Một bản án có hậu nhưng vẫn còn một điều phải nói...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đằng sau một bản án, đôi khi không phải là một sát nhân mà là một nạn nhân.
 


2 lần có chồng, 2 lần tan vỡ. Có gia đình, nhưng cũng chẳng biết giờ gia đình ở đâu.

Có đứa con gái lớn đang học lớp 9 thì bỏ giữa chừng, sống với thanh niên không nghề nghiệp. Có với nhau đứa con gái 2 tuổi thì chia tay, bỏ con cho bà rồi bỏ sang Malaysia... bặt tin từ đó.

Mưu sinh bằng nghề vé số nuôi con gái nhỏ 10 tuổi và đứa cháu, nhưng lêu hêu làm chẳng đủ ăn, bị cướp giật, rồi cụt vốn, rồi trắng tay, rồi phải đi phụ hồ để khi có khi không, bữa đực bữa cái.

Hoàn cảnh của chị Thảo, một phụ nữ 50 tuổi, người hôm qua vừa đứng trước vành móng ngựa với cái tiếng “người đàn bà đầu độc con cháu”.

Ngày mùng 1 tháng 5 năm 2019, lẩn thẩn trong căn phòng trọ khoảng 10 m2 gần chợ Võ Thành Trang (quận Tân Bình, TPHCM), Nguyễn Thị Thảo đã “không thể dứt khỏi buồn tủi về cuộc đời”.

Và người mẹ ấy đã hành động vô cùng mê muội và tàn ác. Chị ta sai con gái 10 tuổi đi mua thuốc ngủ về và chia cho con, cháu, mỗi đứa 5 viên, còn lại tự mình uống hết. Cả ba ôm nhau chờ chết.

Cũng may là hàng xóm đã phát hiện, đã đưa đến viện kịp thời, tránh đi được một hậu quả xấu.

Ngày hôm qua, người phụ nữ ấy, trước vành móng ngựa chỉ trình bày đơn giản là chị có lỗi, rằng chị hối hận.

Một vụ án, một vi phạm rõ ràng, nhưng đằng sau nó là một hoàn cảnh sống bi đát, khốn khổ.

Nhưng cái kết của vụ án có vẻ có hậu, có thể khiến chúng ta nhẹ nhõm đôi phần.

Ngay từ giai đoạn điều tra, dù hành vi có rất nhiều tình tiết tăng nặng (đối tượng là trẻ em, nhiều người...), nhưng điều tra viên vụ án tự đặt ra một câu hỏi: "Nếu bắt giam bà ấy, hai đứa trẻ sẽ ra sao?”. Để rồi, dù với quyết định khởi tố tội “Giết người”, người phụ nữ ấy vẫn được tại ngoại để đi làm nuôi con, nuôi cháu.

Rồi hôm qua, Toà án gia đình và Người chưa thành niên, TAND TP HCM xét xử sơ thẩm đã chuyển đổi tội danh từ “Giết người” sang tội “xúi giục hoặc giúp người khác tự sát” để tuyên án 3 năm, nhưng cho hưởng án treo.

Một bản án phải nói là quá nhân đạo, quá hợp lý hợp tình.

Nguyễn Thị Thảo sẽ vẫn được ở ngoài xã hội, đi làm, nuôi con, nuôi cháu.

Nhưng vẫn còn một điều cần nói.

Rằng phải có một ai đó, một tổ chức nào đó giúp chị ấy một lối thoát, một việc làm, để ít nhất khỏi lẩn thẩn ngồi nhà, để khỏi phải “15 ngàn tiền rượu”.

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/mot-ban-an-co-hau-nhung-van-con-mot-dieu-phai-noi-835158.ldo
 

Theo ANH ĐÀO (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Chọn chất thay vì lượng

Chọn chất thay vì lượng

Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học ra đời với xuất phát điểm là tạo một sân chơi dành cho những học sinh có đam mê và khả năng nghiên cứu từ sớm. Nhưng lâu nay, các cuộc thi này khiến dư luận muộn phiền vì không biết sản phẩm nghiên cứu có thực sự là của học trò.
'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Dạy bơi trên… giấy

Dạy bơi trên… giấy

Chống đuối nước hiệu quả không chỉ là mệnh lệnh, nhưng phải bằng hành động, trong đó dạy bơi và trang bị các kỹ năng chống đuối nước cho trẻ là điều rất cần phải làm.
Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Văn minh đô thị là gì, bắt đầu từ đâu? Không cần phải có cái nhìn quá vĩ mô, những lời hô hào, kêu gọi "đao to búa lớn". Hãy bắt đầu xử lý ngay từ những việc tưởng nhỏ bé nhưng diễn ra mỗi ngày, làm nhức mắt, khó chịu bao người.