Rủ nhau làm lò ủ tỏi đen, thơm lừng cả một vùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đến nay đôi bạn chế tạo thành công 11 lò ủ công suất lớn, mỗi tháng cho ra lò hơn 8 tấn tỏi đen, doanh thu lên đến 2,4 tỉ đồng.

 

 Suốt 5 năm qua, anh Nguyễn Văn Toàn (phải) và anh Nguyễn Anh Đức theo đuổi đam mê sản xuất tỏi đen - Ảnh: NAM TRẦN
Suốt 5 năm qua, anh Nguyễn Văn Toàn (phải) và anh Nguyễn Anh Đức theo đuổi đam mê sản xuất tỏi đen - Ảnh: NAM TRẦN



Đến ngã tư thị trấn Yên Châu, tỉnh Sơn La hỏi nơi làm tỏi đen, ai cũng xuýt xoa: "Tỏi đen à, ở Yên Châu này chỉ có duy nhất một nơi làm thôi, mùi thơm lừng". Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến cơ sở tỏi đen nức tiếng một vùng Yên Châu của anh Nguyễn Văn Toàn (30 tuổi) và anh Nguyễn Anh Đức (33 tuổi), thành viên HTX Tây Bắc (Sơn La).

Từ "củ sắn, củ khoai" đến lò ủ tự chế

Năm 2014 tốt nghiệp ra trường, Toàn quyết định về lại Sơn La. Anh nhớ thời điểm đó, giá tỏi đen xuất sang Nhật vào khoảng 1,5-2 triệu đồng/kg, vì tỏi rất tốt cho hệ tim mạch, điều hòa đường huyết, giảm mỡ máu, đặc biệt tỏi đen có công dụng tốt gấp 10 lần tỏi tươi.

"Vùng đất Yên Châu nổi tiếng trồng tỏi, tại sao không thử ủ?" - anh Toàn trăn trở. Học tại khoa công nghệ sinh học theo đuổi đề tài tỏi đen, về lại bản làng anh quyết định rủ rê thầy giáo Đức áp dụng kiến thức được học, quyết tâm khởi nghiệp từ tỏi đen.

Cùng học sư phạm, cùng chí hướng làm giàu trên chính mảnh đất quê nhà, thầy giáo Nguyễn Anh Đức gật đầu cái rụp khi anh Toàn ngỏ ý "nên duyên với tỏi đen".

Mới đầu, hai anh em thử làm theo hướng dẫn trên mạng bằng cách ủ tỏi đen vào nồi cơm điện, mỗi mẻ khoảng 2-3kg tỏi. Những mẻ tỏi đầu tiên hoàn thành, anh Toàn nhờ bạn bè, người quen ăn thử và tư vấn về chất lượng. Đợt đầu tiên được 15kg thành phẩm, đôi bạn giới thiệu đến đồng nghiệp ở cơ quan mua thử với giá 600.000 đồng/kg, thu hơn 9 triệu đồng.


 

Sản phẩm tỏi đen Yên Châu của do anh Toàn và anh Đức khởi nghiệp - Ảnh: NAM TRẦN
Sản phẩm tỏi đen Yên Châu của do anh Toàn và anh Đức khởi nghiệp - Ảnh: NAM TRẦN



Với số tiền 9 triệu đồng ít ỏi trong tay, thầy giáo Đức giãi bày: "Hai anh em đi từ củ sắn củ khoai, cứ có lương là dồn vào mua nguyên liệu. Ròng rã mấy năm trời, trưa đi làm về là anh em tranh thủ làm, chiều đến chưa kịp ăn cơm tối lại bắt tay vào làm ngay. Ngày đó chỉ dám lấy công làm lãi, may mắn được mọi người ủng hộ".

Để so sánh chất lượng tỏi làm ra, đôi bạn trẻ phải tìm đến nhiều loại tỏi của các hãng khác nhau rồi ăn thử. "Căn cứ vào đó để chúng tôi so sánh xem tỏi của mình chất lượng ra sao, mua cả loại tốt nhất từ 1,5-2 triệu đồng/kg để ăn và so sánh chất lượng" - anh Đức cho biết.

Làm thử nắm được quy trình, kỹ thuật rồi nhưng khó nhất là lò ủ. Thời điểm đó giá một lò ủ trọng lượng 1 tấn trên thị trường lên đến 500 triệu đồng. Dù không học chuyên ngành cơ khí nhưng đôi bạn quyết tâm mày mò, học hỏi kiến thức rồi bắt tay vào chế tạo lò ủ.

Mới đầu chỉ là lò ủ công suất nhỏ, các anh tự mua vật liệu để gia công, đưa tỏi tươi vào thử nghiệm. Có những mẻ thành công, nhưng cũng có những mẻ tỏi tươi khi đưa vào lò ủ là hỏng ngay.

Anh Đức nhớ mãi có lần phải đổ đi hơn 1 tấn tỏi tươi vì lò ủ không đáp ứng được. Sau những lần như vậy, đôi bạn rút ra kinh nghiệm, tìm ra lỗi sai để chỉnh sửa lò ủ theo hướng tốt lên.

"Vừa mới ra trường, vốn không có, lúc đầu có bao nhiêu tiền lương chúng tôi dồn hết vào mua tỏi. Vừa mua nguyên liệu, vừa làm thử, có những mẻ thành công, có mẻ hỏng hết, mẻ này bù mẻ kia.

Sau đó chúng tôi quyết định thử chế tạo lò ủ, từ công suất 30kg/lần ủ đến hàng tạ, hàng tấn một lần ủ. Năm 2018, lò ủ đầu tiên hoàn thành có tên gọi CY-01, được đi tham gia hội thi Sáng tạo kỹ thuật trẻ tỉnh Sơn La" - anh Toàn nhớ lại.

Từ nồi cơm điện đến lò ủ công suất nhỏ chỉ vài chục kilôgam, nay đôi bạn đã chế tạo thành công 11 lò ủ tỏi công suất lớn. Anh Toàn cho biết quan trọng nhất ở lò ủ này là bộ điều khiển và bộ phận cách nhiệt, đặc biệt cách nhiệt càng tốt thì lượng tiêu hao nhiên liệu càng thấp.

Phải đi xa hơn


 

Lò ủ tỏi đen của anh Toàn và anh Đức tạo thêm việc làm cho người dân trong vùng - Ảnh: NAM TRẦN
Lò ủ tỏi đen của anh Toàn và anh Đức tạo thêm việc làm cho người dân trong vùng - Ảnh: NAM TRẦN



Trong xưởng chế biến, hàng chục tấn tỏi đang trong giai đoạn sấy lần hai, mùi thơm lừng cả một vùng Yên Châu. Cạnh đó, tốp nhân công là các bà các chị người dân tộc Thái luôn tay luôn chân vận hành lò trơn tru. Trải qua quá trình sơ chế, làm sạch, tỏi được cho vào khay rồi đưa vào lò ủ. Trong quá trình ủ, nhiệt độ sẽ được điều chỉnh từ 70-90 độ C tùy giai đoạn khác nhau. Tỏi sẽ trải qua hai lần ủ, hai lần sấy trong khoảng một tháng sẽ cho ra tỏi đen thành phẩm.

Bà Quàng Thị Mai (50 tuổi, dân tộc Thái) hồ hởi khoe mức lương hiện tại là 3,6 triệu đồng/tháng với công việc thường nhật là ủ, sấy, đóng gói tỏi đen. "Trước làm nương làm rẫy, từ ngày làm ở đây thu nhập cao hơn. Giúp ích nhiều, làm nương làm rẫy vất vả chứ làm việc này không nắng không mưa" - bà Mai bộc bạch.

Với 6 nhân công làm việc thường xuyên, 11 lò ủ của anh Toàn, anh Đức đã vận hành trơn tru, mỗi lò đáp ứng được công suất 1,5 tấn tỏi tươi/lần ủ.

Tỏi đen Yên Châu ra đời chất lượng không kém tỏi ở các vùng khác, người này truyền miệng người kia, mới đầu chỉ là thị trường quanh huyện Yên Châu, về sau đôi bạn tìm đến các vùng lân cận giới thiệu thêm sản phẩm.

"Hai anh em bảo nhau: "Bây giờ mình phải đi xa hơn" - anh Đức bộc bạch - Bắt đầu từ Mộc Châu (Sơn La) là đất du lịch, hai anh em đi xe máy chở tỏi đen đến từng quán xin ký gửi chừng 5kg. Hai tháng sau, quay lại các cửa hàng đó thì các chủ cửa hàng đồng ý ký hợp tác vì thấy thị trường tiềm năng của tỏi đen".

Đến năm 2016, khi thị trường thương mại điện tử phát triển, các anh bắt đầu bán trên Shopee, Lazada..., hầu hết là khách hàng lấy sỉ. Hiện tại giá bán cho các đại lý là 300.000 đồng/kg tỏi đen, loại vip bán từ 500.000 đồng/kg.

Không dừng lại ở thị trường trong tỉnh, hiện nay các đối tác ở miền Nam cũng ký hợp đồng, đôi bạn Toàn - Đức đóng vai trò như một nhà sản xuất. Bên đối tác cung cấp nguyên liệu, phía các anh sẽ gia công và bán lại thành phẩm cho đối tác.

Anh Toàn cho biết với 11 lò ủ hoạt động 24/24 giờ, tổng sản lượng tỏi đen thành phẩm lên đến 8 tấn/tháng, doanh thu mỗi tháng khoảng 2,4 tỉ đồng.

 


Năm 2016, anh Nguyễn Văn Toàn và anh Nguyễn Anh Đức tham gia Hợp tác xã Tây Bắc, được tạo điều kiện từ thủ tục, giấy tờ đăng ký sản phẩm và được mang sản phẩm đi trưng bày trong khắp cả nước. Hiện nay đôi bạn trẻ vừa thành lập thêm một công ty con, tách riêng các mảng quản lý, sản xuất tỏi đen đáp ứng nhu cầu của thị trường.

"Để khởi nghiệp thành công, quan trọng nhất là đam mê, lựa chọn sản phẩm đúng hướng, đúng thị hiếu thị trường cần, chứ làm ra sản phẩm thị trường không cần chắc chắn là thất bại" - anh Nguyễn Văn Toàn chia sẻ.


Theo HÀ THANH - NAM TRẦN (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.