Tổng thống qua đời, ai sẽ tiếp quản quyền lực tối thượng tại Iran?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Sự ra đi của cố Tổng thống Iran Ebrahim Raisi sau vụ tai nạn trực thăng đã làm xáo trộn cuộc tuyển chọn người kế nhiệm Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei và rọi ánh đèn vào một nhân vật quyền lực lâu nay đứng trong bóng tối.

Đường hướng chọn lãnh đạo Iran là điều mà không nhiều người có thể nắm bắt ngoại trừ số ít nhân vật chóp bu của nước này, theo giới quan sát. Tuy nhiên, với kinh nghiệm dày dạn sau hàng chục năm trong chính quyền, cố Tổng thống Ebrahim Raisi (64 tuổi) từ lâu được xem là người kế nhiệm Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei (85 tuổi), trước khi ông tử vong trong vụ tai nạn mới đây.

Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei (trái) tại lễ nhậm chức của Tổng thống Ebrahim Raisi ngày 3.8.2021. Đằng sau là chân dung của cố Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ruhollah Khomeini. Ảnh AFP

Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei (trái) tại lễ nhậm chức của Tổng thống Ebrahim Raisi ngày 3.8.2021. Đằng sau là chân dung của cố Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ruhollah Khomeini. Ảnh AFP

Chiếc ghế siêu quyền lực

Ông Khamenei tiếp quản chức vụ lãnh tụ tối cao siêu quyền lực từ nhà lãnh đạo cách mạng và cũng là người lập quốc của nhà nước Iran hiện đại Ayatollah Ruhollah Khomeini vào năm 1989. Lãnh tụ tối cao có nhiệm kỳ trọn đời, là tổng tư lệnh tối cao của quân đội, có quyền ra quyết định cuối cùng đối với các quyết sách quan trọng của đất nước.

Lãnh tụ tối cao được bầu chọn bởi Hội đồng Chuyên gia gồm 88 thành viên. Các thành viên hội đồng được bầu ra, nhưng trước tiên phải thông qua sự kiểm duyệt của Hội đồng Giám hộ gồm 12 thành viên, vốn là những giáo sĩ và luật gia do lãnh tụ tối cao bổ nhiệm trực tiếp hoặc gián tiếp. Ông Raisi được cho là nhân vật thân cận của ông Khamenei và được dự đoán sẽ trở thành lãnh tụ tối cao thứ ba trong lịch sử nước Cộng hòa Hồi giáo Iran.

Giám đốc Ali Fathollah-Nejad của Trung tâm nghiên cứu chính sách Trung Đông và Trật tự toàn cầu (trụ sở tại Đức) cho rằng rất khó để biết ông Raisi có được coi là người kế nhiệm hay không, nhưng trong những năm qua, ông được lãnh tụ tối cao đưa lên những vị trí quan trọng như lãnh đạo bộ máy tư pháp và sau đó là hành pháp (tổng thống), những bước đệm cần thiết để trở thành lãnh tụ trong tương lai.

Không còn ứng cử viên nào khác đang có kinh nghiệm tương tự ông Raisi, khiến cho cuộc bầu cử tổng thống sắp tới sẽ là yếu tố đầu tiên quyết định những gì sẽ xảy ra kế tiếp, Reuters dẫn nhận xét của giáo sư nghiên cứu Trung Đông Vali Nasr tại Trường Nghiên cứu quốc tế cao cấp thuộc Đại học John Hopkins (Mỹ) cho biết.

Với việc ông Raisi đã nổi lên là một trong những ứng cử viên hàng đầu trong những năm gần đây, sự ra đi của ông sẽ tái định hình quá trình kế nhiệm sắp tới tại Iran và tiêu điểm giờ hướng về một nhân vật ở trong bóng tối nhiều năm qua, ông Mojtaba Khamenei, con trai của đương kim lãnh tụ.

Nhân vật quyền lực bí ẩn

Ông Mojtaba Khamenei (trái) và Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei. Ảnh IRANWIRE

Ông Mojtaba Khamenei (trái) và Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei. Ảnh IRANWIRE

Đối với hầu hết người Iran, con trai của Lãnh tụ tối cao Khamenei là nhân vật bí ẩn. Ông Mojtaba Khamenei không giữ chức vụ chính thức, hiếm khi xuất hiện và phát biểu công khai. Tuy nhiên, ông đã âm thầm gia tăng sức mạnh đằng sau hậu trường dưới cái bóng của người cha và nhờ những mối quan hệ lâu năm với nhiều nhân vật chủ chốt trong bộ máy tình báo và an ninh, theo tờ The Wall Street Journal.

Ông Mojtaba Khamenei được sinh vào năm 1969 tại thành phố trung tâm tôn giáo Mashhad, nơi cha ông là một nhân vật hàng đầu trong phong trào cách mạng chống triều đại Mohammad Reza Pahlavi. Sau cuộc Cách mạng Hồi giáo 1979 lật đổ chế độ Pahlavi, nhà Khamenei chuyển đến Tehran, nơi ông Mojtaba học tại trường của con em các nhà cách mạng trong khi cha ông nhanh chóng thăng tiến và trở thành tổng thống vào năm 1981. Từ năm 1980-1988, ông Mojtaba tham gia cuộc kháng chiến chống đội quân Iraq của ông Saddam Hussein. Chính từ những năm tháng đó, ông hình thành mối quan hệ với Hossein Taeb, người sau này trở thành lãnh đạo Cơ quan Tình báo của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo (IRGC), và ông Hossein Nejat, sau này làm phó lãnh đạo Cơ quan Tình báo và lãnh đạo một đơn vị chuyên đối phó các cuộc biểu tình.

Năm 2019, ông Mojtaba bị Mỹ cấm vận với cáo buộc làm việc với IRGC và Basij, một trong 5 nhánh của IRGC, "để thúc đẩy những tham vọng" trong nước và khu vực của người cha. Giới quan sát tin rằng ông Mojtaba là nhân vật số hai tại văn phòng lãnh tụ sau chánh văn phòng Mohammad Golpayegani và có sức ảnh hưởng trong đế chế kinh doanh mà văn phòng kiểm soát.

Ông Mojtaba Khamenei được cho là một trong những người kế nhiệm tiềm năng của người cha. ẢNH CHỤP MÀN HÌNH THE TELEGRAPH

Ông Mojtaba Khamenei được cho là một trong những người kế nhiệm tiềm năng của người cha. ẢNH CHỤP MÀN HÌNH THE TELEGRAPH

Quyền lực của ông Mojtaba được cho là không phải bàn cãi nhưng khả năng ông trở thành người kế nhiệm đã làm nảy sinh lo ngại trong bộ máy lãnh đạo Iran về việc "cha truyền con nối", quy tắc từ triều đại Pahlavi vốn bị các nhà cách mạng phản đối quyết liệt, trong đó có cả ông Ali Khamenei.

"Với hàng chục năm kinh nghiệm trong các hành lang quyền lực, mạng lưới của ông Mojtaba Khamenei trong chế độ là vô song. Nhưng việc bổ nhiệm ông có thể gây tổn hại di sản của ông (Ali) Khamenei khi mang trở lại chế độ quân chủ", chuyên gia an ninh Iran Saeid Golkar tại Đại học Tennessee (Mỹ) nhận định.

Mặt khác, dù từng học thần học và là giáo sĩ giảng dạy tại chủng viện ở vùng đất thánh Qom, ông Mojtaba được cho là chưa có đủ uy tín về mặt tôn giáo cũng như kinh nghiệm điều hành đất nước. Trước khi Lãnh tụ tối cao đầu tiên Ayatollah Ruhollah Khomeini qua đời vào năm 1989, con trai Ahmad của ông, khi đó là chánh văn phòng lãnh tụ, quyền lực hơn nhiều so với ông Mojtaba ngày nay. Ông Ahmad khi đó điều hành công việc của đất nước cùng ông Ali Khamenei và Tổng thống Akbar Hashemi Rafsanjani. Tuy nhiên, sau khi người cha qua đời, ông Ahmad bất hòa với hai vị trên và qua đời vào năm 1995 ở tuổi 49 vì trụy tim.

"Ý kiến cho rằng tham vọng của ông Mojtaba là trở thành lãnh tụ tối cao kế tiếp là điều hoàn toàn không có căn cứ. Đó là viễn cảnh khó có khả năng xảy ra. Dựa trên kinh nghiệm lịch sử, tôi không cho rằng ông Khamenei sẽ hé lộ bất kỳ ai, kể cả con trai ông, làm người kế nhiệm", nhà thần học Mehdi Khalaji tại thành phố Qom (Iran), tác giả một cuốn sách về Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei nói với The Wall Street Journal.

"Giờ đây, với cái chết của ông Raisi, ván bài kế nhiệm của ông Khamenei đã được xáo lại. Kết quả là tâm điểm chú ý giờ lại quay về phía ông Mojtaba", chuyên gia Fathollah-Nejad tại Đức nhận định.

Có thể bạn quan tâm

Cận kề ngày Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ, Anh và Pháp để tấn công Nga và phản ứng của các nước

Cận kề ngày Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ, Anh và Pháp để tấn công Nga và phản ứng của các nước

(GLO)- Sau khi tổng thống Biden quyết định cho Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ để tấn công vào lãnh thổ Nga, Anh và Pháp cũng liền có động thái tương tự. Một số nguồn tin dự đoán vài ngày tới có thể Ukraine sẽ tiến hành những đợt tấn công đầu tiên vào đối phương với tên lửa có tầm bắn tới 306 km.

Triều Tiên tố Hàn Quốc chuyển những thứ rác rưởi sang lãnh thổ của mình

Triều Tiên tố Hàn Quốc chuyển những thứ rác rưởi sang lãnh thổ của mình

(GLO)- Lâu nay, hoạt động tuyên truyền của Hàn Quốc và thả rác thải của Triều Tiên gây nên mâu thuẫn và căng thẳng giữa 2 nước. Tuy nhiên mới đây, đến lượt Triều Tiên tố Hàn Quốc sử dụng truyền đơn và đồ dùng mà Bình Nhưỡng gọi là rác rưởi sang lãnh thổ của mình với mục đích chống phá.

Đức xuống nước thừa nhận sai lầm, Tổng thống Trump nói Nga và Ukraine phải dừng lại

Đức xuống nước thừa nhận sai lầm, Tổng thống Trump nói Nga và Ukraine phải dừng lại

(GLO)- Hãng tin Reuters ngày 15/11 đưa tin Thủ tướng Đức Scholz trong cuộc phỏng vấn với báo Sueddeutsche Zeitung, thừa nhận Đức phải thay đổi mức chi tiêu để ứng phó với "tình trạng khẩn cấp về tài chính" do xung đột ở Ukraine gây ra, sau khi phe đối lập trung hữu đề cập chính sách "phanh nợ".