Đức cam kết viện trợ 350 triệu liều vaccine cho các nước nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Phát biểu trong ngày cuối cùng của hội nghị, Thủ tướng Đức Angela Merkel đề xuất các nước giàu cung cấp 2,3 tỷ liều vaccine cho các nước nghèo hơn để chống lại đại dịch COVID-19.

 Thủ tướng Angela Merkel. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Angela Merkel. (Ảnh: AFP/TTXVN)


Tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đang diễn ra tại Anh, các nhà lãnh đạo liên tục đưa ra những cam kết viện trợ vaccine cho các nước nghèo.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, phát biểu trong ngày cuối cùng của hội nghị (13/6), Thủ tướng Đức Angela Merkel đề xuất các nước giàu cung cấp 2,3 tỷ liều vaccine cho các nước nghèo hơn để chống lại đại dịch COVID-19 cho đến cuối năm 2022, trong đó Đức sẽ "đóng góp đáng kể" và "chịu trách nhiệm cung cấp 350 triệu liều."

Con số này bao gồm 30 triệu liều mà Đức đã đặt mua và sẽ chuyển giao cho các nước. Theo bà Merkel, lượng vaccine có thể sẽ tăng lên theo thời gian, trong đó phụ thuộc vào việc chuyển giao của các nhà sản xuất.

Bà cũng nhấn mạnh thực sự khó để đưa ra các cam kết cụ thể, bởi tình trạng không chắc chắn của các nhà sản xuất, chẳng hạn như vaccine của hãng Johnson & Johnson bị cắt giảm, điều cho thấy không phải tất cả lượng vaccine đã đặt mua đều sẽ được giao.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Đức khẳng định nếu nước này dư thừa, Đức sẽ chuyển giao số lượng vaccine đó. Cụ thể, trong quý IV, nếu lượng vaccine được chuyển cho Đức nhiều hơn nhu cầu tiêm trong nước, Đức sẽ chuyển cho các nước lượng dư này.

Phần lớn lượng vaccine đóng góp của Đức cho các nước nghèo được thực hiện thông qua Cơ chế chia sẻ vaccine do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng - COVAX, một chương trình mà Đức là nhà tài trợ lớn thứ hai.

COVAX sử dụng tiền để tài trợ cho việc sản xuất, thu mua và xây dựng các cơ sở sản xuất vaccine. Theo Thủ tướng Merkel, mục đích hướng tới là đảm bảo tất cả mọi người đều được tiếp cận với vaccine.

Trước đó, tại hội nghị G7, các nhà lãnh đạo đều nhất trí cho rằng chỉ có thể đánh bại đại dịch COVID-19 với quy mô toàn cầu khi vaccine được chia sẻ công bằng.

Thủ tướng Đức nhấn mạnh việc sản xuất vaccine sẽ không chỉ diễn ra như trước đây, chủ yếu ở châu Âu hoặc châu Á, mà còn cả ở châu Phi.

Anh trước đó cho rằng sẽ cần 1 tỷ liều vaccine được cung cấp cho các nước nghèo cho tới cuối năm tới. Tuy nhiên con số 2,3 tỷ liều vaccine mà Thủ tướng Merkel đề cập như trên khiến giới quan sát mơ hồ về việc phân phối lượng vaccine lớn như vậy.

Các tổ chức hỗ trợ phát triển gần đây đã kêu gọi các nước giàu "rõ ràng hơn" về các cam kết huy động vaccine cho các nước nghèo. Cho tới nay, chương trình chia sẻ COVAX mới chỉ cung cấp được 83 triệu liều vaccine cho 131 quốc gia, một phần do lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ cũng như do các nước giàu ban đầu đã mua phần lớn vaccine để sử dụng trong nước.

WHO cho rằng cần tiêm chủng cho 70% dân số thế giới vào năm tới. Trong nhiều tuần qua, WHO đã thúc giục các nước giàu nên chuyển bớt lượng vaccine hiện cho cho các nước nghèo thay vì tiêm vaccine cho những người trẻ khỏe mạnh, qua đó ít nhất các nhân viên y tá và những người dễ bị tổn thương nhất có thể được tiêm vaccine ở các nước nghèo hơn.

Cũng tại hội nghị G7, Thủ tướng Merkel đánh giá cao vai trò của Tổng thống Mỹ, cho rằng ông Joe Biden đã mang "một động lực mới" cho hội nghị tại Anh trong 3 ngày qua.

Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Merkel nói: "Không phải thế giới sẽ không có bất kỳ vấn đề gì nữa khi ông Joe Biden được bầu làm Tổng thống Mỹ.

Nhưng chúng tôi có thể hợp tác tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề đó với một động lực mới. Và tôi nghĩ thật tốt khi chúng tôi đã đoàn kết hơn tại hội nghị G7 lần này."

Bên cạnh đó, bà Merkel hy vọng G7 có thể đưa ra những dự án cơ sở hạ tầng đầu tiên tại các nước đang phát triển trong năm 2022.

Theo Mạnh Hùng - Phương Hoa TTXVN/Vietnam+

Có thể bạn quan tâm

Bệnh viện Quân y 211: “Lấy người bệnh làm trung tâm”

Bệnh viện Quân y 211: “Lấy người bệnh làm trung tâm”

(GLO)- Với phương châm “Lấy người bệnh làm trung tâm”, những năm qua, Bệnh viện Quân y 211 (Quân đoàn 3) chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị y tế, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và trau dồi y đức để từng bước nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh.
Bão mặt trời có gây hại sức khỏe?

Bão mặt trời có gây hại sức khỏe?

Theo các chuyên gia, bão mặt trời thông thường không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người, nhưng nếu hiện tượng này xảy ra với cường độ cao, nó có thể gây ra một số vấn đề về nhịp tim, chức năng nhận thức, tăng huyết áp...
Mỗi năm Việt Nam có hơn 120.000 người tử vong do ung thư

Mỗi năm Việt Nam có hơn 120.000 người tử vong do ung thư

(GLO)- Theo SGGPO, toàn thế giới ước tính hiện có khoảng 19,9 triệu ca ung thư mới và 9,7 triệu ca tử vong. Tại Việt Nam, thống kê có khoảng 180.000 ca mắc mới và hơn 120.000 ca tử vong do ung thư. 3 loại ung thư hàng đầu theo số ca tử vong gồm ung thư gan, phổi, dạ dày.

Giải quyết khủng hoảng y tế, Hàn Quốc chấp nhận người có giấy phép hành nghề do nước ngoài cấp

Giải quyết khủng hoảng y tế, Hàn Quốc chấp nhận người có giấy phép hành nghề do nước ngoài cấp

(GLO)- Nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng chăm sóc sức khỏe đang ngày càng trở nên trầm trọng, Bộ Y tế Hàn Quốc cho biết sẽ cho phép những người có giấy phép hành nghề y do nước ngoài cấp được phép hành nghề hợp pháp tại nước này, theo nguồn tin từ vtv.vn và TTXVN.

3 người ngộ độc nặng do ăn bọ cánh cứng

3 người ngộ độc nặng do ăn bọ cánh cứng

(GLO)- Chiều 8-5, thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, Trung tâm Chống độc của bệnh viện này đang điều trị cho 3 bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn bọ cánh cứng (một số tỉnh phía Bắc gọi là sâu ban miêu).