Quan tâm hỗ trợ nhà ở cho người khuyết tật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Huyện Chư Pưh đã huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn xây dựng nhà ở, giúp họ thuận lợi trong sinh hoạt hàng ngày.
Trong căn nhà còn thơm mùi sơn mới, anh Kpăh Pôn (làng Kênh Hmek, xã Ia Le) kể: Năm 2013, anh bị tai nạn giao thông và bị liệt phải nằm một chỗ. Lúc ấy, vợ chồng còn trẻ, chưa có vốn liếng làm ăn và phải sống trong căn nhà dột nát. Từ một người khỏe mạnh, trụ cột của gia đình, anh bỗng dưng trở thành gánh nặng khiến gia cảnh càng thêm khốn khó. “Tôi bị liệt nên không còn khả năng lao động. Tất cả sinh hoạt, thuốc men đều phụ thuộc vào tiền công làm thuê làm mướn của vợ. Biết được hoàn cảnh khó khăn của tôi, đầu năm 2021, huyện vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ 50 triệu đồng để xây dựng căn nhà mới”-anh Pôn chia sẻ. Từ khi ngôi nhà được hoàn thành, vợ chồng anh Pôn gỡ bỏ được gánh nặng, tự tin hơn trong cuộc sống.
Căn nhà của vợ chồng anh Pôn có diện tích 30 m2 với kinh phí xây dựng 50 triệu đồng do Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh kêu gọi Công ty TNHH một thành viên cao su Trung Nguyên (tỉnh Đak Lak) tài trợ. Ngoài ra, các ban ngành, đoàn thể địa phương đã hỗ trợ nhiều ngày công để xây dựng. Bà Siu H’Bhem-Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Le-cho hay: “Toàn xã có 145 người khuyết tật. Những năm qua, ngoài việc phối hợp với các tổ chức đoàn thể xây dựng nhà ở cho người khuyết tật thì xã cũng đã có nhiều chính sách quan tâm đặc biệt như: tặng quà, hỗ trợ xe lăn, phục hồi chức năng, tạo ngành nghề việc làm phù hợp…”.
Căn nhà của anh Kpăh Pôn (làng Kênh Hmek, xã Ia Le, huyện Chư Pưh) được các ngành chức năng hỗ trợ xây dựng. Ảnh: Trần Dung
Căn nhà của anh Kpăh Pôn (làng Kênh Hmek, xã Ia Le, huyện Chư Pưh) được các ngành chức năng hỗ trợ xây dựng. Ảnh: Trần Dung
Hiện nay, huyện Chư Pưh có 711 người khuyết tật, trong đó có 162 người khuyết tật nặng. Đa số người khuyết tật đều có hoàn cảnh khó khăn, chủ yếu sống dựa vào người thân và cộng đồng. Thời gian qua, các tổ chức, đoàn thể, cá nhân, nhà hảo tâm trên địa bàn đã hỗ trợ người khuyết tật vươn lên ổn định cuộc sống. Cùng với đó, huyện đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kêu gọi các tổ chức đoàn thể, các nguồn lực hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho người khuyết tật.
“Riêng trong năm 2021, huyện Chư Pưh đã hỗ trợ kinh phí xây nhà cho 2 gia đình có người khuyết tật từ nguồn xã hội hóa, mức hỗ trợ 50 triệu đồng/căn. Thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung huy động nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ người khuyết tật khó khăn về nhà ở, dự kiến số tiền hỗ trợ vẫn ở mức 50 triệu đồng/nhà”-ông Nguyễn Như Trường-Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện-cho biết.
Hy vọng rằng, với những nỗ lực của huyện Chư Pưh cùng sự quan tâm của toàn xã hội, người khuyết tật trên địa bàn huyện sẽ được ở trong những ngôi nhà ấm áp, giúp họ có thêm động lực vượt qua mặc cảm, vươn lên hòa nhập cộng đồng.
TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông: Hơn 3.500 hộ nông dân đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp

Chư Prông: Hơn 3.500 hộ nông dân đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp

(GLO)- Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện Chư Prông chú trọng, phát động thường xuyên. Đến nay, huyện có trên 3.500 hộ nông dân đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2024.

Mô hình gắn kết hộ: Thiết thực, nhân văn

Mô hình gắn kết hộ: Thiết thực, nhân văn

(GLO)- Năm 2006, Binh đoàn 15 bắt đầu triển khai thực hiện mô hình “gắn kết hộ” giữa hộ công nhân người Kinh và hộ công nhân người dân tộc thiểu số (DTTS). Đến nay, mô hình đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh trên địa bàn biên giới.
Kông Chro: Cộng đồng và hộ gia đình tích cực quản lý, bảo vệ rừng

Kông Chro: Cộng đồng và hộ gia đình tích cực quản lý, bảo vệ rừng

(GLO)- Thời gian qua, huyện Kông Chro đẩy mạnh giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình quản lý, bảo vệ. Nhờ đó, huyện từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân sống gần rừng, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số.