Rừng Tây Nguyên vẫn "chảy máu"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Từ đầu mùa khô năm 2018-2019 đến nay, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên liên tục xảy ra các vụ phá rừng, khai thác lâm sản trái phép nghiêm trọng, khiến rừng Tây Nguyên vẫn “chảy máu”.

 

Rừng tự nhiên tại tiểu khu 296, xã Cư M’lan, huyện Ea Súp do Công ty TNHH chế biến thực phẩm và lâm nghiệp Đác Lắc quản lý bị chặt phá nghiêm trọng.
Rừng tự nhiên tại tiểu khu 296, xã Cư M’lan, huyện Ea Súp do Công ty TNHH chế biến thực phẩm và lâm nghiệp Đác Lắc quản lý bị chặt phá nghiêm trọng.



Đến nay, Tây Nguyên gồm các tỉnh Đác Lắc, Đác Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng vẫn là khu vực có diện tích rừng tự nhiên nhiều nhất nước với hơn 2.557.321 ha đất có rừng; trong đó, có hơn 2.206.974 ha rừng tự nhiên. Trong những năm qua, mặc dù các cấp, ngành chức năng các tỉnh trong khu vực đã có nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR), tuy nhiên, tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép vẫn diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng.

Liên tiếp phát hiện các vụ phá rừng nghiêm trọng

Từ tin tố giác của người dân, trong hai ngày 24 và 25-2, các cơ quan chức năng của huyện Chư Prông phối hợp Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai đã tiến hành kiểm tra hiện trường tại một số khu vực trên địa bàn xã Ia Mơr, qua đó phát hiện nhiều điểm phá rừng.

Cụ thể, tại lâm phần do UBND xã Ia Mơr quản lý, tại lô 5, khoảnh 10, tiểu khu 1012 phát hiện năm vị trí thuộc rừng sản xuất bị phá với diện tích 66.151m2. Đây là khu vực nằm trong quy hoạch vùng tưới công trình thủy lợi Ia Mơr. Trong số này có ba vị trí đã được kiểm lâm địa bàn xã Ia Mơr phối hợp lực lượng chức năng xã phát hiện và lập biên bản. Trong khi đó, tại lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Mơr quản lý, có hai vị trí rừng bị phá với tổng diện tích 7.194 m2.

Theo UBND huyện Chư Prông, nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá rừng trên là do từ cuối năm 2018, huyện đã chi trả tiền đền bù, giải phóng mặt bằng cho một số hộ dân có diện tích đất thuộc công trình thủy lợi Ia Mơr nhưng một số hộ dân nhận thức sai, dẫn đến việc phá rừng làm rẫy. Mặc dù UBND huyện đã chỉ đạo quyết liệt nhưng các đơn vị chủ rừng chưa xử lý dứt điểm, chưa xác định đối tượng phá rừng; buông lỏng quản lý, để xảy ra nhiều vụ phá rừng trong lâm phần quản lý.

Tại Đắc Lắc, trong những ngày giữa tháng 3, các ngành chức năng đã phát hiện vụ phá rừng quy mô lớn dọc Quốc lộ 29 giáp ranh giữa huyện Buôn Đôn và Ea Súp thuộc lâm phần của Công ty TNHH chế biến thực phẩm và lâm nghiệp Đác Lắc và Ban Quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn quản lý. Tại khu vực này, rừng bị phá với diện tích hơn 11ha, cây rừng bị triệt hạ nằm ngổn ngang, cành lá khô khốc, nhiều cây bị đốt cháy xém đen. Vài khu vực, diện tích rừng bị chặt phá rộng vài héc-ta và tình trạng phá rừng ở đây diễn ra khốc liệt.

Ông Nguyễn Minh Sơn, Trạm trưởng QLBVR số 2 thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn cho biết, trạm chỉ có hai người hiện quản lý hai tiểu khu 444 và 455 với diện tích hơn 2.000ha. Do diện tích rộng, lực lượng mỏng nên trong những ngày cuối tháng 2 vừa qua, các đối tượng đã ồ ạt dùng cưa lốc vào phá rừng ở khu vực giáp ranh giữa huyện Buôn Đôn và Ea Súp, trong đó có hơn một héc-ta tại tiểu khu 444 thuộc rừng phòng hộ Buôn Đôn do trạm quản lý.

Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH chế biến thực phẩm và lâm nghiệp Đác Lắc, Nguyễn Văn Quyến cho biết, vụ phá rừng nghiêm trọng này xảy ra vào các ngày từ 26 đến 28-2, tại khoảnh 4 thuộc tiểu khu 296, xã Cư M’lan, huyện Ea Súp thuộc lâm phần của công ty quản lý. Qua kiểm tra hiện trường, có ba đám rừng bị hủy hoại, với diện tích được đo đếm được là 8,13ha. Hàng trăm cây gỗ dầu, cà chít, chiêu liêu và một số cây gỗ tạp khác có đường kính từ 5 - 20cm bị cắt hạ bằng cưa lốc. Trong hai ngày 6 và 7-3, các cơ quan chức năng huyện Buôn Đôn phối hợp công ty đã kiểm tra diện tích rừng bị phá tại khu vực giáp ranh huyện Buôn Đôn và Ea Súp bằng máy định vị GPS 78, đo đếm diện tích rừng bị chặt phá là 11,009ha. Tại thời điểm thống kê rừng bị phá, vẫn chưa xác định được thủ phạm.

Ông Nguyễn Văn Quyến cho rằng: “Mục đích của việc phá rừng này là để lấy đất mặt tiền Quốc lộ 29. Trạm bảo vệ rừng của công ty tại khu vực này có sáu nhân viên quản lý địa bàn. Tuy nhiên, do đường sá đi lại xa xôi, các đối tượng lại lợi dụng đêm vắng để phá rừng nên rất khó phát hiện".

Trong khi vụ phá rừng nghiêm trọng tại khu vực giáp ranh giữa hai huyện Buôn Đôn và Ea Súp chưa tìm ra thủ phạm thì vào ngày 8-4, cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Đác Lắc lại phát hiện điểm phá rừng quy mô lớn xảy ra tại tiểu khu 701, xã Cư Bông, huyện Ea Kar thuộc lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar quản lý.

Tại hiện trường, lực lượng công an phát hiện có 13 cây gỗ lớn có đường kính từ 0,8 cm đến hơn một mét bị đốn hạ nằm ngổn ngang. Số gỗ này chủ yếu là gỗ ké, xương gà, xoay, thuộc nhóm V đến nhóm VIII. Phần lớn các thân cây gỗ thẳng, đẹp đã bị lâm tặc xẻ hộp, vận chuyển đi tiêu thụ, một số cây gỗ sót lại tại hiện trường vừa bị lâm tặc đốn hạ còn chảy nhựa, chưa kịp cưa xẻ thì bị cơ quan Công an phát hiện.

Điều đáng nói, lâm tặc đã ngang nhiên mở nhiều đường vào sâu trong rừng và khai thác gỗ như một đại công trường trong một thời gian dài nhưng chủ rừng là Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ea Kar không hề hay biết.

Trong năm 2018, tại lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar quản lý cũng xảy ra nhiều vụ phá rừng quy mô lớn nhưng đến nay vẫn chưa có vụ nào được khởi tố, xử lý các đối tượng liên quan, gây bức xúc trong dự luận ở địa phương.

Tại Đác Nông, vào những ngày giữa tháng 2, các ngành chức năng huyện Tuy Đức, tỉnh Đác Nông phát hiện vụ phá rừng, khai thác, vận chuyển gỗ với quy mô lớn xảy ra tại tiểu khu 1488 thuộc sự quản lý của UBND xã Quảng Trực. Chánh Văn phòng UBND huyện Tuy Đức Nguyễn Ngọc Minh cho biết, qua kiểm tra hiện trường, đã có 69 cây gỗ, chủ yếu là gỗ bằng lăng có đường kính từ 20 - 40 cm bị triệt hạ nằm rải rác tại các khoảnh 2, 3, 4 và 5 thuộc tiểu khu 1488.

Qua kiểm đếm tại hiện trường phá rừng, cơ quan chức năng huyện Tuy Đức xác định còn khoảng 23 m3 gỗ tròn. Số gỗ này do lâm tặc tập kết rải rác trong rừng chưa kịp vận chuyển đi tiêu thụ thì bị phát hiện. Mở rộng kiểm tra ra khu vực khác, lực lượng kiểm lâm huyện Tuy Đức còn thu giữ thêm 8 m3 gỗ bằng lăng nằm rải rác trên các tuyến đường mòn thuộc tiểu khu 1488.

Theo Hạt Kiểm lâm huyện Tuy Đức, đã có 69 cây gỗ chủ yếu là bằng lăng bị khai thác trái phép với khoảng gần 100 m3 gỗ tròn. Được biết, tiểu khu 1488 được UBND tỉnh Đác Nông giao cho UBND xã biên giới Quảng Trực quản lý từ năm 2016 nhưng xã không lập kế hoạch, phương án QLBVR nên các đối tượng lợi dụng sơ hở kéo nhau vào phá rừng, khai thác gỗ trái phép với quy mô lớn.

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm Vùng IV, chỉ trong ba tháng đầu năm 2019, lực lượng kiểm lâm của các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ đã phát hiện, lập biên bản xử lý 1.188 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; trong đó có 218 vụ phá rừng trái phép gây thiệt hại hơn 81 ha rừng và 125 vụ khai thác rừng trái phép... Tình trạng phá rừng và khai thác rừng trái phép chủ yếu xảy ra trên địa bàn Tây Nguyên, nhất là các tỉnh Đác Lắc, Gia Lai, Kon Tum.

Nhiều bất cập

Công tác QLBVR ở các tỉnh Tây Nguyên trong những năm qua tuy đã được các cấp, các ngành và các chủ rừng tăng cường, song tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép vẫn còn diễn ra nghiêm trọng và có chiều hướng gia tăng. Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, Nguyễn Nhĩ phân tích, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá rừng trên địa bàn tỉnh, nhưng đa số người dân phá rừng để làm nương rẫy do không có công ăn việc làm thường xuyên, phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp theo mùa vụ. Việc sản xuất nông nghiệp của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số còn thô sơ, kỹ thuật canh tác thấp nên hiệu quả kinh tế không cao dẫn đến đời sống gặp nhiều khó khăn. Chính điều đó khiến họ đi phá rừng để lấy thêm đất sản xuất.

Bên cạnh đó, phong tục tập quán của người dân bản địa là khi con cái lớn, lập gia đình và tách hộ sẽ được cha mẹ chia đất sản xuất. Những gia đình không đủ đất hoặc sau khi chia lại cho con dẫn đến thiếu đất sản xuất sẽ tiếp tục đi phá rừng, lấy đất sản xuất.

Một lý do khác là thiếu nhân lực. Theo quy định, một kiểm lâm viên địa bàn sẽ quản lý nhiều nhất 1.000 ha rừng, thế nhưng tại Gia Lai, con số này là 3.600 ha/cán bộ kiểm lâm. Cá biệt, tại xã Ia Tul, huyện Ia Pa, chỉ có hai kiểm lâm viên địa bàn nhưng quản lý và bảo vệ tới 24 nghìn ha rừng. Nếu giao về cho các địa phương thì các xã không phải là đơn vị chuyên trách trong công tác bảo vệ rừng nên cần phải có kinh phí.

Chi cục trưởng Kiểm lâm Vùng IV, Hà Công Tài cho rằng, xảy ra nhiều vụ phá rừng nghiêm trọng là do chính quyền và các cơ quan chuyên môn ở một số địa phương chưa thực sự quan tâm, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao, thiếu kiên quyết trong chỉ đạo, điều hành, đặc biệt là trong khâu kiểm tra, giám sát. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các lực lượng bảo vệ rừng chưa đồng bộ, đặc biệt cơ quan quản lý về đất đai chưa thật sự vào cuộc để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đất lâm nghiệp.

Bên cạnh đó, phần lớn các chủ rừng không đủ năng lực, nhân lực và kinh phí để bảo vệ rừng được giao. Nhiều chủ rừng chưa thực hiện hết trách nhiệm, còn buông lỏng công tác QLBVR để rừng bị phá, đất rừng bị lấn chiếm với diện tích lớn, trong thời gian dài mà không có biện pháp kiểm tra, ngăn chặn kịp thời.

Trong số diện tích rừng tự nhiên ở Tây Nguyên thì diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng khá lớn nhưng lực lượng kiểm lâm, lực lượng QLBVR mỏng, công cụ hỗ trợ thiếu và sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng ở địa phương chưa chặt chẽ... Trong khi đó, dân di cư tự do đến Tây Nguyên làm ăn, sinh sống khá lớn, do thiếu đất sản xuất nên họ kéo nhau đi phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp khiến tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, tranh giành đất đai diễn biến phức tạp.

Thêm vào đó, do gỗ ngày càng khan hiếm, giá trị cao nên lâm tặc và các đối tượng phá rừng rất manh động, sẵn sàng chống trả quyết liệt lực lượng QLBVR khiến rừng Tây Nguyên vẫn “chảy máu”.

Tăng cường công tác QLBVR

Để tăng cường công tác QLBVR, gìn giữ những diện tích rừng quý giá còn lại trên địa bàn Tây Nguyên, theo Phó Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Đác Lắc, Mai Văn Kiện, về cơ bản, các lực lượng chức năng cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không đi phá rừng làm nương rẫy; đồng thời, thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát để phát hiện sớm các vụ phá rừng, có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Chi cục trưởng Kiểm lâm Vùng IV, Hà Công Tài đề nghị, chi cục kiểm lâm các địa phương cần tiếp tục tham mưu cho chính quyền củng có, kiện toàn tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước về lâm nghiệp từ tỉnh đến huyện, xã và chủ rừng theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Tiếp tục triển khai việc rà soát, xác định các vùng trọng điểm, các điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác rừng trái phép để triển khai các biện pháp bảo vệ rừng hiệu quả.

Các cấp, các ngành và chủ rừng cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và cộng đồng về công tác bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.

Vấn đề quan trọng nữa là các địa phương trong khu vực cần rà soát, đánh giá hiệu quả của các dự án, đặc biệt là các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp sang mục đích sử dụng khác trên địa bàn; kiên quyết đình chỉ, thu hồi đối với các dự án có sai phạm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, thiếu trách nhiệm trong công tác QLBVR tại địa phương.

Về phía Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT chỉ đạo, đôn đốc và hướng dẫn các địa phương sớm hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp các quy định của pháp luật hiện hành, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, hoạch định các chính sách ngành và kinh tế - xã hội mỗi địa phương...


 

Rừng phòng hộ Buôn Đôn tại tiểu khu 444, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đác Lắc bị tàn phá.
Rừng phòng hộ Buôn Đôn tại tiểu khu 444, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đác Lắc bị tàn phá.
Vụ phá rừng quy mô lớn xảy ra tại tiểu khu 701, xã Cư Bông, huyện Ea Kar, tỉnh Đác Lắc thuộc lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar quản lý được phát hiện vào đầu tháng tư vừa qua.
Vụ phá rừng quy mô lớn xảy ra tại tiểu khu 701, xã Cư Bông, huyện Ea Kar, tỉnh Đác Lắc thuộc lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar quản lý được phát hiện vào đầu tháng tư vừa qua.
Lâm tặc ngang nhiên xẻ gỗ ngay tại tiểu khu 1488 thuộc sự quản lý của UBND xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đác Nông nhưng chủ rừng không hề hay biết.
Lâm tặc ngang nhiên xẻ gỗ ngay tại tiểu khu 1488 thuộc sự quản lý của UBND xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đác Nông nhưng chủ rừng không hề hay biết.



NGUYỄN CÔNG LÝ (nhandan)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.