Trước vòng 1/8, giới chuyên môn vẫn mong chờ Romania sẽ trở thành ngựa ô của Euro 2024 khi giành ngôi đầu bảng E nơi có sự hiện diện của đội tuyển Bỉ. Đặc biệt trong bối cảnh Hà Lan vừa để thua Áo 2-3 và chỉ có mặt ở vòng knock-out với tư cách của đội xếp hạng 3.
Hà Lan đang thể hiện sức mạnh đáng sợ ở giải năm nay. Ảnh: UEFA |
Trong 20 phút đầu của trận đấu giữa 2 đội, niềm tin vào Romania tưởng chừng đã trở thành hiện thực khi họ chơi một thứ bóng đá pressing tổng lực. Thầy trò huấn luyện viên Edward Iordanescu đã có những thời điểm làm mọi người tưởng chừng Hà Lan mới chính là đội bóng cửa dưới khi tỏ ra lúng túng trước sự vây ráp không ngừng nghỉ.
Nhưng đó cũng là tất cả những gì họ làm được ở Allianz Arena đêm hôm ấy. Bởi hơn 70 phút còn lại là màn “solo” của đoàn quân HLV Ronald Koemann. Họ đã chứng minh rằng “Cơn lốc màu da cam” không chỉ là một biệt danh mà là triết lý sống của nền bóng đá nước này.
Hà Lan đã bóp nghẹt đối thủ với một thế trận áp đảo. Tỷ số 3-0 vẫn không đủ thể hiện hết những cơ hội mà Cody Gakpo cùng các đồng đội đã tạo ra. Và một Romania đang ấp ủ giấc mơ Đức đã đối mặt với sự thật trần trụi và phũ phàng rằng, đẳng cấp của họ là chưa đủ để làm nên chuyện ở Euro 2024.
Một ẩn số đã được giải mã, nhiệm vụ tiếp theo với đội bóng xứ sở hoa tulip là một cái tên khác cũng đang khá bay bổng khi vào đến tứ kết. Thổ Nhĩ Kỳ đầy trẻ trung nhưng dưới bàn tay nhào nặn của HLV Vincenzo Montella lại không hề non nớt một chút nào.
Thổ Nhĩ Kỳ đang sẵn sàng tạo nên bất ngờ. Ảnh: UEFA |
Ở trận cầu vòng 1/8 với đội tuyển Áo, họ thiếu vắng người đội trưởng đóng vai trò rất quan trọng ở khu trung tuyến Hakan Calhanoglu. Những tưởng người Áo sẽ chiếm ưu thế với những đợt tấn công như vũ bão của lối đá gegen-pressing. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đứng vững trước khi tung ra 2 cú phản đòn chất lượng giúp họ vươn lên dẫn trước 2-0.
Đoàn quân của HLV Vincenzo Montella đang mang đến một luồng sinh khí với sắc màu tươi mới cho Euro 2024 giữa những nhạt nhòa của Anh, Pháp, Bồ Đào Nha. Điều đó khiến giới mộ điệu nhớ lại hình ảnh của chính người Thổ ở Euro 2008 khi họ sắm vai ngựa ô và lọt vào đến vòng bán kết. Người Thổ đã mất 16 năm để lại được tận hưởng bầu không khí của một trận cầu sinh tử.
Với lực lượng có nhiều nhân tố trẻ kết hợp với các cầu thủ kinh nghiệm, Thổ Nhĩ Kỳ đang rất sẵn sàng cho một cơn địa chấn ở Olympiastadion. Nhất là khi họ chào đón sự trở lại của Calhanoglu sau án treo giò. Tiền vệ này đã có một mùa giải xuất sắc trong màu áo của nhà vô địch Serie A Inter Milan. Với khả năng sút xa, sút phạt cùng các đường chuyền mang tính sát thương cao, Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ nguy hiểm hơn khi có sự phục vụ của cầu thủ 30 tuổi này.
So với Romania, Thổ Nhĩ Kỳ rõ ràng là một bài toán hóc búa hơn với thầy trò HLV Ronald Koemann, bởi họ không thiếu những ngôi sao. Nhưng đó cũng là lúc Hà Lan thể hiện bản lĩnh thực sự của một đội bóng mang đầy tham vọng.
Đại diện của Tây Âu đã thể hiện đẳng cấp chênh lệch trong trận cầu ở vòng 1/8. Nhưng niềm vui vẫn chưa thực sự trọn vẹn bởi các chân sút của họ vẫn phung phí quá nhiều cơ hội.
Các chân sút Hà Lan vẫn phung phí khá nhiều cơ hội. Ảnh: UEFA |
Memphis Depay và đặc biệt là Xavi Simons vẫn chưa thực sự quyết đoán, gọn gẽ trong những pha dứt điểm. Trong các cuộc thư hùng của các đội bóng mạnh nhất lục địa già, thật khó để họ có nhiều cơ hội thử “họng súng” đến vậy. Nhưng rốt cuộc, Hà Lan chỉ có 3 bàn thắng, 2 trong số đó đến từ Donyell Malen-người thường vào sân từ băng ghế dự bị.
Những tín đồ của thuyết âm mưu đã mường tượng rằng, Hà Lan chủ động thua Áo để chọn nhánh đấu dễ thở hơn cho mình. Nhưng người Thổ có phải là đối thủ dễ bị bắt nạt như Romania, hay một cơn địa chấn sẽ được tạo ra ở Thủ đô Berlin, tất cả sẽ có câu trả lời vào rạng sáng ngày 7-7.