Rủi ro khi khởi nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Không ít bạn trẻ sau khi tốt nghiệp cao đẳng - đại học luôn ôm giấc mộng “tự làm chủ lấy mình”, khởi nghiệp gần như là chủ đề được người trẻ rất quan tâm. Tuy nhiên cũng không ít trường hợp vì mong muốn khởi nghiệp và tạo dựng cơ ngơi nhanh chóng, nhiều bạn trẻ đang hiểu nhầm và sai cách khi khởi nghiệp.

 

Để tránh rủi ro khi khởi nghiệp, bạn trẻ cần dành thời gian tích lũy kinh nghiệm ở lĩnh vực mong muốn
Để tránh rủi ro khi khởi nghiệp, bạn trẻ cần dành thời gian tích lũy kinh nghiệm ở lĩnh vực mong muốn



Khởi nghiệp trái ngành

Vài năm qua, khởi nghiệp không chỉ là vấn đề được giới trẻ quan tâm mà đây còn là xu hướng được quốc gia chú trọng với nhiều chương trình, nguồn vốn hỗ trợ các đề án, dự án khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên có không ít những lý thuyết “màu hồng” về chuyện khởi nghiệp, “làm chủ lấy mình” được rao giảng trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội, sách dạy làm giàu… khiến không ít bạn trẻ lầm tưởng về chuyện khởi nghiệp và nhanh chóng trở thành “ông này bà nọ”.

Tốt nghiệp chuyên ngành an toàn thực phẩm nhưng ra trường lại trở thành nhân viên môi giới bất động sản, Nguyễn Thành Vinh (27 tuổi, ngụ quận Tân Bình) quyết trụ lại với công việc này, vì tiền hoa hồng cho mỗi căn hộ môi giới thành công khá cao. Vinh quyết định học thêm các lớp đào tạo ngắn hạn về kinh doanh bất động sản, cùng với việc bán thành công 2 căn hộ liên tục, Vinh được lên vị trí trưởng phòng. Sau khi lấy vợ, dùng hết số tiền dành dụm được cùng tiền mừng cưới, 2 vợ chồng Vinh mở sàn giao dịch riêng với quyết tâm khởi nghiệp, tạo dựng văn phòng kinh doanh riêng. Không đầy 1 năm mở sàn, vợ chồng Vinh phải trả văn phòng và chịu lỗ vốn.

“Tiền thuê văn phòng, nhân viên, chi phí sinh hoạt hơn 300 triệu đồng coi như mất sạch, còn thêm vài chục triệu nợ bạn bè nữa. Ban đầu, mở ra rồi làm trưởng chi nhánh thấy ham lắm, thất bại rồi mới biết vì tôi không có nhiều kinh nghiệm, cũng không có nguồn vốn hỗ trợ, nên kinh doanh không thành. Muốn khởi nghiệp hay làm tốt công việc thì mình phải có kiến thức bài bản, chứ không thể chụp giật nhất thời được”, Vinh chia sẻ.

Học ngành ngữ văn nhưng chọn công việc kinh doanh tiệm hoa, Nguyễn Văn Phụng (26 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) chia sẻ: “Từ năm 2 học đại học, tôi có tham gia thêm lớp học chuyên về SEO nên ra trường rất tự tin để khởi nghiệp với việc mở tiệm hoa”. Hơn 6 tháng mở tiệm và tích cực SEO trên khắp các cổng tìm kiếm, mạng xã hội nhưng cửa tiệm vẫn không mấy thu hút khách, lỗ vốn Phụng đành dẹp tiệm.

Phụng kể: “Nhiều thứ tiền phải chi để mở cửa hàng và tôi cũng không có nhiều kiến thức kinh doanh nên mỗi bó hoa bán ra cũng không lời lãi bao nhiêu, chưa kể phí giao hàng. Ế rồi lỗ vốn nên tôi dẹp tiệm về quê một thời gian để phụ giúp gia đình”.

Niềm tin mù mờ

Đi làm được 2 năm sau khi tốt nghiệp, nhảy việc 2 lần vì nhiều bất hòa với đồng nghiệp khiến Huỳnh Liên (25 tuổi, nhân viên kế toán, ngụ quận 8) chán nản và tìm cách khởi nghiệp để có thể tự làm chủ. Được bạn bè giới thiệu một chuyên gia đầu tư chứng khoán, Liên dùng hết tiền tiết kiệm và mượn thêm của gia đình để đầu tư, dù bản thân chỉ hiểu lờ mờ về chứng khoán. Thời gian đầu gặt hái lợi nhuận khá tốt từ đây, khiến Liên tin tưởng và đầu tư thêm. Khoảng 4 tháng sau bắt đầu thua lỗ, liên lạc lại với người cố vấn, Liên tá hỏa.

“Khi tôi gọi điện thoại thì không liên lạc được, liên lạc qua mạng xã hội thì người ta đã sang nước ngoài, không còn theo dõi thị trường nữa. Tôi nhanh chóng bán hết cổ phiếu, thu được bao nhiêu thì thu nhưng vẫn lỗ nhiều. Khoản tiền mượn tạm của ba mẹ, tôi phải tìm việc khác làm, cày hơn gần 2 năm mới trả hết cho gia đình”, Liên kể.

Sau những bất đồng khi làm việc nhóm ở công ty, chán công việc bàn giấy, văn phòng, Minh Thư (26 tuổi, nhân viên đồ họa, ngụ quận Gò Vấp) lên ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh riêng. Thư đầu tư 2 xe bánh mì và cà phê mang đi bán vào buổi sáng; sau 3 tháng thì rút lại còn 1 xe và không đầy 1 năm thì nghỉ hẳn.

Thư chia sẻ: “Tôi lên kế hoạch phát triển thương hiệu thành một chuỗi bánh mì và cà phê rải khắp TP. Bản thân tôi không có kinh nghiệm buôn bán, mở ra chỉ thấy cực hơn mà tiền lời mỗi ngày cũng không bao nhiêu. Tôi dẹp luôn 2 xe bánh mì và tìm việc ở công ty khác theo chuyên ngành đã học”.

Nhiều khóa học về khởi nghiệp hiện được giới thiệu khắp các diễn đàn online và mạng xã hội. Những lời giới thiệu như “tô hồng” chuyện khởi sự kinh doanh khiến không ít bạn trẻ chạy theo, như: khởi nghiệp online vốn 500.000 đồng lãi mỗi tháng 100 triệu đồng; khởi nghiệp vài triệu lời vài trăm triệu; khởi nghiệp hôm nay, ông chủ ngày mai…

Khởi nghiệp là một tinh thần đáng hoan nghênh và khích lệ ở người trẻ, tuy nhiên mọi thứ cần có một kế hoạch cụ thể và kiến thức chuyên môn bài bản. Người trẻ không thể vội vàng chạy theo đám đông, mở một xe bánh mì, cà phê, bỏ vài chục triệu đồng đầu tư chứng khoán hay buôn bán online… rồi gọi đó là khởi nghiệp...

Theo THIÊN THANH (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Lê Văn Vũ (19 tuổi) là người đứng sau loạt phim hoạt hình triệu view, như Chàng trai bất tử (11,2 triệu lượt xem), Yêu em trong mơ (1,8 triệu lượt xem), series Tây Du Ký gen Z (7,6 triệu lượt xem)... Nhờ công việc này, Vũ đã có thêm thu nhập ổn định từ khi còn là học sinh.