Siêu trăng cam "2 lần phình to" hiện ra liên tiếp 4 tháng kể từ 3-7

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
"Siêu trăng sấm" xuất hiện vào ngày 3-7 (giờ Việt Nam) sẽ khởi đầu cho chuỗi siêu trăng liên tiếp trong 4 tháng âm lịch, được phóng đại kích cỡ nhờ "hiệu ứng kép".

Theo dương lịch thì sẽ có 2 siêu trăng rơi vào tháng 8, do đó chuỗi 4 siêu trăng liên tiếp sẽ là siêu trăng sấm 3-7, siêu trăng đỏ 2-8, siêu trăng xanh 31-8, siêu trăng thu hoạch 30-9, trang theo dõi thiên văn EarthSky cho biết.

Tính toán của nhà vật lý thiên văn Fred Espenak, cựu chuyên gia của Trung tâm Chuyến bay vũ trụ Goddard - NASA cho thấy 4 lần trăng tròn này sẽ hiện ra với khoảng cách dao động chỉ từ 357.344 - 361.934 km, gần hơn rất nhiều so với khoảng cách trung bình nên trông to lớn hơn nên được gọi là "siêu trăng".

Màu cam chảy đến cam đỏ có thể bao trùm cả 4 siêu trăng tiếp theo. Trong ảnh: Trăng 16 màu cam đỏ chụp từ TP HCM hôm 5-5 - Ảnh: ANH THƯ

Màu cam chảy đến cam đỏ có thể bao trùm cả 4 siêu trăng tiếp theo. Trong ảnh: Trăng 16 màu cam đỏ chụp từ TP HCM hôm 5-5 - Ảnh: ANH THƯ

Siêu trăng thật ra không phải một thuật ngữ chính thức. Nó được định nghĩa lần đầu bởi nhà chiêm tinh học Richard Nolle năm 1979, chỉ những trăng non hoặc trăng tròn nằm ở khu vực gần Trái Đất nhất trên quỹ đạo. EarthSky sử dụng tiêu chuẩn mới hơn của TS Espenak.

Đặc biệt, vì Trái Đất vừa trải qua ngày Hạ chí (21-6), nên các mặt trăng này thường sẽ có màu cam cháy.

Các quốc gia phương Tây thường gọi trăng tròn theo những sự kiện xảy ra trong tháng đó hoặc tính chất của Mặt Trăng thời điểm đó. Trăng tháng 8 thường được gọi là trăng cá tầm hay trăng đỏ chính vì màu cam đỏ rõ rệt nhất mùa hè.

Tuy nhiên tháng 8 cũng đón hiện tượng hiếm là 2 lần trăng tròn xảy ra trong cùng 1 tháng dương lịch, nên siêu trăng ngày 31-8 - tuy vẫn sẽ mang màu từ cam đỏ đến cam cháy - vẫn được gọi là "trăng xanh", từ dùng để chỉ trăng tròn lần 2 trong tháng.

Theo NASA, hiện tượng Mặt Trăng có màu cam là do hiện tượng trăng treo thấp trong mùa mè, khi đó chúng ta sẽ nhìn vệ tinh này qua lớp khí quyển dày hơn của Trái Đất, có tác dụng tán sắc ánh sáng.

Màu cam sẽ rõ ràng hơn nếu vào thời điểm đó, các vụ cháy rừng giải phóng khói mù khắp hành tinh.

Chính điều này dẫn đến huyền thoại "trăng trung thu màu cam" phổ biến ở nhiều nước. Nhưng thực tế Mặt Trăng vẫn tỏa ánh sáng trắng bạc bình thường của nó, màu cam là do chúng ta nhìn qua một lăng kính - bầu khí quyển.

Tại Việt Nam, trăng màu cam cháy đã xuất hiện kể từ tháng 5, cùng thời điểm các vụ cháy rừng bắt đầu xuất hiện trong và ngoài nước do nhiệt độ tăng cao hơn mọi năm.

Ngoài ra, trăng treo thấp-thấp nhất vào lúc hoàng hôn - cũng tạo hiệu ứng khiến nó trông to hơn thường lệ, gọi là "ảo ảnh Mặt Trăng". Ảo ảnh này kết hợp với siêu trăng hứa hẹn tạo nên cảnh tượng ngoạn mục, một siêu trăng sấm màu cam cháy khổng lồ mà bạn nên chờ đợi vào hoàng hôn ngày 3-7.

Có thể bạn quan tâm