Starlink - "gà đẻ trứng vàng" để Elon Musk xây thành phố sao Hỏa?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Tỉ phú Elon Musk tham vọng xây thành phố trên sao Hỏa và dịch vụ Starlink của SpaceX có thể trở thành "gà đẻ trứng vàng" để biến ước mơ này thành hiện thực.
 
Elon Musk tham vọng xây dựng thành phố trên sao Hỏa. Ảnh: SpaceX
Elon Musk tham vọng xây dựng thành phố trên sao Hỏa. Ảnh: SpaceX
Tháng trước, CEO SpaceX Elon Musk tiết lộ rằng công ty cung cấp dịch vụ vũ trụ đã nhận được hơn 500.000 đơn đặt hàng cho Starlink. "Chòm sao vệ tinh" Starlink - đã phát triển từ 60 vệ tinh vào tháng 5.2019 lên hơn 1.000 vệ tinh trên quỹ đạo ngày nay - được thiết kế để cung cấp Internet vệ tinh tốc độ cao và độ trễ thấp.
Nếu cơ sở khách hàng của Starlink tăng lên, phép toán cho thấy, với đủ số lượt đăng ký dịch vụ, Elon Musk thực sự có thể tài trợ cho giấc mơ đầy tham vọng và đắt giá nhất của mình - một thành phố trên sao Hỏa.
Starlink là gì?
Starlink là một tập hợp các vệ tinh đang được SpaceX xây dựng để cung cấp truy cập Internet vệ tinh, bao gồm hàng nghìn vệ tinh nhỏ được sản xuất hàng loạt trên quỹ đạo thấp của Trái đất (LEO).
 
Tên lửa Falcon 9 của SpaceX phóng vệ tinh Starlink. Ảnh: SpaceX
Tên lửa Falcon 9 của SpaceX phóng vệ tinh Starlink. Ảnh: SpaceX

 
Theo trang Inverse, không giống như kết nối cáp quang, Internet vệ tinh không phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng trên mặt đất, nên khá lý tưởng cho các khu vực nông thôn và các khu vực dịch vụ kém. Tuy nhiên, một lý do ưu việt khác của Starlink là có độ trễ thấp hơn so với các dịch vụ Internet vệ tinh khác.
Độ trễ cao có nghĩa là phải mất nhiều thời gian để nhận được phản hồi từ máy chủ, khiến các tác vụ nhạy cảm với phản hồi, chẳng hạn như cuộc gọi Zoom trở nên khó khăn nếu không muốn nói là không thể.
Starlink nhằm mục đích giảm độ trễ bằng cách đặt các vệ tinh của mình trên quỹ đạo ở độ cao thấp hơn nhiều, khoảng 550 km so với mực nước biển và bằng cách đặt nhiều vệ tinh hơn. Công ty SpaceX đã xin phép phóng 42.000 vệ tinh.
Starlink bắt đầu thử nghiệm sản phẩm beta vào cuối năm 2020. Người dùng ở Mỹ phải trả 499 USD phí một lần (không bao gồm thuế và phí vận chuyển) cho bộ kit Starlink. Một khi đã kết nối, sau đó họ phải trả 99 USD/tháng để truy cập Internet.
Dịch vụ hiện cung cấp tốc độ khoảng 150 megabit/giây, nhưng SpaceX có kế hoạch cuối cùng sẽ đạt tới 10 gigabit/giây.
 
Một bộ kit Starlink có giá 499 USD. Ảnh: SpaceX
Một bộ kit Starlink có giá 499 USD. Ảnh: SpaceX
Đầu tư tiền từ Starlink cho thành phố trên sao Hỏa
Elon Musk muốn sử dụng tiền thu được từ Starlink để thực hiện tham vọng của mình - một thành phố trên sao Hỏa. Kế hoạch luôn là như vậy. Vào năm 2015, khi Elon Musk công bố dự án Starlink, ông nói rằng dự án “nhằm mục đích tạo ra doanh thu để chi trả cho một thành phố trên sao Hỏa”.
Tỉ phú Elon Musk muốn sử dụng tên lửa Starship đang được phát triển của SpaceX để đưa con người và hàng hóa lên sao Hỏa càng sớm càng tốt. Mục tiêu là thành lập một thành phố tự duy trì trên hành tinh đỏ vào năm 2050. Đây không phải là một tham vọng giá rẻ. Elon Musk tuyên bố vào tháng 10.2019 rằng, thành phố sao Hỏa sẽ có chi phí từ 100 tỉ đến 10.000 tỉ USD.
Con số của Elon Musk dựa trên một số giả định: Một thành phố tự duy trì trên sao Hỏa sẽ cần 1 triệu tấn hàng hóa để thiết lập thành công; Có thể tốn 100.000 USD để gửi 1 tấn hàng lên sao Hỏa bằng tàu Starship; Nếu muốn gom tiền cho thành phố sao Hỏa của mình, cần ít nhất 100 tỉ USD trong thời gian 30 năm, tương đương khoảng 3,33 tỉ USD mỗi năm.
SpaceX sẽ trả tiền cho thành phố sao Hỏa
Theo tờ The Wall Street Journal, các dự báo nội bộ của SpaceX năm 2017 cho thấy Starlink sẽ là chìa khóa để cùng nhau kiếm tiền cho một thành phố trên sao Hỏa.
Ngành công nghiệp phóng tên lửa nói chung chỉ mang lại doanh thu khoảng 4,5 tỉ USD trong năm đó, có nghĩa là công việc hàng ngày của SpaceX không mang lại đủ tiền để chi trả cho một thành phố trên sao Hỏa. Elon Musk nói với các phóng viên vào tháng 5.2019 rằng, ngành công nghiệp kết nối Internet mang lại khoảng 1 nghìn tỉ USD doanh thu mỗi năm trên toàn cầu.
Vào thời điểm đó, Elon Musk cho rằng, Starlink có thể chiếm khoảng 3-5% tổng doanh thu hàng năm đó. Điều đó có nghĩa là Starlink có thể mang lại khoảng 50 tỉ USD mỗi năm, phù hợp với các dự báo nội bộ "màu hồng" của SpaceX từ năm 2017.
Khi đó, công ty dự kiến ​​có thể đạt tổng doanh thu hàng năm hơn 35 tỉ USD vào năm 2025 - khoảng 30 tỉ USD trong đó sẽ đến từ Starlink. Ở mức lạc quan hơn, công ty có thể đạt doanh thu ròng 20 tỉ USD sau khi đã trừ chi phí trong năm này.
Nếu mọi người đã đặt hàng Starlink ngay bây giờ thực sự hoàn thành đơn đặt hàng của họ, SpaceX sẽ nhận được 99 USD mỗi tháng từ nửa triệu người - nói cách khác là 49,9 triệu USD. Con số này tương đương với doanh thu chưa trừ chi phí là 594 triệu USD mỗi năm.
SpaceX sẽ cần khoảng 2,5 triệu người đăng ký Starlink để nhận được mức tối thiểu đã tính toán ở trên - 3,3 tỉ USD doanh thu mỗi năm. Đó là doanh thu chưa trừ chi phí vận hành, có nghĩa là trong thực tế, SpaceX sẽ cần nhiều người đăng ký hơn để trang trải chi phí vận hành của Starlink.
Số lượng người đăng ký đó không phải là điều dễ dàng. Đối thủ cạnh tranh HughesNet tuyên bố vào tháng 4.2020 rằng họ là nhà cung cấp vệ tinh đầu tiên trên thế giới vượt qua 1 triệu người đăng ký. SpaceX sẽ cần phải đánh bại HughesNet và sau đó phải duy trì số người đăng ký và thanh toán trong 30 năm.
Nhưng dựa trên doanh thu ròng, mục tiêu của Elon Musk có vẻ có thể đạt được. Nếu những dự đoán của công ty thành hiện thực và SpaceX thực sự mang lại doanh thu ròng 20 tỉ USD vào năm 2025, thì nó có thể đạt đến tiêu chuẩn tài trợ cấp thấp cho một thành phố trên sao Hỏa chỉ trong thời gian 5 năm.
Vấn đề là nếu thành phố sao Hỏa thực sự tốn hơn 10 nghìn tỉ USD để xây dựng, thì với doanh thu ròng 20 tỉ USD mỗi năm, SpaceX sẽ mất khoảng 500 năm để có được số tiền này.
 
Mô hình thành phố sao Hỏa của Elon Musk. Ảnh: SpaceX
Mô hình thành phố sao Hỏa của Elon Musk. Ảnh: SpaceX
Một thành phố trên sao Hỏa có xứng đáng để đầu tư không?
Elon Musk có vẻ nghĩ vậy. Trong lần xuất hiện năm 2018, Elon Musk tuyên bố sẽ tốn từ 0,5-1% GDP hàng năm của thế giới để đạt được trạng thái đa hành tinh. Ông lý luận rằng, nó sẽ đáng giá từng xu, vì việc mở rộng dấu chân của chúng ta sang các hành tinh khác có thể là cách duy nhất để nhân loại tránh khỏi sự tuyệt chủng từ một sự kiện kết thúc sự sống trên Trái đất như chúng ta đã biết.
“Nói cách khác, đây là lần đầu tiên trong lịch sử 4,5 tỉ năm của Trái đất có thể kéo dài sự sống bên ngoài Trái đất. Trước đây, điều đó là không thể. Cửa sổ này sẽ mở trong bao lâu?” - Elon Musk nói.
NGỌC VÂN (LĐO)

Có thể bạn quan tâm