Rừng dự án bị phá tan hoang

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Rừng và đất rừng một dự án nông lâm nghiệp ở H.Ea Súp (Đắk Lắk) rộng gần 1.000 ha mà có đến hơn 60 ha rừng bị phá, lấn chiếm như “vô chủ” nhưng cơ quan chức năng chưa xác định được thủ phạm.
Cày xới đất rừng
Theo phản ánh của người dân, liên tục nhiều tháng qua, nhiều người xâm nhập chặt phá cây rừng, lấn chiếm đất rừng tại lâm phần quản lý của Công ty TNHH Minh Hằng (Công ty Minh Hằng) thuộc địa bàn xã Ya Tờ Mốt (H.Ea Súp, Đắk Lắk). Sau khi phá cây, những người này đưa máy móc vào san ủi, chiếm đất, thậm chí cho thuê đất rừng để trồng cây ngắn ngày trên diện tích lớn.

Nhiều vạt rừng bị chặt hạ để lấy đất. Ảnh: Hoàng Bình
Nhiều vạt rừng bị chặt hạ để lấy đất. Ảnh: Hoàng Bình
Hiện ở các khu vực đất rừng Công ty Minh Hằng quản lý có thể dễ dàng bắt gặp nhiều người đang trồng mì, nhiều phương tiện máy móc đang cày xới. Khi hỏi, những người trồng mì đều cho biết họ thuê lại đất của Công ty Minh Hằng, nhưng thuê của người nào, giá bao nhiêu thì họ đều trả lời… không biết. Một người lái máy cày hướng dẫn: “Nghe bảo Công ty Minh Hằng cho thuê đất, mỗi héc ta vài triệu thôi. Anh cứ vào thẳng công ty hỏi thử…”.
Theo ghi nhận, trên diện tích thuộc dự án trồng cao su của Công ty Minh Hằng, đất bị cày xới tan hoang để trồng mì. Nhiều khoảnh rừng tự nhiên bị chặt hạ, cây khô nằm ngổn ngang. Thậm chí, có điểm còn được múc thành ao, tích nước sát bên diện tích đất rừng bị phá, lấn chiếm.
Một người dẫn đường chúng tôi vào hiện trường cho biết tình trạng chặt cây, ủi đất rừng diễn ra nhiều tháng nay với quy mô rất lớn. “Nếu người dân bình thường tự ý vào chặt cây, ủi đất như vậy chắc chắn lực lượng chức năng có mặt xử lý ngay. Thế nhưng không hiểu sao mấy tháng nay việc phá rừng, chiếm đất tại đây diễn ra rầm rộ mà chẳng thấy ai đến “hỏi thăm”, người này nói.
Thống kê của UBND xã Ya Tờ Mốt thể hiện, từ tháng 6 - 8.2021, lực lượng chức năng của xã đã phát hiện tổng cộng 31,7 ha đất lâm nghiệp tại lâm phần của Công ty Minh Hằng bị san ủi thành từng lô, thửa để sản xuất nông nghiệp. Qua xác minh, có 30 ha đất (thuộc đất dự án trồng cao su) do 2 bảo vệ của Công ty Minh Hằng san ủi để canh tác và 1,7 ha đất rừng tự nhiên chưa rõ đối tượng san ủi.
Ông Đặng Công Tạo, Chủ tịch UBND xã Ya Tờ Mốt, cho biết: “Có việc công ty này thuê bảo vệ nhưng không trả bằng tiền mà cho canh tác hoa màu trên đất của công ty. Hiện xã đã gửi báo cáo lên cấp trên để xử lý theo thẩm quyền”.
Mất rừng do… dịch bệnh (?)
Theo Hạt Kiểm lâm H.Ea Súp, Công ty Minh Hằng (trụ sở tại Bình Dương) được UBND tỉnh Đắk Lắk giao 983 ha rừng và đất rừng để quản lý bảo vệ từ năm 2010; trong đó thực hiện dự án trồng cao su 100 ha. Đến nay, diện tích rừng tự nhiên của Công ty Minh Hằng còn khoảng 360 ha. Trong các văn bản gửi cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk gần đây, Công ty Minh Hằng giải thích thời gian qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên khâu điều động nhân sự, bảo vệ rừng chưa được tốt. Nhân viên bảo vệ không làm tròn trách nhiệm, một số đối tượng đã lợi dụng tự ý cày ủi, trồng trọt trái phép trong vùng dự án, dẫn đến chặt phá cây rừng, lấn chiếm đất dự án, xâm canh, cho thuê trái phép...
Trao đổi qua điện thoại, bà Trịnh Thị Phương Thùy, Phó giám đốc Công ty Minh Hằng, khẳng định: “Vì dịch bệnh, công ty thiếu bảo vệ nên người ta vào cày xới chứ không ai cho, công ty cũng không cho thuê đất rừng. Họ lấn chiếm từng khoảnh nên công ty chưa thống kê được. Công ty cũng có báo cáo đến lực lượng chức năng địa phương để nhờ phối hợp xử lý các đối tượng vi phạm lâm luật”.
Trong khi đó Hạt Kiểm lâm H.Ea Súp cho biết Hạt đã tiếp nhận, xử lý 4 vụ phá rừng trái pháp luật xảy ra tại lâm phần Công ty Minh Hằng với diện tích thiệt hại hơn 60 ha rừng, nhưng chưa xác định được đối tượng vi phạm. Hạt đã chuyển hồ sơ 1 vụ phá rừng với diện tích gần 11 ha, tang vật là 720 lóng gỗ các loại (29,4 m3) để Công an H.Ea Súp xử lý. “Thời gian qua, phát hiện nhiều vụ việc phá rừng tại lâm phần của Công ty Minh Hằng, Hạt Kiểm lâm huyện đã liên hệ nhiều lần nhưng công ty lấy lý do dịch bệnh nên chưa lên làm việc được”, Hạt Kiểm lâm H.Ea Súp thông tin.
Kiến nghị thu hồi dự án
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch UBND H.Ea Súp, xác nhận trước việc Công ty Minh Hằng thiếu nhân lực, quản lý bảo vệ rừng kém hiệu quả, huyện đã báo cáo UBND tỉnh Đắk Lắk về tình hình dự án. “Chúng tôi đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét, thu hồi dự án của Công ty Minh Hằng. Hiện cấp tỉnh đang cho thanh tra lại toàn bộ dự án để có cơ sở đánh giá, xử lý”, ông Nhiệm nói.
Theo Trung Chuyên - Hoàng Bình (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.