Kênh Chợ Gạo-yết hầu miền Tây và bức ảnh 140 năm trước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Kênh Chợ Gạo được người Pháp cho đào thủ công cách đây hơn 140 năm, chỉ sau một thời gian ngắn chiếm đóng Nam kỳ, nhằm nối sông Tiền và sông Vàm Cỏ, tạo tuyến đường thủy từ Sài Gòn đi miền Tây Nam Bộ ngắn nhất.

Mỗi ngày có hơn 1.000 chiếc sà lan chở gạo, phân bón, vật liệu xây dựng… qua kênh Chợ Gạo để đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và ngược về Sài Gòn.

Đầu tháng 4-2018, tôi theo chiếc sà lan biển số LA-070... chở hơn 500m3 đá của thuyền trưởng Liễn (40 tuổi, quê ở huyện Cần Giuộc, Long An) đi từ Đồng Nai về Vĩnh Long.

Khi sà lan từ ngã ba sông Vàm Cỏ (tỉnh Long An) rẽ vào rạch Tràm, Liễn nói: "Tuyến kênh Chợ Gạo bắt đầu từ vị trí này. Đi thêm 28,5km nữa mới hết tuyến và ra sông Tiền tại TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang".

 

Tuyến kênh Chợ Gạo do W.E. Garrett chụp từ trên cao vào năm 1969.
Tuyến kênh Chợ Gạo do W.E. Garrett chụp từ trên cao vào năm 1969.

Pháp đào kênh năm nào?

Kênh Chợ Gạo được người Pháp cho đào thủ công cách đây hơn 140 năm, chỉ sau một thời gian ngắn chiếm đóng Nam kỳ. Mục đích của họ là nối sông Tiền và sông Vàm Cỏ tạo ra tuyến đường thủy từ Sài Gòn đi miền Tây Nam Bộ ngắn nhất.

Trước khi có kênh Chợ Gạo, ghe thuyền đi từ miền Tây về Sài Gòn và ngược lại như thế nào?

Sách Gia Định thành thông chí ghi: "Ghe thuyền từ Bến Nghé xuống miền Tây phải theo rạch Ông Lớn xuống hạ lưu sông Rạch Cát rồi qua sông Phước Lộc (tức sông Cần Giuộc) và sông Vàm Cỏ để tới sông Tra.

Sau đó tiếp tục men theo rạch Kỳ Hôn để vòng ra sông Tiền thẳng tiến về miền Tây. Tuy nhiên đoạn rạch Kỳ Hôn bị cong, thường bị cạn lấp và có chỗ giáp nước nên tàu bè đi lại rất khó khăn".

Cũng có tuyến đi theo sông Tiền đến Cửa Tiểu rồi ra biển Gò Công (địa phận Tiền Giang). Sau đó men theo bờ biển tới sông Soài Rạp rồi theo sông Soài Rạp về Sài Gòn. Tuy nhiên tuyến này rất xa và nguy hiểm bởi đa số tàu thuyền chỉ đi đường sông chứ không ra biển được.

Đó cũng là lý do Pháp cho đào kênh Chợ Gạo để đi tắt từ Mỹ Tho qua sông Vàm Cỏ, sau đó theo kênh Nước Mặn để ra sông Soài Rạp đi Sài Gòn và miền Đông.

Tài liệu của nhà văn Sơn Nam ghi lại sau khi xâm lược nước ta, thực dân Pháp đã tăng cường vơ vét lúa gạo để xuất khẩu. Vùng Chợ Gạo và đồng bằng sông Cửu Long là những vựa lúa lớn, nhưng việc vận chuyển lúa gạo về Chợ Lớn để xay xát, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.

Chính vì vậy thống đốc Nam Kỳ lúc đó là Canal Duperré đã cho đào kênh nhằm mục đích chính là vận chuyển lúa về Chợ Lớn được thuận lợi, nhanh chóng hơn; đồng thời để phục vụ quân sự. Cũng vì vậy mà thuở ban đầu tên của viên thống đốc được dùng để đặt cho con kênh này.

Cũng theo nhà văn Sơn Nam, kênh này được đào rộng 30m, dài 12km. Có khoảng 11.000 người dân Việt được huy động đào kênh này trong hai tháng. Khối lượng đất được đào vào khoảng 900.000m3 với 676.000 ngày công.

Công trình khánh thành ngày 10-7-1877. Nhờ có kênh Chợ Gạo, lúa gạo đến Chợ Lớn với giá thành thấp hơn trước.

Hiện nay tư liệu, tài liệu nói về sự kiện đào kênh Chợ Gạo rất ít và cũng không thống nhất. Nhà văn Sơn Nam cho rằng kênh này được đào năm 1877. TS sử học Nguyễn Phúc Nghiệp (Trường ĐH Tiền Giang) thì nói đào năm 1875.

Một vài bài báo cũ đăng kèm theo bức ảnh đen trắng chụp cảnh đào kênh ghi chú thích năm 1875.

Trong khi đó tài liệu nghiên cứu của Lê Công Lý đăng trên Tạp chí nghiên cứu phát triển số 3, năm 2010 cho biết bức ảnh nói trên được lưu giữ tại thư viện Bộ Ngoại giao Pháp có ký số A000760 được chụp năm 1876.

Kỹ sư Nguyễn Xuân Thắng (chuyên nghiên cứu ảnh tư liệu, không ảnh về VN) chuyển cho tôi ảnh đào kênh Chợ Gạo cũng được ghi chú thích năm 1876.

Các bức ảnh đều thể hiện việc đào kênh hoàn toàn bằng thủ công. Từng nhóm người đứng thành hàng dài để chuyền đất từ lòng kênh lên hai bên bờ.

Khả năng đào con kênh rộng 30m và dài tới 12km chỉ trong hai tháng và khánh thành luôn vào năm 1877 như nhà văn Sơn Nam nói rất khó xảy ra.

Những tài liệu nói đào kênh năm 1875 cũng không đáng tin cậy bởi lẽ suốt năm tháng đầu năm đó chính quyền Pháp ở tỉnh Định Tường (nay là Tiền Giang) phải tập trung đối phó với cuộc khởi nghĩa của Thủ Khoa Huân ngay tại Chợ Gạo.

Cuối cùng, hình ảnh đào kênh ghi năm 1876 đáng tin cậy hơn vì có đầy đủ thông tin nguồn lưu trữ, ký số và tình hình chính trị - xã hội tại địa phương thời điểm đó.

 

Bức ảnh tư liệu chụp cảnh đào kênh Chợ Gạo.
Bức ảnh tư liệu chụp cảnh đào kênh Chợ Gạo.

Chuyện về "bắc Chợ Gạo"

Từ khi có kênh Chợ Gạo, tàu thuyền đi lại giữa Chợ Lớn và miền Tây tăng nhanh. Khoảng đầu thập niên 1900, Công ty Messageries Fluviales (Pháp) đã đưa tàu khách vào hoạt động trên tuyến kênh này.

Năm 1902 chính quyền Pháp lập một đồn kiểm soát ở đầu kênh giáp với rạch Kỳ Hôn và mở tuyến phà đưa khách qua kênh gọi là "bắc Chợ Gạo".

Chúng tôi tìm được một số hình ảnh tư liệu do Lancer & Cromwell chụp cảnh bắc Chợ Gạo đang hoạt động vào năm 1969.

Cũng giống như thời Pháp, bắc Chợ Gạo lúc này là một chiếc phà nhỏ không có động cơ, có lẽ do kênh quá hẹp. Người ta xây dựng trụ sắt hai bên bờ rồi căng dây cáp nối hai trụ với nhau.

Công nhân dùng tay kéo dây cáp để tạo lực kéo chiếc phà qua lại. Trước năm 1975, chính quyền Sài Gòn xây dựng tuyến đường nối Sài Gòn - Mỹ Tho - Gò Công.

Để đi từ Mỹ Tho đến Gò Công thì buộc phải qua bắc Chợ Gạo. Lượng xe đò chở khách, xe tải chở hàng qua phà mỗi ngày rất nhiều. Phà nhỏ nên mỗi chuyến chỉ chở được khoảng hai chiếc xe đò hoặc 4-5 chiếc xe lam và một số xe đạp cùng khách bộ hành.

Năm 1972, sau một vụ lật phà chết người, chính quyền Sài Gòn xây dựng cầu qua kênh Chợ Gạo, cách bến phà chừng 300m. Bắc Chợ Gạo bị xóa sổ ngay sau khi cầu Chợ Gạo hoàn thành.

 

Vì sao có tên Chợ Gạo?
Tàu bè nườm nượp trên kênh Chợ Gạo tháng 4-2018.
Tàu bè nườm nượp trên kênh Chợ Gạo tháng 4-2018.
Chợ Gạo là một ngôi chợ nhỏ ở thôn Bình Phan, nằm cạnh một nhánh sông, là trung tâm mua bán gạo cuối thế kỷ 18. Năm 1912 Pháp thành lập quận Chợ Gạo thuộc tỉnh Mỹ Tho, chính thức xác lập địa danh Chợ Gạo cho đến bây giờ.

Toàn tuyến kênh Chợ Gạo dài 28,5km, đi qua 17 xã và thị trấn của huyện Châu Thành (Long An) và thị xã Gò Công, huyện Gò Công Tây, TP Mỹ Tho (Tiền Giang).

Ở phía thượng lưu, kênh bắt đầu tại ngã ba Đèn Đỏ (sông Vàm Cỏ) - rạch Tràm - kênh Chợ Gạo - rạch Kỳ Hôn - sông Tiền. Riêng kênh Chợ Gạo mà Pháp cho đào hơn 140 năm trước chỉ dài 11,5km.

Vân Trường/tuoitre

Có thể bạn quan tâm

Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.