Chất vấn để Quốc hội thực quyền và hiểu dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cử tri cả nước đang theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên các phương tiện truyền thông. Trong 2 ngày rưỡi, các vấn đề nóng về an ninh trật tự, xây dựng, giao thông và văn hóa-xã hội, du lịch được đưa ra đối thoại thẳng thắn trên nghị trường. Cử tri thấy rõ tâm huyết, trách nhiệm của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và người đứng đầu các bộ, ngành trước những vấn đề nóng của đất nước, những yêu cầu của cuộc sống trước đòi hỏi chính đáng của người dân.
Trong số nhiều hoạt động của Quốc hội thì hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn luôn là nội dung mà cử tri và đồng bào cả nước quan tâm nhất. Chất vấn là dịp để đại biểu thể hiện vai trò trách nhiệm của mình trước cử tri, nói lên tiếng nói của nhân dân đề nghị người có trách nhiệm trả lời đúng và trúng những vấn đề người dân quan tâm, đồng thời yêu cầu có giải pháp giải quyết triệt để những vấn đề đó. Đây cũng là cơ hội để người trả lời chất vấn khẳng định được cái tâm, cái tầm của người lãnh đạo, quản lý, tạo niềm tin cho nhân dân khi giải quyết những vấn đề mà cử tri đã kiến nghị, xem xét, tranh luận công khai, dân chủ trên nghị trường Quốc hội.
Thế nhưng, trên thực tế, cử tri có thực sự hài lòng với đại biểu của mình hay chưa; tin tưởng với sự bày tỏ, sự nhận lỗi, nhận trách nhiệm của những bộ trưởng, trưởng ngành trả lời hay chưa; thỏa mãn với kết quả giám sát của Quốc hội về những lời hứa của các “tư lệnh ngành” chưa; đồng tình với những vấn đề được đưa ra chất vấn, mổ xẻ hay chưa? Phải thẳng thắn mà nói rằng, cử tri, người dân vẫn còn nhiều điều chưa hài lòng.
Trước hết là các đại biểu Quốc hội-người được quyền chất vấn. Bởi đại biểu là người gần dân, có trách nhiệm chuyển tải những bức xúc của dân đến với Quốc hội, tranh luận, trao đổi thẳng thắn với người có trách nhiệm để giải quyết việc nước, việc dân. Tiếc là mặc dù đã được chủ tọa nhắc nhở nhưng tình trạng hỏi dài dòng văn tự, lặp đi lặp lại vẫn còn, mà lẽ ra phải hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề trọng tâm. Có vị còn biến nghị trường thành nơi để giãi bày, chia sẻ. Đặt câu hỏi mà như không hỏi, thậm chí là hỏi theo kiểu mồi chài, mang hơi hướng tung hô người được chất vấn.
Thứ hai là thái độ trách nhiệm của người được chất vấn. Người đứng đầu các bộ, ngành thường có nhiều quyền lực và họ rất ý thức về quyền lực của mình. Nên trên diễn đàn Quốc hội, nhiều người vẫn chưa thoát khỏi cái bóng của chiếc ghế quyền lực mình đang ngồi. Mà lẽ ra, họ phải ý thức rằng, những vấn đề cử tri, xã hội quan tâm, đại biểu nêu ra chất vấn, yêu cầu trả lời là đang thuộc trách nhiệm quản lý của họ.     
Nhà nước và nhân dân đã trao cho các bộ trưởng, trưởng ngành chức vụ, đã trả lương quản lý cho họ, thì việc họ phải làm tốt chức trách nhiệm vụ của mình, phải chịu trách nhiệm trả lời trước những bức xúc của dân là lẽ đương nhiên. Vì vậy, thái độ né tránh chất vấn của một số bộ trưởng, trưởng ngành đã khiến người dân không hài lòng. Càng bức xúc hơn khi có những vị kỳ họp trước đã nhận trách nhiệm, đã hứa lên hứa xuống, nhưng đến vài kỳ họp sau, mọi chuyện vẫn chẳng có gì chuyển biến, thậm chí còn tệ hại hơn.
Thứ ba là những vấn đề được lựa chọn để chất vấn. Dẫu biết rằng, đó là ý chí, là trên cơ sở phiếu đề nghị của các đại biểu Quốc hội, nhưng nhiều khi chưa hẳn đã đại diện cho nguyện vọng của nhiều cử tri. Vì sao có chuyện nóng như giáo dục (vụ gian lận thi cử và nhiều tồn tại của ngành này), hay những lùm xùm trong ngành Công thương (tăng giá điện bất thường, các dự án thua lỗ)... gây nên nhiều hệ lụy thế mà không được đưa ra để chất vấn? Vì sao có những ngành quản lý kém hiệu quả không được nhắc tới.
Tăng tính đối thoại, nêu trực diện các vấn đề nóng, dư luận quan tâm để làm rõ trách nhiệm, đề xuất giải pháp giải quyết triệt để là yêu cầu quan trọng nhất của phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Nếu chọn đúng, trúng vấn đề chất vấn; nếu đại biểu tiếp cận thông tin có tinh thần trách nhiệm; nếu người đứng đầu dám nhìn thẳng vào những yếu kém của bộ, ngành mình, không né tránh mà đưa ra những giải pháp căn cơ, giải quyết rốt ráo các vấn đề; nếu tất cả đều tâm huyết, trách nhiệm vì sự phát triển của đất nước, vì cuộc sống của người dân thì những bức xúc của dân mới có cơ hội giải tỏa, mới đạt mục tiêu của chất vấn là xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Và như thế mới xứng đáng với sự kỳ vọng của người dân với công tác chất vấn ở Quốc hội.
NGUYỄN VÂN

Có thể bạn quan tâm

Nỗi lòng người làm công ăn lương

Nỗi lòng người làm công ăn lương

Đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng thêm 6 tháng; một số luật liên quan đến bất động sản cũng đang được trình xin có hiệu lực sớm..., những thông tin này khiến người làm công ăn lương, đối tượng đóng góp khoảng 70% tổng số thu thuế thu nhập cá nhân cảm thấy "ganh tị".
Tìm thầy cho bóng đá Việt

Tìm thầy cho bóng đá Việt

Hôm qua 3-5, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã chính thức công bố HLV người Hàn Quốc Kim Sang-sik sẽ dẫn dắt đội tuyển quốc gia và U23 nam trong thời hạn gần 2 năm với các mục tiêu cụ thể tại AFF Cup 2024 và SEA Games 2025.
Giải nhiệt cho đô thị

Giải nhiệt cho đô thị

Hầu hết các đô thị ở phía nam hiện đang rất bức bối với các ngày nắng nóng cực đoan, khi mà nhiều nơi nhiệt độ không khí ngoài đường phố có lúc ghi nhận lên đến 44 - 45 độ C.
Nghịch lý về điện

Nghịch lý về điện

Giữa mùa nắng nóng, đang phập phồng lo cúp điện vì quá tải, thiếu nguồn thì nghe đề xuất của Bộ Công Thương về việc mua điện mặt trời áp mái với giá 0 đồng.
Xây dựng thị trường lao động chất lượng

Xây dựng thị trường lao động chất lượng

Ngày Quốc tế Lao động 1-5 là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử đấu tranh, xây dựng và trưởng thành của giai cấp công nhân; khẳng định vị trí, vai trò cùng những đóng góp to lớn của giai cấp công nhân và người lao động (NLĐ) cho sự phát triển của kinh tế - xã hội.
Nhân lên niềm vui chiến thắng

Nhân lên niềm vui chiến thắng

(GLO)- Sau 49 năm giải phóng, Gia Lai đã vươn lên trở thành trung tâm của khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực của Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia. Tinh thần Chiến thắng 30-4 đã được kế thừa, phát huy và nhân lên bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Nâng chất lao động ngành du lịch

Nâng chất lao động ngành du lịch

Người lao động làm trong ngành du lịch đến từ Philippines, Thái Lan, Indonesia, Singapore có mặt ở các khách sạn 4-5 sao tại Việt Nam đang khá nhiều. Điều này cho thấy, lao động ngành du lịch đang bị cạnh tranh việc làm ngay trên sân nhà.