Sụt lún, sạt lở ven sông Krông Nô khiến người dân bất an

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều hộ dân tại thôn Phú Hưng, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) bất an với tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô, ảnh hưởng tới đời sống dân sinh, các công trình công cộng và Quốc lộ 28 nằm gần khu vực này.
Sụt lún sàn nhà của hộ gia đình bà Phạm Thị Cài, ở thôn Phú Hưng, xã Quảng Phú.

Sụt lún sàn nhà của hộ gia đình bà Phạm Thị Cài, ở thôn Phú Hưng, xã Quảng Phú.

Hơn một năm nay, gia đình bà Phạm Thị Cài ở thôn Phú Hưng, xã Quảng Phú thường xuyên lo lắng, bất an do sàn nhà bị sụt lún, nứt bất thường. Ngôi nhà cấp 4 của bà Cài nằm giáp Quốc lộ 28 và cách bờ sông Krông Nô hơn 100m.

Bà Cài cho biết, gia đình bà sinh sống ổn định tại ngôi nhà đã nhiều năm. Vào đầu năm 2022, ngôi nhà xuất hiện các vết nứt trên sàn, tường; đến khoảng tháng 10/2022, nhiều vị trí tại các phòng khách, phòng ngủ tiếp tục sụt lún mạnh. Gia đình bà hiện “tiến thoái lưỡng nan”, bởi tiếp tục ở lại thì sợ nguy hiểm, mà chuyển đi thì chưa biết đi đâu.

“Gia đình tôi mong muốn các ngành chức năng khảo sát, đánh giá cụ thể nguyên nhân sụt lún để có giải pháp phù hợp sửa chữa, khắc phục tình trạng sụt lún, nứt nhà. Nếu không chúng tôi rất lúng túng, không biết xử lý như thế nào”, bà Cài chia sẻ.

Tương tự, một số gia đình gần nhà bà Cài cũng ghi nhận tình trạng sụt lún đất, nứt sàn, vách ở mức độ nhẹ hơn. Giếng của một số hộ dân liền kề cũng bị sạt lở, không thể bơm nước.

Sạt lở đường giao thông ven sông Krông Nô, đoạn qua xã Nâm N’Đir, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông.

Sạt lở đường giao thông ven sông Krông Nô, đoạn qua xã Nâm N’Đir, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông.

Theo một số hộ dân tại thôn Phú Hưng, tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Trước đây, vào mùa khô, nước cạn, tại một số vị trí, người dân có thể đi bộ qua sông. Còn hiện nay, lòng sông bị khoét sâu và mở rộng ra rất nhiều so với trước, nhiều vị trí cắm sào dài 5m vẫn chưa chạm đáy.

Hiện đang vào mùa khô nhưng nhiều hộ dân tại thôn Phú Hưng không dám đặt máy bơm nước gần bờ sông để tưới cà phê, bởi đất ven sông đều là đất pha cát, rất dễ sạt lở.

Anh Nguyễn Minh Tuệ, một hộ dân tại thôn Phú Hưng cho biết, từ cuối năm 2021 đến nay, mảnh đất hơn 4.000 m2 của gia đình anh hiện chỉ còn gần 2.000 m2 do sạt lở bờ sông.

Một số hộ dân khu vực này cho biết, mấy năm nay, sạt lở bờ sông đã xóa sổ vĩnh viễn nhiều ha đất ven sông, vốn là “bờ xôi, ruộng mật". Người dân kiến nghị chính quyền địa phương, các ngành chức năng cần khảo sát, đánh giá và tính toán lại việc cấp phép khai thác cát sông, nhất là các khu vực tiếp giáp với khu dân cư, các công trình hạ tầng, đường giao thông...

Ban Tự quản thôn Phú Hưng, xã Quảng Phú đánh giá, tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô ngày càng nghiêm trọng trong các năm gần đây. Hiện nhiều ngôi nhà của người dân thôn Phú Hưng chỉ còn cách sông Krông Nô khoảng 100m; khoảng cách từ một số vị trí trên Quốc lộ 28 tới ven sông Krông Nô khoảng 100m; khoảng cách từ phía sau Trạm Y tế xã Quảng Phú tới bờ sông chỉ hơn 50m…

Theo ngành chức năng tỉnh Đắk Nông, khu vực thôn Phú Hưng, xã Quảng Phú trước đây có một doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát là Doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Mai. Giấy phép cấp cho doanh nghiệp này đã hết hạn vào đầu năm 2019. Sau đó, doanh nghiệp được gia hạn giấy phép vào tháng 4/2021, giấy phép gia hạn cũng đã hết hạn vào tháng 5/2022. Hiện, Doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Mai đang tiếp tục xin cấp phép khai thác cát tại khu vực này.

Ông Đỗ Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú thông tin, do giấy phép đã hết hạn nên mọi hoạt động khai thác cát tại đây đều là trái phép. UBND xã Quảng Phú đã đề nghị các hộ dân khi phát hiện các ghe, tàu hút cát thì báo ngay cho Công an xã để kịp thời xử lý theo quy định; đồng thời yêu cầu Doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Mai di dời các máy móc, tàu hút cát ra khỏi khu vực bến bãi.

Đối với đề xuất của Doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Mai về tiếp tục cấp phép khai thác cát tại mỏ cát thôn Phú Hưng, văn bản đóng góp ý kiến của UBND xã Quảng Phú khẳng định, tình trạng sạt lở bờ sông rất phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân. Do vậy, khi triển khai cấp phép, dự án cần họp dân để lấy ý kiến rộng rãi về dự án này.

Sông Krông Nô, đoạn chảy qua thôn Phú Hưng, xã Quảng Phú có 3 vị trí sạt lở nguy hiểm.

Sông Krông Nô, đoạn chảy qua thôn Phú Hưng, xã Quảng Phú có 3 vị trí sạt lở nguy hiểm.

Theo UBND huyện Krông Nô, mỏ cát tại thôn Phú Hưng, xã Quảng Phú có chiều dài 380m, chiều rộng trung bình 50m và có diện tích mặt nước 19.000 m2, nằm cách khu dân cư 160m. Khu vực này có kết cấu địa chất yếu, dễ sạt lở và kết quả kiểm tra thực địa vào tháng 2/2022 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông ghi nhận có 3 vị trí sạt lở, trong đó 2 vị trí tại bờ tiếp giáp với tỉnh Đắk Lắk, 1 vị trí tiếp giáp với tỉnh Đắk Nông.

Cuối tháng 11/2023, ông Trần Đăng Ánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô đã ký công văn gửi Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh để góp ý kiến về việc thẩm định, tái cấp phép khai thác mỏ cát thôn Phú Hưng. Theo UBND huyện Krông Nô, vị trí mỏ cát thôn Phú Hưng nằm ở hạ lưu thủy điện Buôn Tua Srah và ngay sau thủy điện Chư Pông Krông nên lượng cát bồi lắng, bổ sung về rất ít. Doanh nghiệp đề xuất sử dụng kết quả phê duyệt trữ lượng từ năm 2012 để được cấp phép khai thác trong khi từ đó đến nay, đã có rất nhiều tác động, nhiều thay đổi về độ sâu, bề rộng, sạt lở bờ sông ở khu vực này.

Trong trường hợp vẫn cấp phép cho doanh nghiệp, UBND huyện Krông Nô đề xuất ngành chức năng tỉnh Đắk Nông xem xét, yêu cầu doanh nghiệp chấp hành nghiêm Nghị định số 23/2020/NĐ-CP, ngày 24/2/2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; đồng thời yêu cầu doanh nghiệp cam kết bồi thường, hỗ trợ cho dân và dừng hoạt động khai thác trong trường hợp xảy ra sạt lở; có giải pháp phù hợp để hạn chế ảnh hưởng đến đất đai, nhà cửa và các công trình hạ tầng, giao thông trong quá trình khai thác cát…

Xã Quảng Phú, huyện Krông Nô là trung tâm khai thác cát xây dựng lớn nhất tỉnh Đắk Nông hiện nay. Toàn xã hiện có 5 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát với sản lượng hơn 100.000m3/năm, chiếm hơn 50% tổng sản lượng cát khai thác hàng năm của toàn tỉnh.

Có thể bạn quan tâm