Thiếu thuốc, hết thuốc khắp nơi: Ai không làm được thì đứng sang một bên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bộ Y tế, cực nhanh, đã “mời công an” điều tra, làm rõ việc logo của họ bị “biến tấu” thành hình “con rắn ngậm phong bì”. Trong khi đó, vaccine, thuốc men thiếu khắp nơi, thiếu suốt nhiều tháng… thì bệnh nhân cứ từ từ mà chờ.

 

Các bệnh nhân ngộ độc đang nguy kịch vì thiếu thuốc giải độc. Ảnh: PV
Các bệnh nhân ngộ độc đang nguy kịch vì thiếu thuốc giải độc. Ảnh: PV



Bệnh viện Bạch Mai đang có những “tiếng thở dài chua xót”: Một bệnh nhân bị tổn thương não do ngộ độc thuỷ ngân. Nhưng loại thuốc giải độc hiện có ở bệnh viện tuyến cuối, bệnh viện hạng đặc biệt này có hiệu quả rất kém. Tức là giải độc “không thể tới được não”. Bệnh nhân nằm đó, tiên lượng xấu. Và các bác sĩ chỉ còn biết thở dài.

Thuốc giải độc, nói như các bác sĩ- thuộc vào nhóm "thuốc mồ côi", tức các loại thuốc để điều trị các bệnh hiếm gặp. Trước đây, với những ca ngộ độc cấp nguy hiểm, Bạch Mai có thể mua, chỉ định thầu một gói rất nhỏ để giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Nhưng bây giờ thì không thể như vậy?!

Tại sao “bây giờ lại không thể như vậy”?

Đây là câu hỏi mà bệnh nhân, và nhân dân muốn hỏi Bộ trưởng Bộ Y tế.

Tình trạng thiếu thuốc của ngành y tế đang trầm trọng hơn bao giờ hết.

Không chỉ thuốc hiếm, dạng “mồ côi”, đến ngay cả nhóm vaccine cơ bản, “bao phủ toàn dân”, như vaccine một số loại bệnh như sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván cũng đang be bét khắp nơi: Hoặc thiếu, hoặc hết. Và Bộ Y tế đang tính “mượn tạm” trong tình trạng “chưa rõ khi nào có vaccine”.

Thiếu thuốc hiếm, thiếu vaccine cơ bản. Rồi “Chỉ còn 2 tuần nữa là chúng tôi hết thuốc tê - phản ánh của TS.BS Phạm Thanh Hà - Phó Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương. Thiếu đến mức bệnh viện này đứng trước “nguy cơ đóng cửa rất cao vì 2/3 dịch vụ ngoại trú sử dụng thuốc tê".

Định bảo phẫu thuật răng miệng mà không có thuốc tê khác gì ngoại khoa dùng... cùi tay để mổ.

Nhưng nói thế mà đúng là như vậy. Giờ, khắp nơi, bệnh nhân muốn phẫu thuật xin mời đi mua dao mổ. Và nó kinh hoàng ở chỗ đã thành chuyện rất bình thường, khi các bác sĩ, các bệnh viện có thể thẳng thắn vì điều đó. Vì, thiếu là thiếu. Triền miên nhiều tháng nay rồi.

3 tháng qua kể từ sau khi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói đến cuộc “khủng hoảng ngành y tế”; 2 tháng sau khi bà Đào Hồng Lan được giao Quyền Bộ trưởng… Có vẻ, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn diễn ra… khắp nơi.

Trong cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 sáng 13.9, Thủ tướng Chính phủ đã "Cương quyết, dứt khoát không vì thủ tục hành chính, vì vướng mắc quy định, vì thiếu trách nhiệm mà để thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế kéo dài".

Và Thủ tướng nói rằng "ai không làm thì đứng sang một bên", vì việc mua sắm "đủng đỉnh" sẽ không thể đáp ứng yêu cầu bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân đang tính bằng giờ, bằng phút.



https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/thieu-thuoc-het-thuoc-khap-noi-ai-khong-lam-duoc-thi-dung-sang-mot-ben-1094530.ldo

Theo ĐÀO TUẤN (LĐO)

 

Có thể bạn quan tâm

Chọn chất thay vì lượng

Chọn chất thay vì lượng

Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học ra đời với xuất phát điểm là tạo một sân chơi dành cho những học sinh có đam mê và khả năng nghiên cứu từ sớm. Nhưng lâu nay, các cuộc thi này khiến dư luận muộn phiền vì không biết sản phẩm nghiên cứu có thực sự là của học trò.
Cần lắm mảng xanh đô thị

Cần lắm mảng xanh đô thị

Cách đây chưa lâu, một chủ thầu xây dựng ở Singapore bị tòa án nước này phạt 25.000 USD vì đã chặt hạ một cây xanh cao 20 m. Một công dân khác chặt 1 cây xoài và 2 cây chôm chôm trong vườn nhà mình cũng bị phạt tổng cộng 6.000 USD.
Dạy bơi trên… giấy

Dạy bơi trên… giấy

Chống đuối nước hiệu quả không chỉ là mệnh lệnh, nhưng phải bằng hành động, trong đó dạy bơi và trang bị các kỹ năng chống đuối nước cho trẻ là điều rất cần phải làm.