Trần Văn Công-Đam mê giống cây trồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tại lễ ra mắt Câu lạc bộ Khởi nghiệp nông nghiệp Gia Lai vào đầu tháng 4-2018 vừa qua, trong số các gian hàng trưng bày có một nơi thu hút khá đông người tham quan, đó là khu vực trưng bày các loại giống cây trồng mới của anh Trần Văn Công (SN 1993)-chủ vườn ươm cây giống Thành Công ở xã Ia Rong, huyện Chư Pưh.

Tranh thủ giờ giải lao, tôi tìm gặp người chủ vườn ươm trẻ tuổi này. Qua trò chuyện được biết Trần Văn Công sinh ra tại tỉnh Nam Định. Khi Công chưa tròn 1 tuổi, gia đình anh chuyển vào huyện Chư Pưh lập nghiệp. Bố mẹ anh suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để nuôi con ăn học. Chính vì vậy, sau khi tốt nghiệp THPT, Công không đăng ký thi vào đại học mà chọn học nghề với hy vọng sẽ đỡ đần cho bố mẹ phần nào.

 

Anh Trần Văn Công.    Ảnh: H.Đ.T
Anh Trần Văn Công. Ảnh: H.Đ.T

Khởi nghiệp với... nấm      

Năm 2011, Công dành thời gian tìm hiểu về các mô hình phát triển kinh tế tại Gia Lai. Ngoài cây hồ tiêu và cà phê, Công bị thu hút bởi những mô hình trồng nấm mang lại hiệu quả kinh tế cao mà trên địa bàn huyện chưa ai thực hiện.

Vậy là Công lên mạng internet mày mò học cách làm nấm, tham quan tìm hiểu các mô hình trồng nấm trên địa bàn tỉnh, sau đó về bàn với gia đình để đầu tư mở trại nấm. Sau những thất bại ban đầu do thiếu kinh nghiệm, cuối cùng chàng trai trẻ cũng nở nụ cười hạnh phúc khi trại nấm của gia đình anh ngày càng phát triển và tạo được chỗ đứng trên thị trường. Công cho biết: Trồng nấm phải kiên trì và đam mê. Về nguyên liệu, nên chọn mùn cưa của cây cao su trộn với vôi, độ ẩm 60%-70%, lò hấp phải được khử trùng với nhiệt độ 100 độ C trong vòng 12 tiếng đồng hồ. Khu cấy mô phải đảm bảo đạt chuẩn với yêu cầu kín gió và có thiết bị để tiêu diệt bào tử nấm dại. Khu ủ tơ và nuôi trồng phải thông thoáng, nhiệt độ trong trại luôn giữ mức 25-30 độ C.    

Nắm bắt cơ hội và chuyển đổi  

Năm 2016, trên địa bàn huyện Chư Pưh xuất hiện nhiều cơ sở làm nấm nên đầu ra cho sản phẩm này gặp khó khăn. Nhận thấy bà con nông dân trên địa bàn đang chuyển hướng trồng cây ăn trái thay cho diện tích hồ tiêu chết hàng loạt, Công bật ra ý nghĩ: Tại sao mình không chuyển hướng kinh doanh?

Nghĩ là làm, anh tìm mua giống các loại cây trồng như: sầu riêng, mít Thái, bơ... về cung cấp cho bà con. Sau đó, anh dành thời gian đến các tỉnh Bến Tre, Đak Lak để học cách ươm, ghép các loại cây ăn trái. Với phương châm “Vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm”, anh chỉ ươm trồng với số lượng vừa phải. Anh cho biết: “Ban đầu, do thiếu kinh nghiệm về chọn đất, ươm giống và cách phòng-trị bệnh cho cây trồng nên tỷ lệ cây sống đạt thấp”. Không nản chí, với sức trẻ và quyết tâm của mình, anh tìm hiểu thêm kỹ thuật ươm trồng trên sách báo, internet và học hỏi từ nhiều vườn ươm cây giống trên địa bàn. Anh chia sẻ: “Tưởng rằng ươm cây giống là dễ nhưng khi làm mới thấy khó khăn. Để có giống tốt, không phải cứ xới đất lên bỏ hạt là xong mà tất cả đều có bí quyết. Tùy loại hạt giống, loại cây mà có cách làm đất khác nhau. Đối với những cây hạt to thì nơi ươm hạt sẽ có độ xốp dày hơn các loại hạt nhỏ hơn như cam, bưởi… Khi hạt vừa lên lá mầm xanh mơn mởn cũng là lúc sâu hại hoành hành nên phải chăm sóc kỹ lưỡng”. Thêm một kinh nghiệm khác mà anh đúc rút: Để cây giống phát triển tốt thì phải hạn chế phun thuốc hóa học và bón phân vô cơ. Ngược lại, khi sử dụng phân hữu cơ thì tỷ lệ ghép cây thành công đạt rất cao, khách hàng rất ưa chuộng.

 

Kinh nghiệm khởi nghiệp của TRẦN VĂN CÔNG:

* Kịp thời nắm bắt cơ hội
* Mạnh dạn trước những thử nghiệm mới
* Không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức về lĩnh vực mà mình khởi nghiệp.

Với những kinh nghiệm tích lũy được qua thực tế, dần dần cây giống do anh Công ươm đã phát triển rất tốt, khách hàng ngày càng đông. Từ một mảnh vườn nhỏ, đến nay vườn ươm của anh đã được mở rộng lên trên 2.000 m2 với nhiều loại cây giống như: sầu riêng, bơ, mít Thái... Bên cạnh đó, anh còn ươm các giống cây dược liệu như: đương quy, đinh lăng... Năm 2017, anh đã bán ra được 15.000 cây mít Thái; 10.000 cây sầu riêng, bơ; 50.000 cây cà phê và nhiều loại cây trồng khác. Vườn ươm của anh đã góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho 2-4 lao động, còn khi vào vụ chính thì có ngày cần đến 10 lao động. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, chàng trai 9X này lãi hơn 200 triệu đồng.

Đáng chú ý, hiện nay, anh Công đã ghép thành công giống sầu riêng Musang King. Giống này có nguồn gốc xuất xứ từ Malaysia với đặc tính nổi bật là múi có màu vàng đậm, rất mịn, hương thơm đặc trưng, không đắng như những giống sầu riêng khác, lại thích nghi với điều kiện khí hậu tại Việt Nam, nhất là các tỉnh Tây Nguyên. Chia sẻ với chúng tôi, anh cho rằng, khởi nghiệp trong nông nghiệp không phải là con đường dễ dàng. Vì vậy, mỗi bạn trẻ cần có tư duy sáng tạo và mạnh dạn thử nghiệm để tìm cho mình một hướng đi thích hợp.

Hà Đức Thành

Có thể bạn quan tâm

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

(GLO)- Với đàn chồn hương hơn 100 con, mỗi năm, trang trại của chị Thủy Thị Hồng Hậu (làng Bông Phun, xã Chư Á, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) thu về hàng trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí đầu tư.
Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

(GLO)- Những năm gần đây, nhiều học sinh cuối cấp đã lựa chọn hình thức chụp kỷ yếu với đa dạng concept (chủ đề) để lưu giữ kỷ niệm đẹp cùng thầy cô, bè bạn. Tháng 4 là thời điểm dịch vụ này bắt đầu “vào mùa”, các studio cũng bận rộn với lịch trình dày đặc.
Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

(GLO)- “Nếu Tin học là chỗ dựa cho phím đàn được thăng hoa thì âm nhạc lại giúp em xua tan đi những căng thẳng sau hàng giờ đắm chìm cùng ngôn ngữ lập trình”-em Nguyễn Đăng Khang (lớp 11C3A, Trường THPT chuyên Hùng Vương) chia sẻ.

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

(GLO)-

Dù ít tham gia các hội thi, nhưng nhiều công nhân ở Đội sản xuất số 6, Công ty 74, Binh đoàn 15 vẫn thường gọi anh Ksor Mác là "bàn tay vàng" trong đơn vị. Bởi anh không chỉ có kỹ thuật cao trong cạo mủ cao su mà hằng năm anh đều vượt kế hoạch được giao.

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

(GLO)- Là thợ lái máy nhưng Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Hùng (Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Công binh 7, Quân đoàn 3) đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng hiệu quả vào công việc của đơn vị và đạt thành tích cao tại các hội thi.