Rừng tự nhiên ở Đắk Nông - vỏ rừng, ruột rẫy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thời gian qua, những cánh rừng tự nhiên ở xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông liên tục bị người dân thiêu rụi… với số diện tích lớn. Ngoài việc lấy gỗ, mục đích chính của các đối tượng hủy hoại rừng là lấy đất sản xuất, phát triển cây công nghiệp.

 Nhiều cây cà phê mới được trồng chưa vượt qua nổi gốc cây rừng bị đốt cháy trơ trụi. Ảnh: Bảo Lâm
Nhiều cây cà phê mới được trồng chưa vượt qua nổi gốc cây rừng bị đốt cháy trơ trụi. Ảnh: Bảo Lâm


Hủy hoại rừng tự nhiên để làm rẫy

Những ngày này, thời tiết ở tỉnh Đắk Nông đã bước vào mùa mưa. Đây cũng là thời điểm người dân xuống giống các loại cây trồng. Khi thời điểm gieo trồng đến thì cũng là lúc tại tỉnh Đắk Nông có một số người lạ tìm mua cây cà phê với số lượng lớn để gieo trồng.

Một số người dân cho biết, những người mua cây giống này khá bí ẩn và khó hiểu, họ không để lộ bất cứ thông tin gì khi đi mua hàng. Có người đội mũ bảo hiểm kín mít. Sau khi mua hàng xong, người dân chỉ thấy họ đi về phía những cánh rừng tự nhiên…

Xâu chuỗi với một số vụ việc phá rừng gần đây được cơ quan chức năng phát hiện, chúng tôi nghi ngờ những cây giống này sẽ được trồng ở trong vùng lõi của những cánh rừng tự nhiên, khả năng cao là ở địa bàn xã Quảng Sơn.

Một ngày đầu tháng 6, với hành trang là chiếc xe gắn máy được lắp đặt thêm xích nhằm chống trơn trượt chúng tôi thẳng tiến về những cánh rừng tự nhiên nằm ở tiểu khu 1644, 1645. Đây là những cánh rừng do Hợp tác xã Thương mại dịch vụ Hợp Tiến, ở xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong quản lý.

Sau gần 1 tiếng đồng hồ chúng đã ở ngay bìa rừng do Hợp tác xã Thương mại dịch vụ Hợp Tiến quản lý. Thoạt nhìn bên ngoài thì tưởng chừng như những cánh rừng ở đây khá yên bình. Tuy nhiên, len lỏi qua một số lớp vỏ bọc bên ngoài có chiều dài 200 mét chúng tôi đã chứng kiến cảnh phá rừng hết sức thê thảm. Cảnh tượng lộ ra là những ngôi nhà lợp tôn, thưng ván gỗ, những vườn rẫy cà phê trồng cũ, trồng mới rộng bạt ngàn… bên những gốc cây bị đốt cháy trơ trụi.

Thực ra, nhiều diện tích ở đây bên ngoài là rừng tự nhiên, nhưng bên trong lại là vườn rẫy được nhiều người dân canh tác, trồng cây công nghiệp.

Hủy hoại rừng để trồng cà phê

Có mặt tại hiện trường, chúng tôi chứng kiến hàng loạt cây rừng từ nhỏ đến lớn bị thiêu rụi hoàn toàn trông chẳng khác gì một vụ hỏa hoạn kinh hoàng vừa mới xảy ra. Điều đáng nói, có những cây rừng đường kính từ 30-50cm, cao hàng chục mét bị đốt cháy, nằm la liệt trên quy mô rộng hàng chục hecta một cách không thương tiếc.

Tìm hiểu thực tế cho thấy, những vụ phá rừng ở đây đã kéo dài trong nhiều năm liền. Hiện trường các vụ phá rừng cứ được cơi nới rộng dần như vết dầu loang. Thế nhưng, trải qua nhiều năm, các ngành chức năng, địa phương ở đây chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Đứng giữa những đám rẫy bạt ngàn cây cà phê tầm 1-4 năm tuổi, chúng tôi chứng kiến nhiều gốc cây rừng to bằng thân người bị đốt cháy, nằm trơ gốc. Đó là minh chứng rõ ràng nhất cho việc những vườn cây công nghiệp được hình thành, thay thế từ nguồn gốc đất rừng.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Đỗ Điệp - Giám đốc Hợp tác xã Thương mại dịch vụ Hợp Tiến - cho biết, hiện nay, đơn vị đang quản lý hơn 1.200ha. Trong đó, có 620ha rừng, còn lại là diện tích đất nông lâm kết hợp. Từ năm 2016 đến nay, rừng do đơn vị quản lý liên tục bị hủy hoại. Các đối tượng cứ phá rừng theo kiểu mở rộng mỗi đợt một ít và không định hình ở một vị trí nào cố định.

Thời gian qua, nhiều vụ phá rừng đơn vị không bắt được đối tượng bởi diện tích rừng rộng. Lực lượng quản lý bảo vệ rừng của đơn vị có lúc tăng, lúc giảm nhưng nay chỉ còn lại 5 người. Lực lượng thì mỏng trong khi các đối tượng phá rừng hết sức tinh vi. Khi đốt rừng các đối tượng thường cử người theo dõi sát sao động tĩnh của lực lượng chức năng. Thế nên, chỉ cần lực lượng chức năng có hành động gì thì bọn chúng đều nắm bắt và bắn tin cho đối tượng khác biết. Vậy nên, nhiều vụ việc các đối tượng phá rừng đã nhanh chân tháo chạy trước khi lực lượng chức năng kịp thời triển khai lực lượng để bắt quả tang vụ việc.

Ông Điệp cho biết, vừa qua, đơn vị phải mật phục, đi đường vòng mấy giờ đồng hồ dù khoảng cách phá rừng chỉ ở ngay trước mặt. Chỉ có lén lút mật phục chúng tôi mới tránh được tai mắt của họ để bắt đối tượng phá rừng. Thậm chí, khi bắt được một số đối tượng chúng tôi còn tìm được thước giây mà các đối tượng trang bị nhằm đo đếm diện tích cẩn thận, không vượt quá giới hạn nhằm tránh bị xử lý về mặt hình sự. “Một số diện tích rừng các đối tượng đã phá từ năm 2016 đến nay nhưng đến nay chưa trồng được cây”- ông Điệp tỏ rõ sự kiên trì bảo vệ rừng.

Theo báo cáo của UBND xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, trong 5 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn xã đã xảy ra 78 vụ vi phạm về lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, gây thiệt hại 22,2ha rừng. Trong đó, các tháng 1, 2 và 4, có số vụ vi phạm lâm luật nhiều nhất, với 52 vụ, gây thiệt hại gần 13ha rừng. Riêng tháng 5, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 8 vụ phá rừng tại lâm phần của Hợp tác xã Thương mại dịch vụ Hợp Tiến.

Trong ngày 3.6, chúng tôi đã phối hợp ông Lê Đình Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn - cùng lực lượng chức năng kiểm tra tình trạng phá rừng tại Hợp tác xã thương mại dịch vụ Hợp Tiến. Tại đây, ông Tuấn đánh giá, đây đều là những vụ vi phạm lâm luật đặc biệt nghiêm trọng.

 

https://laodong.vn/xa-hoi/rung-tu-nhien-o-dak-nong-vo-rung-ruot-ray-917487.ldo

Theo Bảo Lâm (LĐO)

Có thể bạn quan tâm