Những cán bộ Mặt trận tận tâm, trách nhiệm ở Phú Thiện

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Tại huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai), nhiều cán bộ Mặt trận thực hiện tốt vai trò cầu nối, tập hợp sức dân thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân

Trên cương vị Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Hiao, ông Lê Thanh Hùy luôn khắc sâu lời dạy của Bác Hồ: “Đại đoàn kết là sứ mệnh của MTTQ Việt Nam và cán bộ Mặt trận chính là người đảm đương sứ mệnh ấy”.

Giai đoạn 2019-2024, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã đã vận động người dân hiến hơn 2.700 m2 đất để mở rộng đường giao thông nông thôn; đóng góp 795 ngày công, 517 triệu đồng làm mới 1.337 m đường bê tông; đóng góp kinh phí lắp đặt 116 bóng điện chiếu sáng 10,5 km đường thôn. Đồng thời, tham gia vận động 163 hộ làm nhà tiêu hợp vệ sinh, 129 hộ di dời chuồng bò ra xa gầm nhà sàn, 108 hộ cải tạo vườn tạp để trồng rau.

Bên cạnh đó, ông Hùy góp sức vận động xây dựng Quỹ “Vì người nghèo” xã được gần 140 triệu đồng, cùng các nguồn hỗ trợ để xây dựng 11 căn nhà “Đại đoàn kết”, nhà tình nghĩa cho hộ nghèo và hộ cận nghèo với tổng kinh phí trên 600 triệu đồng.

“Điều quan trọng nhất của một cán bộ Mặt trận là phải gần dân, luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân để có phương pháp tuyên truyền, giải quyết phù hợp. Khi nhận thấy quyền lợi của mình được coi trọng, người dân sẽ tin tưởng và đồng thuận tham gia”-ông Hùy tâm niệm.

Với ông Ksor Ry-Trưởng ban Công tác Mặt trận buôn Sô Ma Rơng (xã Ia Peng), điều trăn trở là làm thế nào để người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo bền vững. Không quản ngại ngày đêm, ông phối hợp với cán bộ cơ sở tuyên truyền, vận động bà con di dời chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm ra khỏi gầm nhà sàn; áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt; chi tiêu tiết kiệm…

Ông Ksor Ry (bìa phải, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Sô Ma Rơng, xã Ia Peng) tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo bền vững. Ảnh: V.C

Ông Ksor Ry (bìa phải, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Sô Ma Rơng, xã Ia Peng) tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo bền vững. Ảnh: V.C

“Đến nay, buôn Sô Ma Rơng không còn hộ dân nuôi nhốt gia súc dưới gầm nhà sàn. Người dân đã xây dựng được 133 nhà tiêu hợp vệ sinh. Diện tích lúa nước 2 vụ tăng lên 15 ha, mì 28 ha; tổng đàn gia súc, gia cầm tăng lên hơn 1.000 con. Đời sống người dân được cải thiện đáng kể. Buôn đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”-ông Ry phấn khởi cho hay.

Ông Rcom Xuân-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phú Thiện: “Thời gian tới, cán bộ Mặt trận trong toàn huyện tiếp tục phát huy và lan tỏa tinh thần cống hiến; cầu thị, lắng nghe và tham gia giải quyết phản ánh, kiến nghị của Nhân dân; thường xuyên trau dồi, phát huy những phẩm chất tốt đẹp, tinh thần nêu gương và dựa vào dân để phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới”.

Để xây dựng đô thị văn minh, ông Đỗ Minh Huấn-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn Phú Thiện phối hợp với chính quyền địa phương và các đoàn thể vận động người dân hiến đất mở rộng đường giao thông.

Ông chia sẻ: “Để người dân quyết định hiến đất của mình không phải là điều dễ dàng bởi đó là tài sản quý giá. Vì vậy, công tác tuyên truyền, vận động phải đi trước. Cán bộ phải phân tích để người dân hiểu được chủ trương của Đảng, quyền lợi và trách nhiệm của bản thân, từ đó họ mới tự nguyện chung sức cùng địa phương chỉnh trang đô thị”.

Đến nay, 13/13 tổ dân phố của thị trấn Phú Thiện đã vận động người dân tháo dỡ vật kiến trúc, lùi 1.800 m hàng rào, hiến 6.337 m2 đất để mở đường nội thị đủ 5,5 m theo quy định.

Ông Huấn cũng tích cực vận động người dân thực hiện tốt các quy định của địa phương, quy ước của khu dân cư, thực hiện nếp sống văn minh. Năm 2023, thị trấn có 84,3% số hộ dân được công nhận gia đình văn hóa; 13/13 tổ dân phố giữ vững danh hiệu tổ văn hóa; tỷ lệ hộ dân đăng ký thu gom rác thải đạt 96,7%; 100% người dân sử dụng nước sạch…

Phát huy dân chủ ở cơ sở

Xác định việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác Mặt trận, những năm qua, ông Hùy cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Hiao phối hợp với các tổ chức thành viên vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy định của địa phương.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam xã tăng cường nắm bắt tình hình cơ sở, thực hiện quy chế dân chủ; phối hợp tổ chức các buổi đối thoại và tiếp xúc cử tri, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến phản ánh của người dân để kịp thời tổng hợp, kiến nghị với các cấp, các ngành giải quyết.

Các buổi tiếp xúc, đối thoại được tiến hành công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan, thẳng thắn, đúng trọng tâm, trọng điểm trên tinh thần xây dựng, vì lợi ích chung với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Ông Hùy thông tin: Trong 5 năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã đã phối hợp tổ chức 3 hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với người dân; phối hợp với HĐND, UBND xã tổ chức 22 đợt tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND các cấp, có hơn 1.100 lượt cử tri tham gia với 186 ý kiến, kiến nghị. Những kiến nghị chính đáng của người dân được ông trình bày tại các kỳ họp HĐND xã. Qua đó, nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm tại thôn, làng được giải quyết kịp thời, đúng quy định, tạo sự đồng tình, nhất trí cao trong các tầng lớp nhân dân.

Ông Lê Thanh Hùy (thứ 4 từ trái sang, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Hiao) trao dê giống hỗ trợ hộ nghèo. Ảnh: Vũ Chi

Ông Lê Thanh Hùy (thứ 4 từ trái sang, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Hiao) trao dê giống hỗ trợ hộ nghèo. Ảnh: Vũ Chi

Theo ông Rcom Xuân-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phú Thiện: Mỗi cán bộ Mặt trận phấn đấu là tấm gương “người tốt, việc tốt”, mang trong mình nhiệt huyết và sáng tạo, hết mình vì công tác Mặt trận, vì Nhân dân, phát huy vai trò nòng cốt chính trị trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đặt tư tưởng “lấy dân làm gốc” làm nền tảng cốt lõi cho hoạt động, cán bộ Mặt trận cơ sở đã kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình hình Nhân dân để tham mưu, kiến nghị kịp thời, đầy đủ tới cấp ủy Đảng, chính quyền, góp phần tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Đak Đoa chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ

Đak Đoa chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ

(GLO)- Công tác cán bộ là khâu then chốt của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Vì vậy, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Đảng bộ huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Trẻ hóa cấp ủy chi bộ khu dân cư: “Làn gió mới” trong các phong trào ở cơ sở

Trẻ hóa cấp ủy chi bộ khu dân cư: “Làn gió mới” trong các phong trào ở cơ sở

(GLO)- Thời gian qua, Đảng bộ huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng trẻ hóa đội ngũ cấp ủy chi bộ khu dân cư. Với sự nhiệt tình, trách nhiệm, ham học hỏi và chủ động ứng dụng công nghệ số trong giải quyết công việc, đội ngũ này đã tạo ra “làn gió mới” trong các phong trào ở cơ sở.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Văn kiện lịch sử vô giá của dân tộc

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Văn kiện lịch sử vô giá của dân tộc

Đã 55 năm trôi qua kể từ ngày Bác kính yêu đi xa, nhưng những chỉ dạy, những lời dặn dò của Người vẫn luôn được các thế hệ người Việt Nam ghi nhớ và thực hiện, đặc biệt là Di chúc - một di sản vô giá, kết tinh tinh hoa tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người.