Kỳ 2: Nghĩa nặng tình sâu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để hỗ trợ xây mới, sửa chữa 1.248 căn nhà cho gia đình chính sách, người có công còn khó khăn trên địa bàn, thời gian qua, tỉnh đã vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và cộng đồng xã hội chung tay góp sức như một cách đền ơn đáp nghĩa thiết thực nhất.

Sự chung tay của doanh nghiệp

Gần 30 tỷ đồng là số tiền mà 14 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đóng góp để hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho gia đình chính sách, người có công còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây. Ông Phan Tiến Thu-Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (Agribank)-Chi nhánh Đông Gia Lai, chia sẻ: Agribank luôn coi công tác đền ơn đáp nghĩa là một trách nhiệm. Vì thế, năm 2016, đơn vị đã ủng hộ trên 5,2 tỷ đồng để xây mới 103 căn nhà cho gia đình người có công còn khó khăn về nhà ở tại các huyện: Phú Thiện, Mang Yang, Đak Đoa, Ia Grai, Kbang, Kông Chro và thị xã An Khê. Ngoài ra, Agribank Đông Gia Lai còn hỗ trợ sửa chữa 3 căn nhà cho các gia đình chính sách ở huyện Đak Pơ. Bên cạnh đó, Agribank còn thực hiện rất nhiều việc làm an sinh khác như: xây nhà cho hộ nghèo; thăm, tặng quà các gia đình chính sách nhân dịp lễ, Tết. Tính riêng từ năm 2012 đến nay, Agribank đã thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh hơn 11,8 tỷ đồng.

 
  Agribank-Chi nhánh Đông Gia Lai trao nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách. Ảnh. Đ.Y
Agribank-Chi nhánh Đông Gia Lai trao nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách. Ảnh. Đ.Y

Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam cũng là đơn vị có nhiều việc làm thiết thực để tri ân những người có công với nước. Dịp này, đơn vị đã hỗ trợ 5 tỷ đồng để xây mới 100 căn nhà cho người có công tại các huyện: Chư Sê, Mang Yang, Đak Pơ, Đức Cơ và thị xã Ayun Pa. “Song song với đẩy mạnh kinh doanh thì công tác đền ơn đáp nghĩa là một trong những mục tiêu quan trọng mà đơn vị đề ra trong suốt quá trình hoạt  động. Đơn vị coi việc làm trên là dịp để tri ân những người có công với nước”-ông Trương Anh Tuấn-Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam-Chi nhánh Gia Lai, bày tỏ.

Chương trình hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho người có công cũng được Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên phát động đến toàn thể cán bộ, công nhân, người lao động. Theo đó, đơn vị đã ủng hộ 2,5 tỷ đồng để xây mới 50 căn nhà (50 triệu đồng/căn) tại các huyện: Chư Pưh, Chư Pah, Chư Sê và thị xã An Khê. Trao đổi với P.V, ông Bùi Nghĩa Thảo-Phó Giám đốc Công ty, cho biết: “Đây là hành động thể hiện trách nhiệm, tình cảm của đơn vị trước những hy sinh, mất mát của thế hệ đi trước. Ngoài ra, đơn vị cũng nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng Siu HBép ở huyện Chư Sê”.

 Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển Miền núi cũng trích từ quỹ an sinh xã hội của đơn vị đóng góp 1 tỷ đồng để hỗ trợ xây mới 20 căn nhà cho các gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh. Bà Nguyễn Thị Sen-Giám đốc Công ty, chia sẻ: “Với tấm lòng tri ân, đơn vị đã đóng góp một phần kinh phí hỗ trợ các gia đình có công với cách mạng. Hy vọng việc làm của đơn vị sẽ giúp người có công có thêm điều kiện ổn định cuộc sống”. Còn ông Phạm Anh Hùng-Tổng Giám đốc Tập đoàn Đức Long Gia Lai, thì cho biết: “Thực hiện chủ trương của tỉnh, Tập đoàn cũng hỗ trợ 1 tỷ đồng để xây mới, sửa chữa nhà ở cho người có công”.

Ngoài ra, còn nhiều doanh nghiệp khác cũng đóng góp từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng cho chương trình ý nghĩa này như: Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Công ty TNHH một thành viên Trang Đức, Công ty TNHH một thành viên Công Thắng, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, Công ty Kinh doanh Hàng xuất khẩu Quang Đức, Công ty cổ phần Bê tông Chiến Thắng…

Trách nhiệm với người có công

Ông Nguyễn Thành Huế-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, cho biết: Sở tiếp nhập đóng góp của các doanh nghiệp được gần 30 tỷ đồng, phân bổ 27,75 tỷ đồng xây mới 555 căn nhà (50 triệu đồng/căn), 1,1 tỷ đồng sửa chữa 55 căn nhà (20 triệu đồng/căn). Để có đủ kinh phí hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho người có công, ngoài sự đóng góp của các doanh nghiệp, nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã có những việc làm thiết thực chung tay hỗ trợ nhà ở cho người có công.

Theo đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tham mưu với tỉnh xuất 3 tỷ đồng từ nguồn Quỹ “An sinh xã hội” để hỗ trợ sửa chữa 150 căn nhà cho gia đình chính sách, người có công. Cùng với đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thị xã, thành phố còn chủ động, linh hoạt hỗ trợ thêm cho các gia đình chính sách về vật chất, ngày công để những hộ thuộc diện sửa chữa nhà có thêm điều kiện tu sửa. “Để mỗi đơn vị, cá nhân có trách nhiệm với người có công còn khó khăn về nhà ở, chúng tôi đã phát động phong trào thi đua, qua đó khơi dậy lòng biết ơn đối với những người đã không tiếc máu xương hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc”-ông Nguyễn Thành Nuôi-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, nhấn mạnh.

Thời gian qua, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh cũng đã tích cực kêu gọi các doanh nghiệp chung tay xây dựng nhà ở cho người có công. Trao đổi về vấn đề này, ông Dương Dã-Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh, cho biết: “Tính riêng từ năm 2015 đến nay, Đảng bộ khối đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa 40 căn nhà cho người có công trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng”.

Thực hiện chủ trương của tỉnh về xóa nhà tạm cho các gia đình chính sách, từ đầu năm 2017, các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã có nhiều cách làm hay nhằm kêu gọi sự chung tay của cả cộng đồng. Huyện Đak Đoa phát động phong trào “Chung tay sửa chữa nhà ở cho người có công”. Chỉ trong một thời gian ngắn, tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhân dân trên địa bàn huyện tham gia đóng góp trên 300 triệu đồng. Từ số tiền này, huyện đã hỗ trợ sửa chữa 14 căn nhà. Các huyện: Ia Pa, Chư Sê, thị xã An Khê phát động phong trào ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” để sửa chữa nhà ở cho người có công.

Việc làm nghĩa tình này còn lan tỏa đến cả dòng họ, khu dân cư nơi gia đình người có công đang sinh sống. Khi biết gia đình người có công được tỉnh hỗ trợ làm nhà, dòng họ và những người sống bên cạnh thấy rằng mình cũng phải có trách nhiệm nên đã góp công sức, tiền bạc hỗ trợ người có công, giúp họ có thêm điều kiện làm nhà. Xúc động trước việc làm ấy, bệnh binh Triệu Văn Thật (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện) chia sẻ: “Tôi được tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng để xây lại căn nhà. Anh em dòng họ hỗ trợ thêm, bà con làng xóm giúp ngày công, nhờ thế, căn nhà của tôi được xây mới khang trang với số tiền là 222 triệu đồng. Đây là căn nhà mà cả đời tôi mơ ước”.

…Mỗi căn nhà được hỗ trợ xây mới, sửa chữa là tình cảm tri ân của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cộng đồng xã hội. Việc làm ấy là trách nhiệm, là nghĩa cử cao đẹp của thế hệ hôm nay với những người đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.

 Đinh Yến-Phương Linh

Có thể bạn quan tâm

Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.