Sốt đất ở Tây Nguyên: "Cò" bất động sản lũng đoạn thị trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thực trạng sốt đất ở các thành phố lớn tại khu vực Tây Nguyên nổi lên từ năm 2021, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. “Cò đất” liên tục tung tin đồn thất thiệt, triển khai các giao dịch ảo để lũng đoạn thị trường, nâng giá chóng mặt các lô ở vị trí đắc địa để kiếm lời...
"Cò đất" như nấm sau mưa
Tại Gia Lai, sốt đất nhất là các khu vực giáp ranh với TP.Pleiku như xã Ia Sao, Ia Der hoặc các địa điểm gần khu vực sân Golf FLC, khu trung tâm hành chính mới ở huyện Đak Đoa… Đi dọc các đường làng của thôn Jút 2, thôn Đức Thành (thuộc huyện Ia Grai) biển quảng cáo bán đất giăng trên cây, trụ điện và trước ngõ nhà dân. Đơn cử, tại đường Văn Cao (thôn 2, xã Trà Đa) và thôn 1, (xã Biển Hồ, TP.Pleiku), nhân viên công ty môi giới bất động sản dẫn khách từng tốp 3 đến 5 người đi xem đất. Có chủ đất mua hơn 1.000m2 đất, san phẳng vườn cà phê rồi cắm cọc phân từng lô.
 Anh H.T một “cò đất” nói với khách: “Các lô có tầm nhìn ra ruộng, giá rẻ, đảm bảo sau Tết sẽ có được sổ đỏ. Sản phẩm đất nền bên công ty mới tung ra, tầm giá từ 400 đến 600triệu/lô nên thu hút rất nhiều khách hàng có tiền nhàn rỗi mùa dịch COVID-19 để đầu tư. Khu vực gần trường, gần chợ, không gian ruộng lúa thoáng mát nên đã có nhiều người đặt cọc, chỉ cần chậm chân là hết hàng. Đường đất đã được nhân viên địa chính xã cắm mốc, qua Tết sẽ làm đường rộng 8m”.
Còn có một số hộ dân phá bỏ vườn cà phê sát với mặt đường bê tông với ý định xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phân lô bán nền. Tại thôn Đức Thành, xã Ia Sao, ông Huỳnh Văn Tuyển đang sử dụng đất đã tự ý xây dựng nâng cấp đường bêtông với chiều dài 40m. Mục đích ông Tuyển là để phân lô bán nền trên đất trồng cây cà phê và đã bị chính quyền xử lý.  
Mặc dù chưa được cơ quan chức năng đồng ý tách thửa, phân lô nhưng nhiều công ty bất động sản như BSO Pleiku, Đất Xinh Gia Lai, Pleiku Land… (trụ sở tại TP.Pleiku) đã quảng cáo, môi giới trên mạng. Các vị trí đường bê tông tự làm được công ty môi giới bất động sản vẽ ra, in thành tờ rơi để giới thiệu với khách hàng.
Tại Đắk Lắk, đại diện Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP.Buôn Ma Thuột cho hay, tình hình sốt đất tại thành phố đã giảm mạnh sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán. Trước Tết, trung bình một ngày, cán bộ ở đơn vị phải giải quyết hơn 500 bộ hồ sơ cho người dân nhưng đến giữ tháng 2 thì đã giảm 50%. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều "cò đất" trên địa bàn ngang nhiên thổi giá gây biến động thị trường, thậm chí giao dịch ảo. 
Anh V.T.L. (nhân viên một công ty giới bất động sản ở Đắk Lắk) cho biết: "Ít tháng trước, tôi mới bán được một lô đất nông nghiệp với diện tích khoảng 1 sào (1.000m2). Trước đó, khi dân trong vùng chưa tự ý mở đường đi vào đất thì giá bình quân 300-350 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi mở đường phân lô, thì bất ngờ giá đất nhảy vọt lên tầm 450 đến 500 triệu/500m2 (tự động tách đôi thửa đất - PV), sau vài tháng có thể nhảy lên gấp đôi, gấp 3 tùy theo tùy hình thực thế.
Ở nhiều khu vực đất nông nghiệp khác, người dân sau khi mở một con đường nhỏ, có thể móc nối với các "cò" bất sản đua nhau tung tin đồn sẽ quy hoạch trở thành khu đô thị mới nên đẩy giá cao khủng khiếp. Bản thân tôi làm ở công ty bất động sản tử tế còn thấy choáng, huống gì là người dân, nhà đầu tư. Hiện, người dân ở TPHCM, Hà Nội đang đổ về Đắk Lắk mua đất nông nghiệp với số lượng rất lớn. Nhiều thửa đất lớn tiền tỉ mà giao dịch nhanh chóng như con tôm, bó rau ngoài chợ trời".
Nhiều rủi ro cho người dân, nhà đầu tư
Ông Hoàng Xuân Phương - Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP.Buôn Ma Thuột (Sở Tài Nguyên Môi trường Đắk Lắk) - cho biết: "Cò đất lấy dự thảo quy hoạch đất giai đoạn 2021-2030 để thôi giá đất, đưa tin đồn ảo nên người dân, nhà đầu tư cần hết sức lưu ý. Bởi đây chỉ mới là dự thảo quy hoạch sử dụng đất và chưa có cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ví như, những khu vực đất nông lâm trường vừa bàn giao dự kiến phát triển đô thị sẽ chuyển đổi làm đất ở nhưng thực tế vẫn chưa được phê duyệt và UBND TP.Buôn Ma Thuột chỉ mới trình UBND tỉnh cho ý kiến. Vì lẽ đó, người dân, nhà đầu tư phải cảnh giác, không nên quá tin lời những người môi giới bất động sản để tránh thiệt hại không đáng có".
Anh V.T.L. cũng nhận định: "Theo kinh nghiệm nhiều năm của tôi, trường hợp người dân, chủ đầu tư nếu mua những lô đất nông nghiệp ảo, bị thổi giá cao nhưng vướng phải vùng nằm trong quy hoạch sử dụng đất của chính quyền sẽ gánh thiệt hại rất lớn. Nếu chính quyền thu hồi đất để làm dự án, đất đó sẽ không được chuyển đổi từ nông nghiệp sang thổ cư. Chủ sở hữu sẽ nhận tiền bồi thường rất thấp (so với giá trị Nhà nước quy định)".
Anh P.N.A., chủ đầu tư bất động sản ở Đắk Lắk - cho biết: "Thường sẽ có 3 yếu tố để tạo nên độ "hot" của một lô đất đó là mục tiêu phát triển của địa phương, sự gia tăng của mật độ dân cư và tầm nhìn dài hạn trong kế hoạch sử dụng đất của chính quyền. Nếu có đầu tư, tôi cũng chỉ nhắm đến những khu vực tiềm năng, chọn ra những nơi không bị thổi bong bóng giá ảo. Rủi ro với các nhà đầu tư là rất lớn và người này cũng đang cân nhắc về vấn đề này và chỉ chọn những khu vực đắc địa, hạn chế những lô bán sang tay quá nhiều lần". 
Theo Nhóm PV Tây Nguyên (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Nhiều bạn trẻ đã đặt lịch chụp ảnh từ sớm để đón Tết Nguyên đán 2025 (ảnh nhân vật cung cấp).

Dịp Tết, nhiều dịch vụ “ăn nên làm ra”

(GLO)- Ngay từ đầu tháng Chạp, nhu cầu đăng ký, sử dụng các dịch vụ trong dịp Tết như chụp ảnh, dọn nhà, giặt ủi... của người dân tăng cao. Đây cũng là khoảng thời gian các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ này “ăn nên làm ra”.

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.