Rừng "chảy máu" ở Đắk Lắk: Những cánh rừng bị lâm tặc "hạ sát"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Sau hơn 1 tháng vào cuộc điều tra, chứng kiến những cánh rừng già bị “lâm tặc" “hạ sát" thì những lời “tố cáo" về các cán bộ chuyên trách đã “tiếp tay" cho “lâm tặc” đang dần có cơ sở. Bằng mọi giá, tôi sẽ phải đưa sự việc ra ánh sáng để những đối tượng phá rừng và cả những cán bộ tha hóa bán rẻ lương tâm vì đồng tiền bất chính phải chịu trách nhiệm về tội ác bên trong đại ngàn kia.
“Máu rừng" vẫn chảy
Tỉnh Đắk Lắk là địa phương vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chọn làm điểm đến trong “Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu”. Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra lệnh “đóng cửa rừng" tại 5 tỉnh Tây Nguyên. Thủ tướng cũng chỉ rõ, địa phương nào để xảy ra tình trạng phá rừng thì địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ.
Lệnh “đóng cửa rừng” đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ban bố. Tuy nhiên, từ nguồn tin thân cận của chúng tôi, họ cho biết một địa điểm phá rừng quy mô, hoạt động nhiều năm nay và có dấu hiệu của việc cán bộ chuyên trách “bảo kê" cho các đối tượng phá rừng.
 
Con đường mòn do bánh xích xe ô tô độ chế bào mòn. Ảnh: Hàn Hưng.
Để có những bằng chứng xác thực từ những lời “tố cáo" đáng tin cậy này, chúng tôi đã cải trang thành những người đi rừng để có thể ghi hình, chụp ảnh đại ngàn đang ngày đêm “chảy máu".
Theo như lời của người tố cáo, để vào được khu rừng đang bị các đối tượng “lâm tặc” khai thác trái phép thì chúng tôi phải đi qua khu “5 dốc", núi “đá bàn" hay dốc “đâm". Ôi thôi, chỉ nghe cái tên gọi cũng đủ cho chúng tôi thấy sự gian nan, trắc trở trong quá trình thâm nhập vào khu rừng già để sớm đưa sự thật ra ánh sáng.
 
Hàng loạt cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi bị "lâm tặc" triệt hạ. Ảnh: Hàn Hưng.
Hành trình ấy của chúng tôi bắt đầu từ khu “5 dốc", thuộc xã Ea Hiao (huyện Ea H'leo). Tôi đang thắc mắc vì sao người dân bản địa ở đây lại gọi là khu “5 dốc" thì được một “lâm tặc" đã giải nghệ giải thích rằng, sở dĩ có tên khu “5 dốc" bởi đoạn đường này có 5 con dốc cao vời vợi. Dưới chân dốc có 1 buôn làng của người Ê-đê với độ chục chóp nhà sinh sống và trồng trọt.
Lý giải thêm về con đường mòn chạy xẻ dọc khu “5 dốc", người này cho biết, con đường đó là do cánh “lâm tặc" mở ra để đi khai thác gỗ lậu. Để đưa được gỗ từ rừng ra, “lâm tặc” đã dùng xe độ chế để vận chuyển và mỗi khi qua khu “5 dốc" thì họ phải dùng dây cáp để tời xe gỗ lên. Mỗi xe độ chế có thể chở được 3-5m3 gỗ.
 
"Máu rừng" đang chảy. Ảnh: Hàn Hưng.
Sau hơn 1 giờ đồng hồ đi bộ, chúng tôi bắt đầu tiếp cận được cửa rừng, ngay tại đây là một diện tích lớn rừng bị khai thác ngổn ngang. Hàng trăm gốc cây có đường kính 20cm trở lên bị cánh “lâm tặc” ra tay hạ sát. Sau này khi làm việc với cơ quan chức năng để xác định ranh giới thì khu vực bị khai thác thuộc tiểu khu 87, do Công ty Lâm nghiệp Ea H'leo quản lý. 
Để minh chứng, tôi đã phải thử ôm 1 gốc cây nhưng vòng tay của tôi đã không chạm được vào nhau. Chứng tỏ gốc cây này có đường kính rất lớn. Chỉ nhìn vào hiện trạng thì cuộc “tàn sát" đại ngàn chỉ mới diễn ra một tuần trở lại đây.
 
Ai đã "tiếp tay" cho "lâm tặc" thảm sát đại ngàn? Ảnh: Hàn Hưng.
Nhìn những vết cắt sắc lẹm của những đường cưa máy, chứng tỏ những tay “lâm tặc" hết sức chuyên nghiệp. Điều mà chúng tôi băn khoăn, mặc dù một diện tích lớn rừng bị “hạ sát" nhưng tại hiện trường không hề có dấu kiểm tra, xử lý của chủ rừng và cơ quan chuyên trách.
Để vào được tâm lõi đại ngàn, những tay “lâm tặc" đã cho mở một con đường mòn, con đường này được cày xới bởi những bánh xích của xe ô tô độ chế. Chỉ nhìn những dấu vết bánh xe xích để lại, chứng tỏ hoạt động ra, vào khai thác, vận chuyển lâm sản diễn ra rầm rộ và trong một thời gian rất dài. Tuy nhiên, chủ rừng đang ở đâu thì không một ai có thể trả lời được?
Càng tiến sâu vào khu rừng kia, nơi giáp ranh với tỉnh Gia Lai thì con đường này càng bị cày xới, bào mòn hơn rất nhiều bởi những chiếc xe ô tô độ chế. Sau hành trình dài thâm nhập đại ngàn, trong tay tôi đã có đầy đủ những bằng chứng về cuộc tàn sát đại ngàn và lời tố cáo của người dân là hoàn toàn đúng sự thật.
 
Cần khởi tố vụ án phá rừng để điều tra. Ảnh: Hàn Hưng.
Hoặc là cơ quan chuyên trách đã buông lỏng quản lý, hoặc là đã có cán bộ nào đó “tiếp tay", thậm chí là “bảo kê" cho “lâm tặc” ra sức tàn sát đại ngàn. Câu trả lời tôi xin giành lại cho cơ quan chức năng.
Chúng tôi tìm đến Hạt kiểm lâm huyện Ea H'leo để làm việc với ông Trương Văn Hồng- Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Ea H'leo để có những thông tin chính thức và khách quan nhất. Trả lời những câu hỏi của phóng viên Thương hiệu và Pháp luật, ông Hồng, cho biết: "Về gốc độ quản lý Nhà nước, là cơ quan quản lý ngành, dù anh phát hiện gỗ nhưng kiểm tra không có nguồn gốc, bất cứ gỗ lấy ở đâu về đều là vi phạm cả".
Ông Trương Văn Hồng, thừa nhận: "Trách nhiệm một phần là của ngành kiểm lâm, vẫn nhận thức được trách nhiệm, cũng không né tránh gì đâu. Tuy nhiên, ở địa bàn nào thì có kiểm lâm địa bàn ở đó phụ trách, tham mưu cho UBND xã về công tác lâm nghiệp. Còn chuyện kiểm lâm địa bàn phát hiện kịp thời hay không thì lại là trách nhiệm của kiểm lâm địa bàn".
Hàn Hưng-Hải Nguyễn (THPL)

Có thể bạn quan tâm