Tái hiện sinh động Lễ cầu mưa của người Jrai ở Krông Pa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày thứ hai khai hội, đoàn nghệ nhân huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai thực hiện phục dựng nghi lễ cầu mưa của người Jrai ở xã Ia Rmok, thu hút sự theo dõi của đông đảo người xem. 
Chương trình phục dựng lễ hội cầu mưa của đoàn nghệ nhân đến từ xã Ia Rmok (huyện Krông Pa) kéo dài chừng 20 phút. Các nghệ nhân chuẩn bị bài bản, đầy đủ từ cây nêu, vật cúng lễ cho đến bài cúng, lễ nghi thực hiện... Trong lễ cúng cầu mưa không thể thiếu 1 tô đồng, cây nến, ống nứa đựng muối và gạo, cây cột rượu, chén đồng, chén đất, đĩa đất, ghế mây. Lễ vật gồm có 1 con heo (làm tượng trưng bằng 1 đầu heo) và 3 ché rượu. Khi lễ vật đã bày biện đầy đủ, dưới tán thông xanh mát, 20 nghệ nhân bắt đầu tiến hành nghi lễ cầu mưa- hoạt động tâm linh rất quan trọng trong đời sống nông nghiệp của người Jrai khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai. 
Già Hung biểu diễn màn trống hội vui tươi, rộn rã, nhộn nhịp. Ảnh: Phương Linh
Già Hung biểu diễn màn trống hội vui tươi, rộn rã, nhộn nhịp. Ảnh: Phương Linh
Bắt đầu, già Rơ Ô Hung (75 tuổi, xã Ia Rmok) ngồi trên chiếc ghế mây, trước mặt là 3 ghè rượu cần đã được rót đầy nước; hai bên, các cô gái trong trang phục truyền thống quỳ xếp thành hàng. Già Hung khấn to bài cúng bằng tiếng Jrai mà ông nằm lòng qua những lần thực hiện nghi lễ tại buôn làng. Trong lúc già Hung đọc to bài cúng tế, 5 nghệ nhân lớn tuổi ngồi phía sau cùng tay trống tấu lên một điệu cồng chiêng mang ý nghĩa chuyển tải nguyện cầu của dân làng đến với Yàng và thần linh, mong được ban cho hạt mưa để trồng trọt, sản xuất thuận lợi, dân làng được ấm no, hạnh phúc. Xong đâu đó, già Hung rót rượu trong mâm cúng vào đất, rồi rót rượu mời đại biểu, các già làng. Nghi lễ diễn ra nhanh chóng rồi  tiếp nối bằng tiếng chiêng, tiếng trống âm vang. Dù đã bước sang tuổi thất thập nhưng già Hung vẫn còn rất khỏe lắm. Trước sự háo hức của khán giả, già Hung đã có màn biểu diễn trống cổ hết sức ấn tượng trên nền bài chiêng mừng hội vui tươi, rộn ràng. Bước chân uyển chuyển mà chắc nịch, một tay ôm trống, một tay dùng dùi gõ nhịp, biểu cảm phô bày tất cả sự hào hứng của già Hung khiến cho không gian phục dựng lễ cầu mưa nóng lên. Các cô gái theo tiếng trống, tiếng cồng chiêng kết thành hàng, thành vòng tạo nên điệu xoang sôi động, nhịp nhàng, đẹp mắt xung quanh cây nêu. Bài chiêng cầu mưa càng về cuối càng trở nên nhanh hơn, dồn dập và vui tươi hơn như muốn thể hiện nguyện cầu của dân làng đã được truyền đạt tới Yàng. 
Theo truyền thống, các vị khách quý sẽ được mời uống lượt rượu đầu tiên của các ghè rượu cúng tế. Ảnh: Phương Linh
Theo truyền thống, các vị khách quý sẽ được mời uống lượt rượu đầu tiên của các ghè rượu cúng tế. Ảnh: Phương Linh
Lau vội những giọt mồ hôi, già Hung nói: “Khi nào trời hạn hán thì làng mới  làm lễ cúng cầu Yàng ban mưa cho dân làng trồng trọt. Mình còn cầu cho dân làng được khỏe mạnh, ấm no. Theo thời gian, những gì lạc hậu, không phù hợp trong nghi lễ thì mình bỏ đi, còn cái gì tốt đẹp, ý nghĩa thì vẫn giữ lại. Như ngày trước cứ cúng lễ thì phải có trâu, rất tốn kém. Bây giờ thay bằng  con heo, không có heo thì cúng con gà cũng được vậy”. 
Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên là dịp hiếm có với những ai khao khát tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa đặc sắc của các dân tộc Trường Sơn cũng như cả nước. Thích thú trước phần phục dựng lễ hội cầu mưa của huyện Krông Pa, anh Bùi Văn Bình (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) chia sẻ: “Tôi cũng từng xem lễ hội này nhưng trên phim ảnh, sách báo. Chỉ đây là lần đầu tiên xem trực tiếp lễ hội đặc sắc này của người Jrai. Khoảng vài chục phút nán lại nhưng tôi có được hiểu biết đầy đủ một lễ cúng quan trọng thể hiện nét văn hóa và đời sống tâm linh độc đáo của người dân tộc bản địa tỉnh nhà”. 
Phương Linh

Có thể bạn quan tâm