ là phải thường xuyên tiếp xúc với người bệnh, nghĩa là sẽ thường xuyên tiếp xúc với nguồn gây bệnh. Do vậy, khó có thể tránh được những rủi ro và hi sinh là hệ quả có thể xảy ra bất cứ khi nào, nhưng chức nghiệp thầy thuốc đã không làm cho họ sợ hãi.
Sự hi sinh của họ trong cuộc chiến chống COVID-19 của toàn nhân loại trở thành một hình ảnh đáng tôn vinh và ngưỡng mộ. Cảm kích trước họ sẽ cho chúng ta những cảm xúc sống tốt hơn, tận tụy với nghề nghiệp hơn, dù mình thuộc lĩnh vực nào.
Nghĩ về họ, đôi khi ta thấy cái chết thật không đáng sợ, chỉ sợ là mình không dám hi sinh khi có thể làm gì đó, để lại gì đó cho mọi người.
Trong suốt những ngày dịch COVID-19 ảnh hưởng tới Việt Nam, các bác sĩ trong cả nước cũng đã căng mình điều trị cho các bệnh nhân. Bước đầu, Việt Nam đã có những biện pháp cách ly, ngăn ngừa và trị liệu hiệu quả. Sắp có 2 địa phương là Khánh Hòa, Thanh Hóa công bố hết dịch.
Tin vui đó có sự nỗ lực to lớn của ngành y, sự phối hợp tuyên truyền của truyền thông - báo chí, sự hợp tác của các ngành, các cấp và đặc biệt là sự đồng lòng của người dân trong nỗ lực dập dịch.
Những ngày tháng 2, ở nước ta có một ngày vinh danh người thầy thuốc: 27-2, Ngày thầy thuốc Việt Nam. Cần nói một lời cảm ơn về tất cả những sự hi sinh cho con người, dù họ mang quốc tịch nào.
Cũng cần nói thêm nhiều lời cảm ơn với những người thầy thuốc có tâm với nghề, cống hiến trí tuệ của mình cho con người, không chỉ riêng 27-2, hay tháng 2 mới nhớ, mới tri ân.
Thực ra, biết ơn chính là một cách nuôi dưỡng lòng mình trở nên tốt đẹp hơn. Đó cũng là cách thừa nhận người khác, nghề khác trong tương quan với cuộc đời...
Theo LƯU ĐÌNH LONG (TTO)