NÓI THẲNG: Kẻ cướp và quan tham

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nếu xét hành động của kẻ cướp mang trả lại tiền cho nạn nhân với hành vi bòn rút của công, tham ô, nhũng nhiễu của quan tham, thì hành động của kẻ cướp đáng được biểu dương hơn.
Câu chuyện về một đối tượng giật túi xách người đi đường ở Bình Dương, sau đó mang trả lại cho người bị hại với số tiền gần như còn đủ, có lẽ là câu chuyện hy hữu nhất của những ngày cuối năm Mậu Tuất.
Rất nhiều người đã không tin vào mắt mình khi đọc dòng thông tin này. Bởi lẽ, theo suy nghĩ thông thường, những kẻ đã thực hiện hành vi cướp giật thì làm gì còn lương tâm, nhất là khi tài sản cướp được đã nằm gọn trong tay. Ấy thế mà, kẻ cướp chỉ lấy số tiền lẻ 7 triệu đồng, còn 100 triệu đồng xin trả lại cho người bị hại, kèm theo bức thư xin lỗi.
Nếu được quyền bình chọn, tôi sẽ chọn đây là một trong những việc tử tế nhất trong năm 2018.
Đọc qua bức thư xin lỗi mà kẻ cướp gửi lại cho chính quyền (phường An Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) và nạn nhân, tôi tin rằng, đây là kẻ cướp có lương tâm và những lời anh ta viết ra là xuất phát từ đáy lòng mình. Chỉ vì trong lúc túng quẫn, kẻ cướp kia đã suy nghĩ nông cạn, làm liều để giải quyết việc cấp bách bị tín dụng đen siết nợ. Nhưng, khi cầm trên tay số tiền cướp được khá lớn, anh ta nghĩ ngay đến nạn nhân "cũng có việc gì cần phải giải quyết nên mới mang số tiền lớn như vậy". 
Xã hội hay có câu cửa miệng "đồng tiền làm mờ lý trí con người", nhưng trường hợp này thì ngược lại! Chính số tiền khá lớn này không làm mờ mắt kẻ cướp mà còn làm cho lương tâm anh ta trỗi dậy. "Cả buổi chiều nay tôi ân hận, cắn rứt lương tâm và làm sao tôi đối mặt với đứa con bé bỏng của tôi đây"- một sự ân hận kịp lúc. 
Sự tử tế của kẻ cướp không chỉ cứu chính anh ta mà còn đem lại niềm vui ngày cuối năm cho nạn nhân và xã hội. Trong khi nhiều người đang tất bật với những mưu toan, những phận người bị dòng đời xô đẩy vào chỗ bất lương thì chính hành động của kẻ cướp đã gieo mầm thiện. Hành động này đã có tác động không nhỏ, có thể sẽ giúp không ít người có cơ hội nhìn lại chính mình.
Nếu xét hành động của kẻ cướp mang trả lại tiền cho nạn nhân với hành vi bòn rút của công, tham ô, nhũng nhiễu của quan tham, hành động của kẻ cướp đáng được biểu dương hơn. 
Bởi, cùng là hành vi phạm pháp, nhưng kẻ cướp còn biết "quay đầu là bờ", ăn năn hối cải, biết mắc cỡ; ngược lại đã có bao giờ quan tham tự giác mang trả lại tiền đã đục khoét của công chưa? Tôi chưa từng nghe nói. 
Bởi, có những quan tham cỡ bự, dưới vài người trên hàng triệu người, nhưng khi bị xét xử, tài sản khai báo chỉ có một nửa căn hộ "nhỏ như cái móng tay", còn bao nhiêu biệt thự, nhà phố, xe ô tô đắt tiền đều đứng tên người khác.
Tôi rất thích câu nói mà ông bà xưa đã dạy: "nghèo cho sạch, rách cho thơm". Dù có nghèo khó đến đâu cũng phải biết giữ mình, đừng bán mình cho quỷ dữ. Hành động của kẻ cướp, dù đã trả lại tiền cho nạn nhân được xem là "tử tế", nhưng nhân cách của anh ta sẽ trọn vẹn, cao đẹp hơn, nếu chưa từng phạm pháp. Cá nhân tôi không ủng hộ hành động phạm pháp và cũng mong rằng trong xã hội đừng ai trót dại một lần như kẻ cướp "tử tế" này. Bởi không phải ai cũng may mắn gặp nạn nhân có lòng bao dung như chị Phan Thị Bích Tuyền. Tôi hết sức trân quý cách ứng xử của chị Tuyền qua những câu trả lời trên báo Người Lao động. Không một lời trách móc hung thủ, chị Tuyền còn đề nghị cơ quan công an không tiếp tục truy tìm hung thủ vì để "Tết sắp đến rồi, để anh ấy vui vẻ với vợ con".
Hai con người, hai thân phận khác nhau, nhưng có lẽ hành động của họ ít nhiều cũng tạo ra niềm tin cho xã hội: ở quanh ta, còn rất nhiều người tốt.
Tết đã đến bên cửa nhà. Có lẽ, lúc này kẻ cướp vẫn còn day dứt, cắn rứt lương tâm về hành động dại dột của mình. Nhưng tôi tin và hy vọng rằng, với lòng bao dung của nạn nhân và xã hội, cùng với sự sum họp bên gia đình trong những ngày Tết, tình yêu thương vợ và đứa con 3 tháng tuổi, anh ta sẽ biết trân quý giá trị cuộc sống mà cố gắng làm người lương thiện, giúp ích cho xã hội. 
Tôi tin rằng giá trị của việc gieo mầm thiện sẽ mãi trường tồn và đáng được trân quý, dù kẻ gieo mầm ấy là ai.
Nguyễn Đức (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Chọn chất thay vì lượng

Chọn chất thay vì lượng

Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học ra đời với xuất phát điểm là tạo một sân chơi dành cho những học sinh có đam mê và khả năng nghiên cứu từ sớm. Nhưng lâu nay, các cuộc thi này khiến dư luận muộn phiền vì không biết sản phẩm nghiên cứu có thực sự là của học trò.
'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Dạy bơi trên… giấy

Dạy bơi trên… giấy

Chống đuối nước hiệu quả không chỉ là mệnh lệnh, nhưng phải bằng hành động, trong đó dạy bơi và trang bị các kỹ năng chống đuối nước cho trẻ là điều rất cần phải làm.
Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Văn minh đô thị là gì, bắt đầu từ đâu? Không cần phải có cái nhìn quá vĩ mô, những lời hô hào, kêu gọi "đao to búa lớn". Hãy bắt đầu xử lý ngay từ những việc tưởng nhỏ bé nhưng diễn ra mỗi ngày, làm nhức mắt, khó chịu bao người.