Mưu sinh bằng nghề nhặt phân bò

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hai bên vệ đường, hay dưới ruộng đồng những dáng người đang lom khom đang lần mò tìm phân bò nhặt cho đầy gùi, bao. Những em nhỏ đầu trần chân đất lầm lũi tìm mót sắn, khoai, ngô,… còn sót lại trên nương, rẫy. Công việc này đã trở thành nghề kiếm sống của bà con, trẻ nhỏ nơi đây.

Nhặt phân bò kiếm sống

 

Bà H'Phia nhặt phân bò ở ruộng. Ảnh: Dạ Yến Thảo
Bà H'Phia nhặt phân bò ở ruộng. Ảnh: Dạ Yến Thảo

Nếu có dịp đến các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đak Lak ta sẽ được chứng kiến từ các ngả đường đoàn người quần áo kín mít, mang gùi và bao tải trên vai bắt đầu hành trình cuộc kiếm cơm cho mình. Không lập thành một nhóm, tổ đội mà mạnh ai nấy nhặt cốt để bán kiếm ít tiền trang trải cuộc sống. Giữa cánh đồng hoang vắng, bà H’Phia (59 tuổi) xã Yang Reh, huyện Krông Bông đeo gùi trên vai, dáng người xiêu vẹo đảo mắt nhìn xung quanh, thỉnh thoảng cúi quặp người nhặt nhanh những đống phân bò còn hơi ẩm, hay những mẫu phân nhỏ đã khô khốc. Bà chia sẻ: “Ruộng thì ít, làm không đủ sống, nên phải kiếm thêm việc để làm không thì chết đói mất. Trước đây ra đồng một buổi nhặt được 2-3 bao. Giờ họ chăn bò xa trên các đồi núi cao, thân già như tôi không đủ sức leo nên tìm nhặt ở đồng ruộng. Mỗi ngày chăm chỉ cũng nhặt đầy bao, bán được 35 ngàn đồng-40 ngàn đồng. Cả làng tôi vào mùa khô mọi người đều đi nhặt phân bò.

Buổi trưa nắng thiêu đốt, trên trục đường quốc lộ chúng tôi gặp hai mẹ con gùi trên lưng lỉnh kỉnh bao bì, tay xách chai lọ đang cố rảo bước thật nhanh. Bà H’Huế (35 tuổi, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn), cho biết: gia đình nghèo khó, có 3 sào ruộng. Phân bò tiêu thụ được nên chỉ cần đem “hàng” đến là được chủ đại lý đưa tiền ngay. Thời gian rảnh tôi cùng con gái 6 tuổi đi dọc đường, leo lên các triền đồi theo dấu chân bò nhặt phân về bán, hôm nhiều được 2 bao, có tiền cải thiện bữa ăn.

Trời về chiều, ánh nắng vẫn còn chói chang, trên hòn đá nhô lên giữa triền đồi dáng một cụ già gầy gò thấp bé đang tỉ mỉ lấy phân trong bao ra phơi. Mùi ngai ngái phân bò xộc thẳng lên mũi, bà H’Doan (60 tuổi, xã Yang Reh, huyện Krông Bông) tay đảo phân cười tươi: Hôm nay nhặt được gần bao, phân bò còn ẩm thường phơi 2 nắng là đem bán. Từng này cũng được 30 ngàn chứ có ít đâu. Nghề này tuy vất vả nhưng mà có đồng ra đồng vào”.

Trên con đường gồ ghề chúng tôi đi, chẳng cần biển hiệu, chỉ cần một bãi đất trống rộng để phơi phân và không ảnh hưởng vệ sinh đến hàng xóm là có thể trở thành đại lý thu mua phân. Chị Phan Thị Hoa (huyện Krông Bông) người đã hơn 5 năm làm đại lý phân bò, cho biết: “Năm nay phân được giá nhất, hơn 35 ngàn đồng 1 bao tầm 10-15 kg, trước kia chỉ được khoảng 20 ngàn đồng. Vậy nên bà con ở đây mưu sinh bằng nghề nhặt phân bò, kể ra cũng có tiền. Chỉ tội các em nhỏ trời nắng mà lăn lội ngoài đường lượm phân bán để phụ gia đình.

Con đường đất lổm ngổm ổ voi, ổ gà vào xã Ia Lơi (huyện Ea Súp) bụi tung mù, đàn bò của gia đình Ông Hoàng Văn Nhâm (xã Ia Lơi) giăng kín con đường, ông cho biết: Trước đây, đàn bò 30 con này, có ngày bán 25 khối phân (1 khối 700 ngàn đồng). Từ khi có nhiều người mua phân bò về bón lót cho cây cà phê, giá phân lên, số người lượm phân cũng tăng. Hễ nơi đâu có trâu bò thả rong là nơi đó có người đến lượm. Gò bãi trở nên sạch sẽ.

Tuổi thơ trên những cánh đồng


 

Mẹ con chị H’Huế đưa phân bò đi bán. Ảnh: Dạ Yến Thảo
Mẹ con chị H’Huế đưa phân bò đi bán. Ảnh: Dạ Yến Thảo

Trong buổi trưa nắng cháy chúng tôi theo chân ông Hoàng Chứ Páo-Trưởng buôn H’Mông, xã Ea Kiết, huyện Cư Mgar rảo khắp buôn, ông cho biết: “Buôn có 104 hộ thì có tới 46 hộ thuộc diện hộ nghèo, đông con, thiếu đất sản xuất nên nhiều em không được đi học”. Dưới cây cổ thụ giữa đồi những đứa trẻ vùng sơn cước đen nhẻm mới chỉ học từ lớp 3, 4, đang cười nói. Gương mặt đẫm mồ hôi, dáng lỏng khỏng, em Y Sin Kdoh (sinh năm 2005 ) kéo lê một bao tải thở dốc: “Ngày thường mẹ em đi cuốc ruộng, nhổ cỏ mì thuê cho người ta. Em buổi đi học, buổi cùng các bạn trong thôn đi lên nương rẫy mót phân bò, khoai, lạc… thấy gì lượm nấy về bán kiếm tiền. Được như em còn may chán, nhiều đứa còn phải nghỉ học giữa chừng để lượm rác, nhặt phân bò…”.

Đây có lẽ là công việc quen thuộc của những em nhỏ ở các xã vùng sâu của tỉnh Đak Lak. Em H’Hiên, 12 tuổi (xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột): Được nghỉ học là em và các bạn lặn lội trên những cánh đồng, hay lên rừng, vào rẫy để nhặt phân. Hơn 2 ngày thu lượm và phơi nắng, lại có 1 bao phân khô đem bán. Làm miết rồi cũng quen, gần như cả thôn em, các bạn đều đi nhặt phân trâu bò. Cầm những đồng tiền do mồ hôi công sức mình làm ra em thấy được sự ý nghĩa lớn lao và quý trọng, thấu hiểu khó khăn của bố mẹ.

Khi trời vừa đứng bóng, em Chảo Mùi Diếc (sinh năm 2005 trú thôn 13, xã Cư Kbang, huyện Ea Súp) lom khom vác bao tải phân bò, tay dắt đứa em nhỏ kịp lần về căn nhà nứa xiêu vẹo. Giơ tà áo quệt vội gương mặt đẫm mồ hôi lem nhem đất, thở dốc: “Bây giờ nhiều người nhặt phân bò, mà bò thì ít nên phân cũng ít. Gom lại nhiều ngày được 1 bao rồi em bán luôn. Đi nhặt phân bò mệt nhọc lắm nhưng mỗi ngày kiếm được 5-10 ngàn đồng, có cái ăn vào bụng đỡ đói, còn hơn là ở nhà…”.

Thầy Vũ Thắng, giáo viên Tổng phụ trách Đội Trưởng Tiểu học Lê Hồng Phong (xã Cư Kbang) chia sẻ: Gia đình các em học sinh ở đây có hoàn cảnh rất khó khăn, nhiều em phải đến nhà vận động mãi bố mẹ mới cho đến trường. Thời gian rảnh các em đi làm phụ giúp gia đình, công việc nương rẫy hay đi làm thuê, mót lượm những gì sót lại trên rẫy bán kiếm tiền.

Những bản làng chúng tôi qua, trong thời tiết nóng như rang, hay mưa tầm tã những bàn chân nhỏ cứ lầm lũi giữa vòng xoáy mưu sinh kiếm tiền phụ gia đình. Có những em do hoàn cảnh khó khăn phải bỏ học giữa chừng để lao động kiếm sống. Những ánh mắt cháy bỏng nỗi khát khao được mang cặp tới trường. Và trên hết, thấp thoáng đâu đó là sự thờ ơ đến vô cảm của nhiều bậc cha mẹ.

Chị Hoàng Thị Châm-cán bộ dân số xã Cư Kbang, huyện Ea Súp chia sẻ: xã có trên 2.000 hộ dân, 98% là đồng bào dân tộc thiểu số. Trước đây, bà con chỉ sử dụng phân chuồng để bón ruộng. Còn phân rơi vãi ngoài đường để tự nhiên phân hủy. Giờ chất thải có giá nên bà con tự phát đi nhặt có thêm thu nhập. Với nhiều người, lượm phân bò đã trở “nghề”, họ nói rằng đây là một nghề có ích cho cộng đồng, kiếm ra tiền và cũng là một nghề lương thiện và góp phần làm sạch môi trường.

Dạ Yến Thảo

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

Cánh đồng Mường Thanh được dòng sông Nậm Rốm tưới tắm bồi đắp hàng nghìn năm. Nhưng cánh đồng Mường Thanh thực sự gieo trồng có hiệu quả tăng đột biến là nhờ vào Đại công trình thủy nông Nậm Rốm. Đó là công trình hình thành từ bàn tay, khối óc của lớp thanh niên xung phong (TNXP) hơn 60 năm trước.
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

Đứng ở Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Đồi D1, phóng tầm mắt về phía tây là một màu xanh trải dài bất tận của cánh đồng Mường Thanh. Từ trận địa đầy bom đạn, hầm hào, Mường Thanh trở thành vựa lúa lớn nhất Điện Biên, tạo ra những hạt gạo vang danh cả nước…
Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.