Suy ngẫm từ chuyện cán bộ chủ chốt bị kỷ luật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một loạt nguyên lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Lào Cai vừa bị kỷ luật Đảng ở mức cao nhất. Đáng nói là các sai phạm của tập thể lãnh đạo chủ chốt tỉnh này chỉ được phát hiện và xử lý sau khi họ đã không còn tại vị, cho thấy vẫn còn những lỗ hổng trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng và tinh thần tự giác, tính nêu gương của một số cán bộ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền.

Những lỗ hổng ấy cần phải được khỏa lấp để củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân vào Đảng và Nhà nước.

Những bản quyết định kỷ luật ở mức cao nhất đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư dành cho nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Doãn Văn Hưởng, 2 nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Dương và Lê Ngọc Hưng cùng nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Mai Bình Định. Họ đã bị khai trừ ra khỏi Đảng vì những vi phạm nghiêm trọng trong sinh hoạt Đảng và chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Họ bị kỷ luật sau khi đã có hơn 10 người ở doanh nghiệp bị khai trừ ra khỏi Đảng, bị khởi tố hình sự do những sai phạm liên quan đến những ưu ái trong việc cấp phép khai thác, xuất khẩu khoáng sản, xây dựng khách sạn, kinh doanh dịch vụ… gây thất thoát lớn tiền thuế, tài nguyên quốc gia. Trong vụ việc này, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh tuy chưa có mức kỷ luật cụ thể nhưng một khi Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét kỷ luật thì chắc chắn, kỷ luật cũng sẽ ở mức cao nhất dành cho một người từng là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Dẫu biết rằng đã làm việc lớn thì có lúc đúng, có lúc sai, âu cũng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, thành công của người lãnh đạo, giữ vai trò “đứng mũi chịu sào” lo việc nước, việc dân là ở tỷ lệ so sánh giữa 2 mặt đúng-sai ấy. Cán bộ lãnh đạo được Đảng phân công, được Nhân dân bầu ra, trao quyền để quản lý xã hội, điều hành bộ máy công quyền vận hành sao cho hiệu quả, khai thác tốt nhất những gì là tiềm năng, lợi thế, tạo điều kiện tốt nhất giúp người dân và doanh nghiệp được tự do sản xuất kinh doanh, làm ra của cải cho mình và xã hội, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển, giàu mạnh, nhà nhà hạnh phúc trong không khí dân chủ, công bằng. Chứ không phải họ cứ có quyền trong tay là muốn làm gì thì làm, một tay che cả bầu trời; vì động cơ cá nhân, vì quyền lợi phe nhóm mà biến của công thành “của ông”, ưu ái cho cá nhân doanh nghiệp nhưng gây thiệt hại cho cái chung.

Là những cán bộ đứng đầu cấp ủy, chính quyền một tỉnh, họ đã vi phạm các nguyên tắc, quy chế, quy định của Đảng; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để UBND tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng pháp luật trong hoạt động khai thác, xuất khẩu khoáng sản. Những sai phạm ấy đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, khó khắc phục, làm thiệt hại, thất thoát rất lớn tiền thuế, tài nguyên của đất nước, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng, chính quyền địa phương.

Họ làm vậy để được gì? Hành vi kê khai tài sản thiếu trung thực, không đầy đủ, vi phạm Luật Phòng-chống tham nhũng; suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; nhiều lô đất, biệt thự rộng hàng trăm mét vuông ở vị trí đắc địa giữa TP. Lào Cai có liên quan đến các nguyên lãnh đạo tỉnh này được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, chỉ ra trước khi quyết định hình thức kỷ luật đã nói lên tất cả!

Điều đáng nói là những sai phạm của nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt tỉnh Lào Cai xảy ra đã lâu, kéo dài nhiều năm của nhiệm kỳ trước nhưng vì sao không được nội bộ phát hiện và ngăn chặn kịp thời? Tính chiến đấu, tinh thần đảng viên, tình đồng chí, đồng đội ở đâu khi những sai phạm không được đấu tranh, chấn chỉnh để những sai phạm không thể từ cái sảy nảy thành cái ung?

Mất mát tiền bạc, tài sản của đất nước là điều đáng tiếc. Mất cán bộ, mà lại mất đồng loạt thì càng đáng tiếc hơn. Việc một số cán bộ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền chỉ vì tham tham, vụ lợi mà cố ý làm sai, đánh mất uy tín cá nhân, ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín của tổ chức, làm suy giảm lòng tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước mới thực sự là điều đáng sợ, để mỗi chúng ta nghĩ suy và hành động.

Có thể bạn quan tâm

Xe dù chui lọt lỗ kim

Xe dù chui lọt lỗ kim

Những năm qua, lực lượng chức năng cũng như các ban ngành hữu trách đã đề ra một số biện pháp nhằm dẹp bỏ loại 'xe dù, bến cóc', nhất là tại khu vực trung tâm, thì căn bệnh trầm kha này lại 'di căn' ra đến khu vực đường dẫn cao tốc.

Số hóa toàn diện, tinh gọn bộ máy

Số hóa toàn diện, tinh gọn bộ máy

Khi gợi mở các định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư Tô Lâm không ít lần khẳng định phải xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao.

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Dù chưa có những quy định cụ thể về tài sản kỹ thuật số nhưng công nghệ số liên quan thì chúng ta không cấm. Tình trạng không cấm nhưng không quản tiền số không chỉ lãng phí một khoản không nhỏ cho ngân sách, mà còn gây nhiều hệ lụy cho đời sống người dân suốt mấy năm qua.

Tạo xung lực mới cho phát triển

Tạo xung lực mới cho phát triển

Cải cách bộ máy hành chính nhà nước sao cho tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là vấn đề đã được Đảng quan tâm rất nhiều và rất sớm, ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VI vào năm 1986. Nhưng cũng phải bắt đầu từ năm 1994, công cuộc cải cách này mới được triển khai với quy mô lớn.