Sa Thầy ngăn chặn dịch tả lợn châu phi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

 Trong khoảng 1 tháng qua, huyện Sa Thầy liên tiếp xuất hiện các ổ dịch tả lợn Châu Phi ở xã Mô Rai và xã Sa Bình. Nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch lây lan trên diện rộng, UBND huyện Sa Thầy đã chỉ đạo các đơn vị liên quan, cùng chính quyền các xã, thị trấn khẩn trương triển khai các biện pháp cụ thể.

Từ đầu tháng 12/2021 đến nay, trên địa bàn huyện Sa Thầy đã xuất hiện 98 con lợn bị mắc bệnh của 10 hộ chăn nuôi thuộc 4 thôn của 2 xã Mô Rai và Sa Bình. Bà Nguyễn Thị Luyến – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sa Thầy cho biết: Dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện đầu tiên tại xã Mô Rai sau đó xuất hiện tại xã Sa Bình vào những ngày cuối năm 2021. Đây là thời gian giao mùa, làm giảm sức đề kháng và dễ phát sinh dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện đa số là chăn nuôi nhỏ lẻ, rải rác nên gặp khó khăn trong công rác quản lý, rà soát khi lợn mắc bệnh và gây trở ngại khi triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền đến người dân, nhất là các hộ chăn nuôi lợn là người DTTS, nên khi phát hiện lợn chết bất thường, người dân đã báo cho chính quyền địa phương để đưa ra hướng giải quyết hợp lý, kịp thời, tránh để dịch lây lan trên diện rộng. Nếu kết quả xét nghiệm lợn chết do mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi, chính quyền địa phương cùng với hộ gia đình tiến hành tiêu hủy toàn bộ số lợn mắc bệnh theo đúng quy định, đồng thời phun hóa chất khử trùng tiêu độc, rải vôi bột toàn bộ khu vực chăn nuôi.


 

Hộ chăn nuôi rải vôi bột, phun khử độc tiêu trùng sau khi đàn lợn của gia đình mắc dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: VT
Hộ chăn nuôi rải vôi bột, phun khử độc tiêu trùng sau khi đàn lợn của gia đình mắc dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: VT


 Để kịp thời hỗ trợ người dân ngăn ngừa dịch tả lợn Châu Phi, UBND huyện Sa Thầy đã tạm ứng 150 lít hóa chất từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp phát cho các địa phương phân bổ cho các hộ gia đình xảy ra dịch khử trùng tiêu độc; chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn kiểm soát chặt các phương tiện, người ra vào các trang trại, các hộ gia đình xảy ra dịch bệnh; tăng cường kiểm tra, rà soát, bố trí lại các chốt kiểm dịch động vật tạm thời cho hợp lý và nâng cao hiệu quả việc kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; khuyến cáo người dân hạn chế tái đàn hoặc chuyển đổi vật nuôi khác trong thời gian này.

Là địa phương xảy ra dịch tả lợn Châu Phi, chính quyền xã Sa Bình đã nhanh chóng vào cuộc, khẩn trương triển khai các biện pháp dập dịch, ngăn ngừa dịch lây lan diện rộng.

Ông Trần Văn Hữu – Phó Chủ tịch UBND xã Sa Bình cho biết: Ngày 23/12/2021, sau khi bà Lê Thị Thanh Quyền ở thôn Bình Đông báo cáo về tình hình lợn chết bất thường, xã đã nhanh chóng vào cuộc, báo cáo lên huyện, phối hợp cơ quan chức năng xác định mắc dịch tả lợn Châu Phi. Sau đó, xã đã vận động gia đình, đồng thời cử lực lượng dân quân đưa toàn bộ số lợn gồm 28 con của gia đình đi tiêu huỷ, cấp phát hoá chất và nhắc nhở hộ chăn nuôi thường xuyên phun khử trùng tiêu độc. Bên cạnh đó, xã còn dán các thông báo về điểm xảy ra dịch tả lợn Châu Phi ở trước đường vào thôn, cổng gia đình để thông báo cho người dân biết; tuyên truyền người dân không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh cũng như lợn chết; không vứt xác lợn bệnh, lợn chết ra môi trường để tranh phát tán, lây lan dịch bệnh.

Bà Nguyễn Thị Luyến - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Sa Thầy cho biết: Nhờ phát hiện khoanh vùng kịp thời, ngoài hai ổ dịch xuất hiện tại xã Mô Rai và xã Sa Bình, đến nay, trên địa bàn huyện chưa phát sinh thêm ổ dịch nào. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền để người dân ý thức được sự nguy hiểm, nâng cao cảnh giác, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn Châu Phi trên đàn gia súc.

Theo Văn Tùng (baokontum)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.