Siu Blêh: Người du kích bắn rơi nhiều máy bay địch

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, lực lượng du kích khắp các địa phương ở Gia Lai đã lập được nhiều chiến công, trong đó có việc bắn rơi máy bay địch. Anh hùng liệt sĩ Siu Blêh là một người nổi tiếng với biệt tài bắn rơi máy bay tầm thấp của địch.

 Người cháu bên cạnh kỷ vật kháng chiến của ông Siu Blêh. Ảnh: Trần Quốc Trung
Người cháu bên cạnh kỷ vật kháng chiến của ông Siu Blêh. Ảnh: Trần Quốc Trung

Liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Siu Blêh sinh năm 1944 trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Klũh Fun, xã E3, huyện 5 (nay là làng Klũh, xã Ia Lang, huyện Đức Cơ). Nơi đây được coi là một cái nôi cách mạng của đồng bào Jrai, là địa bàn nổi danh trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và thời kỳ chống chính sách “dồn dinh lập ấp”, “tố cộng, diệt cộng” của Mỹ-Diệm…. Sớm giác ngộ cách mạng, với lòng căm thù giặc sâu sắc và khát vọng đứng lên đấu tranh để giải phóng quê hương, đất nước, năm 1963, Siu Blêh xung phong vào lực lượng du kích địa phương. Đến năm 1967, ông vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam và trở thành Xã đội trưởng xã Ia Lang, chỉ huy lực lượng du kích xã chiến đấu với quân xâm lược, lập được nhiều chiến công quan trọng.

Nhớ về người đồng đội năm xưa, nữ du kích Siu HDêl (76 tuổi, hiện sống tại làng Beng, xã Ia Drăng, huyện Chư Prông) kể lại: Siu Blêh chính là anh họ của bà. Tuy dáng người mảnh khảnh nhưng ông rất khỏe và nhanh nhẹn, thoắt ẩn thoắt hiện, lúc ở rừng, lúc bí mật về làng. Hình bóng ông di chuyển khắp chiến trường đánh địch, dọc trục đường hướng Tây quốc lộ 19. Bà Siu HDêl nhớ có lần bà được Siu Blêh dùng làm mồi nhử máy bay địch. Bà được bố trí đứng trên ngọn đồi dùng cây quấn chiếc cờ Tổ quốc vẫy máy bay địch. Khi máy bay địch sà xuống với mục đích bắt sống nữ du kích thì ở một tư thế đánh chặn đường, ông Blêh leo lên ngọn cây cổ thụ gần đó ngắm bắn. Và ông Blêh đã dùng súng trường bắn cháy chiếc máy bay trực thăng của địch. Chiến tích bắn rơi nhiều máy bay và bắn cháy hàng chục xe tăng, xe bọc thép của địch của cá nhân Siu Blêh và đội du kích xã Ia Lang đã góp phần cùng với quân và dân cả nước làm thất bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” với chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của đế quốc Mỹ.

Một nhân chứng khác, cựu chiến binh Siu Thil (hiện sống tại làng Phang, xã Ia Lang, huyện Đức Cơ), người đồng đội và là Xã đội phó thời Siu Blêh làm Xã đội trưởng, nói rằng: Anh hùng liệt sĩ Siu Blêh còn in đậm trong tâm trí ông là một người  tài giỏi về chiến thuật quân sự; có uy tín để quy tụ, tập hợp quần chúng, xây dựng lực lượng. Đội du kích xã lúc đó đã tập hợp được một lực lượng thanh niên cả nam và nữ, thậm chí cả các em thiếu niên nhưng đều chiến đấu rất giỏi. Siu Blêh cũng được nhìn nhận là một người luôn dành sự quan tâm, chia sẻ cùng đồng bào, đồng chí vượt qua mọi khó khăn thử thách. Thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, lực lượng du kích hoạt động bí mật ở trên rừng nên thiếu muối, thiếu gạo, thiếu vũ khí chiến đấu; người  dân các làng trong vùng phải sống ly tán, bị dồn vào “ấp chiến lược”, bị bắt bớ đánh đập, cướp phá nhà cửa, ruộng vườn. Trước những khó khăn đó, ông Blêh đã tổ chức họp đội du kích nêu chủ trương đánh ấp giành dân. Ông đã tổ chức cho đội du kích xã tham gia hàng chục lần phá ấp chiến lược, tổ chức phối hợp cho dân chạy về làng cũ, tích cực thực hiện công tác binh địch vận kêu gọi nhiều lính ngụy bỏ ngũ, giao nộp vũ khí. Ông còn cùng đồng đội vận động dân làng, gia đình tích cực tăng gia sản xuất lấy lương thực cứu đói và xây hầm, vót chông, làm bẫy, rèn vũ khí đánh giặc, tiêu hao sinh lực địch.

Chỉ tính từ năm 1963 đến 1968, ông Siu Blêh đã tham gia 623 trận đánh, một mình tiêu diệt 143 tên địch, 5 tên tề điệp, bắt 30 tên về giáo dục; phối hợp với đơn vị chủ lực và đơn vị bạn diệt 26 xe cơ giới. Riêng Siu Blêh diệt 2 xe tăng, 7 xe bọc thép, 6 xe GMC, bắn rơi 6 máy bay và cùng anh em du kích bắn rơi 2 chiếc khác. Cuối năm 1972, ông được tăng cường mở rộng địa bàn hoạt động. Trong một chuyến bám đường 5A thuộc địa phận xã B6, huyện Chư Pah, bằng một loạt AK, Siu Blêh đã hạ tại chỗ 1 máy bay trực thăng bay thấp trong đó có 3 tên Mỹ (hôm sau Đài BBC đưa tin: Trong chiếc máy bay bị hạ có 1 Trung tướng thuộc Bộ Tư lệnh Công binh Mỹ đóng tại Việt Nam). Từ năm 1969 đến 1975, Siu Blêh công tác trong đội tuyên truyền vũ trang của huyện và đội công tác tỉnh. Ông vừa chỉ huy du kích đánh địch vừa tích cực tiến hành xây dựng cơ sở, tuyên truyền, vận động nhân dân dọc đường 19, vùng Mang Yang, Tây Nam huyện Chư Prông nổi dậy mở rộng vùng giải phóng, chống âm mưu “tràn ngập lãnh thổ” của địch. Sau ngày giải phóng miền Nam, ông vẫn tiếp tục đi khắp các địa bàn xung yếu trong tỉnh vận động quần chúng, xây dựng cơ sở, truy quét FULRO. Ông đã hy sinh trên đường đi công tác do bị FULRO phục kích tháng 7-1976.

Ngày 20-12-1994, Chủ tịch nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Siu Blêh do lập được nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hiện một số công trình, đường phố ở Tây Nguyên được đặt tên ông. Tại xã Ia Lang cũng có một ngôi trường mang tên Trường THCS Bán trú Siu Blêh.

 Trần Quốc Trung

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.