"Sang còi" khởi nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chọn được hướng đi đúng để khởi nghiệp nên mới 33 tuổi, Phan Thanh Sang (ngụ TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) đã có trang trại phát triển bền vững, thu nhập tiền tỉ mỗi năm với hoa lan.

Không đợi đến khi có nhiều tiền

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân trồng rau ở Đà Lạt nên từ nhỏ Phan Thanh Sang đã quen với cảnh “chân lấm tay bùn” và bán rau phụ mẹ. Thời đó, nhìn ông ngoại trồng hoa, Sang thấy thích nên mày mò bắt chước làm vườn hoa nhỏ để chơi.

 

Phan Thanh Sang trong vườn lan hồ điệp của mình.
Phan Thanh Sang trong vườn lan hồ điệp của mình.

“Năm học lớp 9, được người bạn tặng một giò lan Cattleya, mình mang về nâng niu chăm sóc rồi cây bung hoa rất đẹp. Dù yêu quý hoa, nhưng do cần tiền mua sách vở, mình thử mang giò lan ra chợ bán, không ngờ được đến 90.000 đồng, số tiền rất lớn với mình thời bấy giờ. Từ đó, mình nuôi quyết tâm sẽ trồng hoa lan, vừa để thỏa đam mê vừa có thể kiếm được tiền”, Sang tâm sự.

Năm 2003, Sang vào đại học và theo học ngành nông nghiệp tại Trường ĐH Đà Lạt với mục tiêu trang bị kiến thức để về làm nông, trồng hoa. Trong suốt quá trình học tập, Sang tìm đến các nông trại, vườn hoa, cơ sở nuôi cấy mô, vườn ươm để tham quan học hỏi và xin làm thêm để trải nghiệm, trau dồi thực tế. Đồng thời, Sang cũng dành thời gian vừa đủ để chăm sóc vườn lan nho nhỏ của mình ở nhà và sử dụng để nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng thực tế.

Năm 2007, tốt nghiệp ra trường, Sang trở về nhà làm nông và vườn lan nhỏ ấy chính là bước đệm để anh khởi nghiệp. Dù chuẩn bị khá kỹ càng, nhưng khi chính thức khởi nghiệp, Sang gặp ngay khó khăn đầu tiên là vốn. Sang thuyết phục để bố mẹ đồng ý cho mượn sổ đỏ đi vay 200 triệu đồng về đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm nhằm chủ động nguồn giống cho mình và lai tạo các loài lan quý hiếm.

Xây dựng thương hiệu

Sống ở nhà nông, nhiều lần Sang chứng kiến cảnh “được mùa mất giá”, cuộc sống bà con luôn bấp bênh, không ổn định. Đi vào tìm hiểu, Sang phát hiện, không hẳn do bà con nông dân bị tư thương ép giá mà mấu chốt của vấn đề là sản phẩm của họ không có thương hiệu. Vì vậy, Sang xem thương hiệu như chuyện sống còn của sản phẩm.

Với suy nghĩ đó, từ năm 2 đại học, Sang đã bắt đầu xây dựng thương hiệu cho vườn lan 20 m2 của nhà mình với tên “Sang còi”. Lúc nhỏ Sang bị “còi” nên gia đình cứ gọi “thằng còi”, giờ đặt tên thương hiệu, lại hóa ra hay. Đến năm 2010, Sang đổi thành YSA Orchid Farm. Sang vui vẻ cho hay: “Lúc này mình đã có vợ là Hải Yến. YSA là Yến - Sang, orchid là hoa lan và farm là nông trại, tạm hiểu YSA Orchid Farm là nông trại hoa lan của Yến - Sang. Mình đặt thương hiệu này cho có sự bình đẳng, gắn kết tình yêu và thuận lợi hơn trong giao dịch làm ăn”. Mãi nhiều năm sau, dù mang thương hiệu YSA Orchid Farm, nhưng cái tên cúng cơm “Sang còi” vẫn được Sang gìn giữ, treo tại các vườn lan.

Từ vườn lan 20 m2, 100 m2, 500 m2, rồi 5.000 m2, đến nay Sang đã có trong tay 3 khu trang trại đầu tư bài bản, hiện đại theo hướng nông nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích hơn 10 ha, trị giá trên dưới 70 tỉ đồng.

Sau 10 năm khởi nghiệp, YSA Orchid Farm của Sang đã có hệ thống hơn 30 cửa hàng, đại lý phân phối trên toàn quốc. Hằng năm cung cấp ra thị trường trong, ngoài nước hàng trăm ngàn chậu lan các loại, và cùng với hoa lan cắt cành, bán cây giống đã mang doanh thu về hơn 20 tỉ đồng/năm, trừ chi phí gia đình Sang thu nhập 7 - 8 tỉ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hơn 40 lao động với mức lương từ 4 - 7 triệu đồng/người/tháng và hưởng đầy đủ chế độ.

 

Làm du lịch canh nông và lập vườn ươm khởi nghiệp

Nhận thấy xu hướng du khách thường tìm đến các vườn rau, vườn hoa để tham quan, học tập, năm 2015, Sang mở hướng làm thêm du lịch canh nông ngay tại vườn nhà. Sang dành 3.000 m2 đất, xây dựng thành nhiều khu trưng bày, giới thiệu, mua bán các sản phẩm hoa lan, xương rồng, sen đá, phòng nuôi cấy mô... để phục vụ du khách. Bên cạnh đó, anh vận động hơn chục hộ nông dân khác thành lập Làng du lịch canh nông Xuân Hương tạo ra chuỗi liên kết với đầy đủ các sản phẩm nông nghiệp phục vụ du khách trải nghiệm.

Ngay tại khu trưng bày sản phẩm, Sang dành một góc nhỏ để lập “vườn ươm khởi nghiệp” giúp thanh niên địa phương có thể đến để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp.

Chị Trần Thị Chúc Quỳnh, Bí thư Tỉnh đoàn Lâm Đồng, nhìn nhận: “Sang là gương thanh niên khởi nghiệp điển hình của tuổi trẻ toàn quốc, xứng đáng là “thủ lĩnh” khởi nghiệp của tuổi trẻ Lâm Đồng. Đặc biệt, mới đây Sang tham gia hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương 2017”, nghiên cứu xây dựng, thực hiện và chuyển giao kỹ thuật mô hình trồng rau an toàn tiết kiệm nước rất hiệu quả, giúp quân và dân ở Trường Sa có những vườn rau sạch phục vụ cuộc sống”.

Phan Thanh Sang được nhận giải thưởng Lương Định Của (năm 2009 của T.Ư Đoàn); giải thưởng “Khi Tổ quốc cần” năm 2012 (của T.Ư Hội LHTN VN), được vinh danh là một trong 10 gương mặt trẻ VN tiêu biểu (2015); được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2014)… Sang cũng vinh dự là gương mặt trẻ duy nhất được T.Ư Đoàn đề xuất và được Ban Tuyên giáo T.Ư tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (2017). Hiện nay, Sang là Chủ tịch Hiệp hội Hoa TP.Đà Lạt.

Gia Bình/thanhnien

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.