Sống trẻ theo cách học sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khán phòng kín ghế, sự kiện chỉn chu từ lá thư mời khách tới vị trí phóng viên dễ dàng chụp ảnh. Theo dõi một buổi trao đổi của những người nổi tiếng với các bạn trẻ về hành trình theo đuổi giấc mơ, ít người nghĩ nó được tổ chức bởi các học sinh.   
Các sự kiện UNFOLD The V tổ chức đều kín người tham dự- Ảnh: Thúy Hằng
Các sự kiện UNFOLD The V tổ chức đều kín người tham dự- Ảnh: Thúy Hằng
Đó là buổi trò chuyện chủ đề “Đi - Viết - Cảm”, một trong số nhiều buổi trao đổi do dự án UNFOLD The V tổ chức. Người sáng lập là học sinh chuyên văn, Trường phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), 32 thành viên còn lại của dự án cũng là học sinh các trường THPT tại TP.HCM như Lê Hồng Phong, Lê Quý Đôn, Gia Định…
Hai chị em gái là đồng sáng lập
Một tối tháng 6-2018, khi hai chị em gái Lâm Đào Quế Anh và Lâm Đào Trúc Anh (lớp 12 và 11 chuyên văn) đang ngồi đọc báo, một ý tưởng chợt lóe ra. Ngay trong đêm họ cùng phác thảo những bước đầu tiên về “đứa con tinh thần” UNFOLD The V, khai mở các vấn đề nóng trong xã hội Việt Nma mà người trẻ quan tâm như: bình đẳng giới, chống quấy rối tình dục, chấp nhận trẻ tự kỷ, cái nhìn đúng về những ngành nghề đang “hot” trong giới trẻ…
Với hai hình thức là bài viết và tổ chức các hoạt động cụ thể như: trao đổi, trò chuyện… dự án chính thức ra mắt công chúng vào ngày 2-7-2018 với phim ngắn Một ngày ở trường tự kỷ, khuyến khích phụ huynh chấp nhận tình trạng tự kỷ ở con trẻ và mạnh dạn gửi con vào môi trường giáo dục phù hợp.
Sau tròn 1 năm hoạt động, từ 5 thành viên cốt lõi ban đầu, các bạn trẻ tuyển thêm các thành viên, tình nguyện viên khác. Lâm Đào Trúc Anh cho biết đến nay fanpage của chương trình có hơn 11.000 lượt theo dõi, sản xuất hơn 100 bài viết, tổ chức 3 sự kiện lớn. Trúc Anh hào hứng chia sẻ về chiến dịch Bướm, gây quỹ hơn 15 triệu đồng cho trẻ em bị xâm hại tình dục, hay sự kiện Be Young & Beyond thu hút hơn 350 khách tham gia, nhiều cá nhân đội nhóm nổi tiếng trong giới trẻ nói về những ngành nghề “hot” được giới trẻ quan tâm như blogger sắc đẹp, nghề xăm mình…
Còn Dương Nguyễn Quỳnh Anh, trưởng ban đối ngoại, chia sẻ: “Chúng em rất thích các buổi trò chuyện như Đi - Viết - Cảm trong sự kiện Ngược mới kết thúc hồi đầu tháng 8, nơi các blogger du lịch như Liên Phạm, blogger về phong cách sống Hà Trúc cùng giao lưu, để thấy rằng các bạn nữ Việt Nam trẻ hôm nay vô cùng giỏi và đang tạo ra nhiều giá trị. Đồng thời, chúng em mong bạn hiểu hơn về những ngành nghề bên ngoài nhìn hào nhoáng, nhưng phía sau là rất gian nan để không bị ảo tưởng về ngành nghề”.
 Trúc Anh (phải) và Quỳnh Anh, 2 nữ sinh chuyên văn Trường phổ thông Năng khiếu
Trúc Anh (phải) và Quỳnh Anh, 2 nữ sinh chuyên văn Trường phổ thông Năng khiếu
Thay đổi bản thân trước khi thay đổi cộng đồng
Không đợi đến khi vào đại học mới tham gia nhiều dự án xã hội, càng ngày, độ tuổi tham gia các dự án xã hội, cộng đồng càng rút ngắn. Nhiều học sinh 15 - 16 tuổi đã là trưởng nhóm, sáng lập nhiều dự án ý nghĩa.
Họ là người trẻ năng động, trải nghiệm cuộc sống phong phú, không chỉ là những “con gà công nghiệp chỉ biết học”, tham gia các dự án giúp họ có thêm nhiều kỹ năng, kiến thức, nhiều lựa chọn hơn về ngành nghề trong tương lai, đóng góp để cộng đồng tốt đẹp hơn.
Trúc Anh cho hay sau 2 năm học, tham gia 3 dự án, Trúc Anh đã tự tin hơn trong giao tiếp, có thể trao đổi, lập luận rành mạch, thuyết phục các đối tác tài trợ, hỗ trợ chương trình. “Một điều mà trước đây rất khó với em, em có thể viết rất tốt nhưng đến khi nói lại ngập ngừng, dường như không thể sắp xếp tốt các ý đã nảy ra trong đầu mình”, Trúc Anh nói.
Còn Quỳnh Anh từng không biết mình sẽ làm gì, trở thành ai trong tương lai, mục tiêu lớn nhất mình cần theo đuổi là gì. “Cho đến khi tham gia dự án UNFOLD The V em thấy mình có năng khiếu về truyền thông, marketing và thấy hứng thú với công việc này. Em cũng thấy rằng, những gì mình viết ra, không phải là văn chương sáo rỗng, nó là những gì có ý nghĩa với đời sống, xã hội, giúp thay đổi hành vi, nhận thức của nhiều người. Em biết được giấc mơ mà mình sẽ phải theo đuổi sau khi tốt nghiệp THPT”, Quỳnh Anh bộc bạch.

“Tôi bất ngờ và tự hào bởi các học sinh của mình”
 Trò chuyện với PV Thanh Niên, cô Nguyễn Thị Hoàng Mai, giáo viên ngữ văn, Trường phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết cô thường xuyên theo dõi các bài viết của các em trên fanpage UNFOLD The V về những vấn đề “nóng” trong xã hội và thấy rất thuyết phục bởi quan điểm, cách nhìn sâu sắc của các em. Cô Hoàng Mai chia sẻ: “Tôi bất ngờ và tự hào về các học trò của mình. Dự một sự kiện các em tổ chức, tôi bị chinh phục bởi sự chuyên nghiệp, sáng tạo. Không còn những lầm tưởng, học sinh chuyên văn thì yếu đuối, mơ hồ, mà rất năng động, thông minh và mạnh mẽ. Dự án gần gũi với giới trẻ, các em cũng cho mọi người thấy, môn văn đang bước ra đời sống một cách sống động nhất, giúp cuộc sống tốt đẹp hơn”. 
Thúy Hằng (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.