Siu Tlú: Gương sáng về y đức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Không những vững vàng về chuyên môn, luôn nỗ lực học tập nâng cao trình độ, bác sĩ Siu Tlú-phụ trách Khoa Đông y (Trung tâm Y tế huyện Ia Pa) còn được quý mến, tin tưởng bởi sự thân thiện, chu đáo, hết lòng với người bệnh. 
Hiền lành, dễ mến, giọng nói nhẹ nhàng, cởi mở là ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với bác sĩ Siu Tlú. Anh kể, ngay từ nhỏ, anh đã nuôi ước mơ trở thành bác sĩ giỏi. Đó là động lực để anh phấn đấu và thi vào ngành Y khoa (Trường Đại học Tây Nguyên). Bỏ qua những lời khuyên can từ gia đình vì nghề y quá vất vả, anh vẫn kiên định với lựa chọn của mình.
Bác sĩ Siu Tlú phát cơm miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Ảnh: H.H
Bác sĩ Siu Tlú phát cơm miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Ảnh: H.H
 
Bác sĩ Siu Tlú: “Hạnh phúc lớn nhất của tôi là hàng ngày được trò chuyện cùng bệnh nhân, thấy họ vượt qua bệnh tật, sống vui khỏe. Trong quá trình gắn bó với nghề, chưa lúc nào tôi thấy mệt mỏi hay chùn bước, bởi tôi tin rằng những việc làm của mình sẽ góp phần nâng cao sức khỏe người dân, giúp mọi người cải thiện chất lượng sống”.

Năm 2004, sau khi tốt nghiệp, với mong muốn mang những kiến thức học được về phục vụ bà con dân làng, Siu Tlú quyết định trở về quê hương nhận công tác tại Trạm Y tế xã Ia Ma Rơn. Năm 2005, anh chuyển về Trung tâm Y tế huyện. Với đức tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, anh luôn được đồng nghiệp, lãnh đạo cấp trên đánh giá cao về chuyên môn và y đức, được bệnh nhân yêu mến, tin tưởng. Ngay từ khi bước chân vào nghề y, bác sĩ Siu Tlú luôn khắc ghi lời Bác dạy: “Lương y như từ mẫu”. Chính vì thế, anh không cho phép mình lơ là trước nỗi đau của người bệnh, lúc nào cũng xem bệnh nhân là người thân trong gia đình mà ân cần thăm hỏi, khám-chữa bệnh. Theo anh, sức khỏe tinh thần rất quan trọng đối với người bệnh. Nếu bác sĩ tạo được cho bệnh nhân sự tin tưởng và lạc quan thì bệnh trạng sẽ có những biến chuyển tích cực. Được bác sĩ Tlú trực tiếp điều trị, bệnh nhân Trịnh Văn Trọng (thôn 2, xã Pờ Tó) cảm kích chia sẻ: “Bác sĩ Tlú luôn nhiệt tình, chu đáo, hàng ngày đều thăm hỏi tôi và các bệnh nhân khác rất tình cảm. Nhờ vậy mà bệnh của tôi đã thuyên giảm được 70% sau 2 tuần điều trị tại đây”.
Yêu nghề cũng là lý do thôi thúc bác sĩ Tlú không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn. Sau giờ làm việc, anh thường xuyên đọc thêm nhiều tài liệu y khoa, tích lũy kinh nghiệm thực tế trong quá trình khám-chữa bệnh. Bên cạnh đó, anh còn dành thời gian học chuyên khoa I; tham gia khóa học Hồi sức cấp cứu Nhi tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 hay Sản khoa tại Bệnh viện Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh). Ngoài ra, anh còn là một đoàn viên Công đoàn tích cực trong phong trào hiến máu nhân đạo; tham gia các chuyến khám-chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo trên địa bàn huyện. Ông Trần Quốc Thanh-Chủ tịch Công đoàn Trung tâm Y tế huyện Ia Pa-nhận xét: “Bác sĩ Tlú là một người rất năng nổ, nhiệt tình, có ý thức trách nhiệm cao trong công tác khám-chữa bệnh cho người dân. Trong công tác phong trào, anh cũng là một trong những nhân tố tích cực, là thành viên của Hội Từ thiện xã Ia Ma Rơn”.
Đặc biệt, để góp phần giúp bệnh nhân nghèo có bữa cơm đủ dinh dưỡng và đảm bảo cho sức khỏe, bác sĩ Tlú  đã vận động một số hộ có điều kiện tại xã Ia Ma Rơn tổ chức nấu cơm từ thiện phát cho bệnh nhân nghèo đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện vào thứ ba hàng tuần. Việc làm ý nghĩa này đã triển khai gần 1 năm nay và được đông đảo bệnh nhân đón nhận. Chị Phạm Thị Liên (thôn Đoàn Kết, xã Ia Ma Rơn), thành viên nhóm thiện nguyện phát cơm cho bệnh nhân-cho biết: “Có 2 lý do để chúng tôi đồng hành cùng bác sĩ Tlú: Đầu tiên là ủng hộ tấm lòng vì bệnh nhân nghèo của bác sĩ, tiếp nữa là phát tâm từ thiện do thấy nhiều bệnh nhân nằm viện còn khó khăn, thiếu thốn quá. Do vậy, khi phát động phong trào thì mọi người đều hưởng ứng”.
Chia sẻ về việc này, bác sĩ Tlú bày tỏ: “Trong quá trình điều trị, tôi thấy có những hộ rất nghèo, sức khỏe yếu mà cái bụng lại đói thì làm sao mau khỏi bệnh. Vì vậy, tôi đã phát động phong trào nấu cơm từ thiện phát cho bệnh nhân nghèo. Nhận thấy phong trào hữu ích nên đến nay đã có 15 người tham gia, góp phần giúp đỡ bà con nằm điều trị tại Trung tâm”. 

HOÀNG HIỀN

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.