Chong đèn dụ cá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dàn đèn cao áp bật sáng tạo nên quầng sáng rực rỡ quanh thân tàu trên biển đêm lộng gió. Lát sau, vô số cá, mực và cả rắn biển kéo đến vùng nước sáng cạnh thân tàu trông khá đẹp mắt.
Ngư dân kéo lưới trên biển đêm
Ngư dân kéo lưới trên biển đêm
Lướt sóng vươn khơi
Buổi chiều, bến cá Mỹ Á, xã Phổ Quang (H.Đức Phổ, Quảng Ngãi) tấp nập tàu thuyền. Tôi lên tàu cá QNg 98530 TS của ông Nguyễn Xết - Vạn trưởng vạn chài Hải Tân, xã Phổ Quang, để trải nghiệm chuyến vươn khơi đánh bắt hải sản trên biển. Chiếc tàu vỏ gỗ do ngư dân Nguyễn Thành Phúc (con trai ông Xết, làm thuyền trưởng) điều khiển lướt trên sóng nước đưa tôi cùng 11 ngư dân hướng ra cửa biển Mỹ Á.
Chiều dần vào tối, nước biển chuyển sang màu xanh sẫm, những cơn gió mát lành mơn man da thịt làm vơi đi mệt nhọc. Tàu buông neo dập dềnh trên sóng nước. Bữa cơm chiều dọn ra sàn tàu, mọi người quây quần đầm ấm trên biển chiều yên ả. Cơm xúc vào tô ăn với canh chua cá nhồng cùng chả cá nhồng chiên dai và ngọt lịm, ngon đến ngỡ ngàng.
Mua bán hải sản tại bến cá Mỹ Á
Mua bán hải sản tại bến cá Mỹ Á
Rực rỡ trên biển đêm
Trăng sáng vằng vặc, những cơn gió phiêu bồng và phóng đãng rượt đuổi nhau trên biển đêm. Thuyền trưởng Phúc bật công tắc điện, dàn đèn cao áp 16 bóng với công suất mỗi chiếc 1.000 W lắp đặt hai bên thân tàu bật sáng rực rỡ. Ánh đèn vàng dẫn dụ các loài hải sản tụ hội cạnh thân tàu trông khá đẹp mắt. Những con cá tung tăng bơi lượn rồi chợt lao vút lên cao và buông mình rơi trở lại làn nước xanh thẳm. Mực lượn lờ trong nước như muốn phô diễn những chiếc râu mềm mại và làn da lấp lánh tựa kim tuyến. Những con rắn biển dài ngoẵng uốn éo bơi lượn như vũ công.
Tôi cùng các ngư dân ngồi trên mạn tàu buông cần câu những con mực ống, mực lá nhấp nháy bơi lượn trong làn nước. Mồi là con tôm giả cỡ ngón tay trỏ đan bằng những sợi dây nhựa nhiều màu sắc gắn với lưỡi buộc vào sợi cước xỏ qua vòng tròn gắn trên đầu chiếc cần tre dài hơn 50 cm. Chỉ một cú gẩy cần nhẹ là 2 - 3 chú tôm giả gắn vào những lưỡi câu buộc đầu sợi cước bay đi khá xa rồi rơi tõm xuống nước. Sau đó, buông dần dây cước rồi gẩy cần nhè nhẹ để những con tôm giả đa sắc luôn chuyển động cuốn hút lũ mực bơi đến đớp mồi. Đến khi phát hiện đấy là mồi giả thì chúng đã bị kéo lên khỏi mặt nước.
Tàu cá của ngư dân đang kéo lưới trên biển ẢNH: TRANG THY
Tàu cá của ngư dân đang kéo lưới trên biển ẢNH: TRANG THY
Những lão ngư gần trọn đời lênh đênh trên sóng nước với chất giọng hào sảng kể chuyện buồn vui quanh việc chong đèn dụ cá nơi biển khơi. Sau năm 1975, nhiều người dân Phổ Quang đóng ghe mê (thuyền nhỏ, dưới đáy đan bằng nan tre lắp với ván gỗ hai bên thân), huy động bạn chài góp tiền mua lưới mưu sinh trên biển. Thuở ấy, họ dùng đèn măng sông thắp sáng bằng dầu hỏa trên trước mũi thuyền để dẫn dụ cá giữa đêm đen. Ánh sáng thu hút nhiều loài hải sản tìm đến lượn lờ bên thân thuyền, mang lại cho họ những mẻ lưới đầy khoang.
Cuộc sống dần được cải thiện, những ngư dân nơi đây đầu tư đóng tàu vỏ gỗ cùng dàn đèn điện công suất nhỏ để đêm đêm “chong đèn thắp sáng biển quê hương”. Giờ thì những chiếc tàu to với dàn đèn công suất lớn rực sáng trên biển khi đêm về. “Thuở trước, cá nhiều lắm! Chỉ chong đèn một lúc là cá kéo đến dày đặc, trên tàu nhìn xuống thấy cá lúc nhúc, nước không còn trong xanh mà chuyển sang màu bạc vì toàn cá là cá. Nhiều khi chỉ đánh lưới bên mé chứ không dám bao trọn cả đàn vì sợ cá kéo chìm thuyền hoặc bứt hư lưới. Bây giờ gắn dàn đèn cao áp nhưng cá ít rồi, không còn như lúc trước nữa vì ngư dân những nơi khác dùng thuốc nổ và lưới giã cào bắt cả cá nhỏ luôn...”, lão ngư Nguyễn Xết tâm sự.
Thuyền trưởng Phúc chăm chú quan sát màn hình máy tầm ngư rồi ra hiệu chuẩn bị buông lưới. Ngư dân Nguyễn Son bước xuống chiếc thúng chai đã thả xuống mặt nước rồi kéo theo chiếc đèn điện gắn vào phao rời khỏi mạn tàu. Dàn đèn cao áp phụt tắt, con tàu chồm lên như chiến mã rồi lướt trên sóng nước vẽ thành vòng tròn trên biển. Những ngư dân đi bạn vội buông lưới khép kín đàn cá đang tung tăng bơi theo chiếc đèn điện bập bềnh trên sóng.
Với sự giúp sức của máy kéo, những đôi tay rắn chắc thoăn thoắt thu lưới qua chiếc ròng rọc đặt trên sàn tàu, lưng áo ướt đẫm mồ hôi giữa gió lạnh biển đêm. Họ thao tác khá nhanh gọn và nhịp nhàng như được lập trình sẵn. Chiếc tàu nghiêng hẳn về bên trái vì sức nặng của giàn lưới vây rút khá lớn. Khi vòng vây dần thu hẹp, lũ cá hoảng loạn tìm cách thoát ra ngoài. Ngư dân dùng chiếc vợt khá lớn xúc cá đổ tràn trên sàn tàu. Cá nhồng, cá trích… lấp lánh vảy bạc giãy đành đạch, cá hố giương vây lưng... Những con mực lá, mực cơm ngoe nguẩy xúc tua. Ngư dân nhanh chóng phân loại rồi cho vào ướp đá để hải sản còn tươi khi trở về đất liền.
Ấm lòng ngư dân
Biển đêm thăm thẳm. Chiếc tàu cá lắc lư trên sóng nước thật nhỏ bé và mỏng manh giữa đại dương bao la. Xa xa, đèn điện trên hàng trăm tàu cá nhấp nháy tựa khung cảnh phố thị về đêm. Dẫu biết rằng khoảng cách khá xa nhưng cảm giác chỉ hơn tầm với. Chợt thấy lòng ấm áp, không còn cảm giác lẻ loi giữa muôn trùng sóng nước.
Ánh đèn vàng trong đêm thắp lên niềm hy vọng bình yên và sự no đủ cho những mảnh đời nhọc nhằn mưu sinh trên biển cả. Đấy còn là minh chứng chủ quyền của Tổ quốc trên Biển Đông, nơi những người con đất Việt can trường vượt sóng cả. Họ gắn kết với nhau qua máy thông tin liên lạc, thông báo cho nhau hướng di chuyển của đàn cá, thông tin dự báo thời tiết… và chia sẻ những chuyện buồn vui trong đời.
“Nhìn thấy ánh đèn điện phía xa giữa đêm tối mịt mù khiến lòng chúng tôi vững tâm hơn. Bởi vì, chúng tôi biết rằng ở nơi đó có bà con ngư dân của mình cũng đang đánh bắt. Gặp lúc trời giông gió phải cho tàu chạy vào bờ nhưng nếu thấy được ánh đèn pha của những chiếc tàu khác cũng an lòng hơn...”, lão ngư Nguyễn Lý (bạn chài trên tàu cá của ông Xết) bộc bạch.
Sau những lần buông - kéo lưới, lưng áo của ngư dân đẫm mồ hôi trên biển đêm giá lạnh. Phía chân trời hiện lên vầng sáng màu hồng. Bạn chài vội thu gọn lưới và ngư cụ, thuyền trưởng Phúc tắt dàn đèn cao áp, chỉ để lại những ngọn đèn pha với ánh sáng lấp lóa trên mặt biển. Tàu quay mũi vào đến bờ khi nắng mai ngập tràn bến cá Mỹ Á. Trên bến - dưới thuyền rộn ràng tiếng nói cười, cảnh ngã giá bán - mua nhộn nhịp tiếp diễn như bao ngày.

Phổ Quang hiện có 202 tàu cá với tổng công suất hơn 90.000 CV cùng gần 1.900 ngư dân đánh bắt trên biển. Sản lượng hải sản khai thác hằng năm trên 12.000 tấn, doanh thu khoảng 360 tỉ đồng. “Nghề lưới vây rút với việc chong đèn dẫn dụ cá rồi bủa lưới đánh bắt được bà con ngư dân xem là nghề truyền thống. Nghề này vừa khai thác vừa bảo vệ nguồn lợi thủy sản chứ không đánh bắt theo kiểu hủy diệt như giã cào hay dùng thuốc nổ. Hiện có hơn 100 tàu cá của ngư dân trong xã đang hành nghề vây rút trên các vùng biển cả nước”, ông Huỳnh Xuân Bình, Phó chủ tịch UBND xã Phổ Quang, cho biết

Trang Thy (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.