Hướng về miền Trung yêu thương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Các tỉnh khu vực miền Trung nước ta đã và đang hứng chịu những tai họa khủng khiếp từ thiên tai, dịch bệnh khiến cho người dân lao đao không kịp trở tay, khó khăn chồng chất khó khăn.

Sau mùa dịch Covid-19 kéo dài, mọi người chưa kịp hồi sức thì bão lũ tràn về trắng đồng trắng bãi, đẩy cuộc sống của hàng triệu người dân miền Trung lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, nhiều gia đình rơi vào cảnh tang thương. Dù đã được dự báo trước là mưa bão năm nay có nhiều bất thường và khốc liệt nhưng tất cả sự đề phòng, chuẩn bị đối phó cũng không thể nào lường hết được sức tàn phá của thiên tai.

Bắt đầu bằng sự tác động của hoàn lưu áp thấp trên Biển Đông vào đất liền từ ngày 7-10 vừa qua gây mưa lớn 500-700 mm ở các tỉnh miền Trung (từ Quảng Ngãi đến Quảng Bình), phổ biến từ 500 đến 700 mm; nước trên các sông suối từ Bình Định đến Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình lên rất nhanh, vượt mức báo động 3 gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các địa phương trong khu vực. Đến ngày 13 và 14-10, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão (cơn bão số 7) tiếp tục gây ra mưa lớn, lũ chồng lũ ở các tỉnh miền Trung. Theo thống kê sơ bộ, đến ngày 12-10, các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam có gần 110 ngàn hộ dân, trên 206 xã, phường bị ngập; nhiều tuyến quốc lộ bị ngập và sạt lở, kể cả quốc lộ 1A và đường sắt Bắc-Nam nhiều điểm bị ngập nước và hư hại làm gián đoạn giao thông; nhiều khu vực dân cư bị cô lập. Có 23 người chết và 18 người mất tích vì lũ lụt. Có 4.500 ha lúa, hoa màu bị ngập, vùi lấp; 2.100 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, hàng trăm ngàn con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi… Nhiều địa phương bị mất điện. Học sinh, sinh viên vùng bị ngập nặng ở các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi phải nghỉ học.

Hiện nay, cả nước đang hướng về Thủy điện Rào Trăng 3 (tỉnh Thừa Thiên-Huế), nơi đã xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng trong đợt lũ vừa qua khiến 17 công nhân mất tích. Sau đó, đêm 12-10, đoàn cán bộ, chiến sĩ của Quân khu 4 cùng với chính quyền địa phương vào cứu trợ lại gặp phải biến cố sạt lở tiếp tục khiến thêm 13 cán bộ, chiến sĩ bị mất tích, trong đó có Phó Tư lệnh Quân khu 4. Công tác cứu hộ, cứu nạn đang được các lực lượng Quân đội, Công an và chính quyền địa phương, nhân dân trong vùng khẩn trương tiếp cận bằng mọi khả năng. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo cứu trợ, cứu nạn người mất tích. Bộ Quốc Phòng, Bộ tư lệnh Quân khu 4 đã điều động hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ cùng với tổ bay trực thăng của Trung đoàn 930 thực hiện bay tiếp tế và tìm kiếm các nạn nhân mất tích.

Trước tình hình diễn biến phức tạp trong đợt mưa lũ ở miền Trung, Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng-chống thiên tai cùng các bộ, ban ngành và địa phương cùng lực lượng Quân đội, Công an đã tổ chức sơ tán, di dời hàng vạn hộ dân từ vùng ngập lụt đến nơi an toàn; lực lượng chức năng đã hoạt động không kể ngày đêm để đảm bảo trật tự trị an, bảo vệ tài sản của nhân dân trong đợt thiên tai này. Hoạt động hỗ trợ, cứu trợ đồng bào miền Trung bị thiệt hại bởi lũ lụt đang được các tổ chức và cá nhân nỗ lực huy động mọi nguồn lực với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp cũng đã kịp thời hỗ trợ vật chất đến vùng bị lũ lụt. Ngày 13-10, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025, Trung ương MTTQ Việt Nam đã kêu gọi các đại biểu và người dân Thủ đô tham gia ủng hộ người dân miền Trung bị thiệt hại do thiên tai.

Hiện tượng lũ chồng lũ, bão chồng bão thời gian qua ở khắp miền Trung đã gây thiệt hại lớn về người và của cho đồng bào ta; công tác cứu hộ, cứu nạn còn đang nỗ lực, khẩn trương tìm kiếm các nạn nhân mất tích ở Thừa Thiên-Huế. Tuy nhiên, thiên tai vẫn chưa dừng lại. Sau bão số 7, theo dự báo thì ngoài Biển Đông đang hình thành áp thấp, có thể mạnh lên thành cơn bão số 8 hướng vào đất liền nước ta. Nhiều khu vực miền Trung tiếp tục có mưa lớn, nước sông dâng cao, các vùng thượng lưu, nước sông suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường trong lòng đất (có 4 cơn động đất nhẹ ở miền núi Quảng Ngãi), có thể xảy ra lũ quét và sạt lở đất. Dự báo tình hình mưa bão, lũ lụt còn diễn biến phức tạp trong thời gian đến, đồng bào miền Trung đang vật lộn để ứng phó thiên tai, khó khăn chồng chất khó khăn.

Hơn lúc nào hết, người dân khúc ruột miền Trung đang rất cần sự hỗ trợ của cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài về vật chất và tinh thần để vượt qua thời điểm khó khăn này. Vì đồng bào miền Trung ruột thịt với tinh thần “Bầu ơi thương lấy bí cùng”, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần có hành động thiết thực giúp đỡ người dân vùng bão lũ.

 BÙI QUANG VINH

Có thể bạn quan tâm

Chọn chất thay vì lượng

Chọn chất thay vì lượng

Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học ra đời với xuất phát điểm là tạo một sân chơi dành cho những học sinh có đam mê và khả năng nghiên cứu từ sớm. Nhưng lâu nay, các cuộc thi này khiến dư luận muộn phiền vì không biết sản phẩm nghiên cứu có thực sự là của học trò.
'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Dạy bơi trên… giấy

Dạy bơi trên… giấy

Chống đuối nước hiệu quả không chỉ là mệnh lệnh, nhưng phải bằng hành động, trong đó dạy bơi và trang bị các kỹ năng chống đuối nước cho trẻ là điều rất cần phải làm.
Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Văn minh đô thị là gì, bắt đầu từ đâu? Không cần phải có cái nhìn quá vĩ mô, những lời hô hào, kêu gọi "đao to búa lớn". Hãy bắt đầu xử lý ngay từ những việc tưởng nhỏ bé nhưng diễn ra mỗi ngày, làm nhức mắt, khó chịu bao người.