(GLO)- Trên thực tế, nạn bạo hành đã đẩy nhiều gia đình đến bên bờ vực của sự tan vỡ. Thế nhưng, cũng có không ít trường hợp lại giữ được mái ấm khi họ biết bỏ qua cái tôi, biết lắng nghe, chia sẻ, cùng nhau vượt qua những khó khăn để nuôi dạy con cái.
Vượt qua mặc cảm, khó khăn
Gia đình ông Ksor Hnglưt và bà Anglin đang sinh sống ở làng Brông (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah), thuộc diện hộ nghèo. Do mặc cảm bị cụt bàn tay trái, vợ lại đẹp nên ông Ksor Hnglưt rất hay ghen. Ông giải sầu bằng cách tìm đến rượu. Không chỉ suốt ngày say xỉn, lười làm mà ông Hnglưt còn thường xuyên thượng cẳng tay, hạ cẳng chân với vợ. Có những lúc nửa đêm mẹ con bà Anglin phải chạy sang hàng xóm lánh nạn bởi những trận đòn roi vô cớ của người chồng, người bố vũ phu.
Ảnh minh họa |
Khi biết chuyện, già làng, trưởng thôn và các hội, đoàn thể đến tìm hiểu, phân tích. Ngoài việc khuyên ông Hnglưt bỏ rượu, chính quyền địa phương còn hỗ trợ cho gia đình một con bò giống sinh sản để có sinh kế, phát triển kinh tế gia đình. Từ đó, ông Hnglưt dần dần bỏ được rượu, tự tay làm chuồng và hàng ngày chịu khó cắt cỏ, chăm sóc bò. Chẳng mấy chốc, từ một con bò giống, hiện giờ gia đình đã có thêm 2 con bê. Năm 2015, Quỹ “Vì người nghèo” hỗ trợ cho ông bà 50 triệu đồng để xây nhà “Đại đoàn kết”, gia đình góp thêm làm được căn nhà trị giá 80 triệu đồng. Ông Hnglưt chia sẻ: “Thấy vợ con vất vả, mình thương nên quyết tâm bỏ rượu để tập trung làm kinh tế, cho vợ con đỡ khổ”. Còn bà Anglin khi được hỏi bí quyết nào để kéo chồng ra khỏi ma men, bà chỉ mỉm cười: “Quan trọng là ý thức của chồng thôi. Mình đã khuyên chồng bỏ rượu miết nhưng ổng không nghe. Gia đình mình được hạnh phúc như bây giờ, mình biết ơn già làng, trưởng thôn, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nghĩa Hưng nhiều lắm!”.
Gia đình anh Trần Văn Quyền-chị Phan Thị Huệ (thôn 4, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah) lấy nhau đã 24 năm. Gia đình 2 bên đều nghèo khó, không ruộng đất, sống đắp đổi bằng nghề làm thợ xây, phụ hồ. Những lúc khó khăn, anh Quyền thường chán nản và lấy rượu làm bạn. Vợ cằn nhằn thì anh đánh đập. Từ năm 2012 đến nay, thấy vợ bị bệnh thấp khớp, con đầu thi đậu vào Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh phải lo chi phí học hành nhiều nên anh quyết định bỏ rượu, chăm chỉ làm ăn. Từ đó, dù bị bạn bè khích bác, anh Quyền chỉ nói một câu duy nhất: “Trước đây, uống hàng thùng rượu đủ rồi, giờ không uống nữa”. Hiện tại, thu nhập của 2 vợ chồng khoảng 10 triệu đồng/tháng, khá chật vật khi phải vừa lo cho con ăn học, vừa lo tiền điện nước, gạo mắm hàng ngày nhưng họ vẫn sống vui vẻ, thuận hòa. “Tôi nhận ra rằng, dù cuộc sống có vất vả thế nào nhưng nếu vợ chồng hòa thuận, yêu thương thì sẽ vượt qua được mọi khó khăn”-anh Quyền chia sẻ.
Kéo giảm bạo lực gia đình
Thời gian qua, công tác bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng kể. Hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu bình đẳng giới trên các lĩnh vực đều hoàn thành. Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền về công tác bình đẳng giới được nâng lên rõ rệt. Hơn nữa, Luật Phòng-chống bạo lực gia đình đã đi vào cuộc sống, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc xây dựng các mô hình và tổ chức những biện pháp phòng-chống bạo lực gia đình hiệu quả hơn. Đặc biệt, thời gian qua, thông qua hoạt động tuyên truyền, tư vấn, can thiệp, giáo dục, vận động của các câu lạc bộ như: “Gia đình hạnh phúc”, “Nói không với bạo lực gia đình”, mô hình “Can thiệp, phòng-chống bạo lực gia đình” được các hội, đoàn thể, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp thực hiện, số vụ bạo lực gia đình có chiều hướng giảm. Nếu 6 tháng đầu năm 2016 toàn tỉnh có 9 vụ bạo lực gia đình thì 6 tháng đầu năm 2017 chỉ có 6 vụ.
Bà Trần Thị Hoài Thanh-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, kiêm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh, cho biết: “Giảm thiểu bất bình đẳng giới trong gia đình là mục tiêu hướng tới “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc, tiến bộ”. 2 năm qua, cùng với cả nước, tỉnh ta đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, nhất là trong Tháng Hành động vì bình đẳng giới và phòng-chống bạo lực trên cơ sở giới (tháng 11-2017). Tất cả hệ thống chính trị đã nâng cao nhận thức, huy động sự tham gia vào cuộc một cách đồng bộ qua chủ đề xuyên suốt “Chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”. Đây được xem là sự khẳng định mạnh mẽ, từ đó phấn đấu để mọi phụ nữ và trẻ em gái sẽ không còn chịu bất kỳ hình thức phân biệt đối xử nào, không còn là nạn nhân của bất kỳ hình thức bạo lực nào nữa”.
Đinh Yến