Chị Nguyễn Thị Mỹ Lợi làm giàu từ nghề nuôi chim yến

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Với việc đầu tư nuôi chim yến và chế biến các sản phẩm từ yến, chị Nguyễn Thị Mỹ Lợi (tổ 8, phường An Phú, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) thu nhập hàng tỷ đồng/năm và tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Trước khi gắn bó với nghề nuôi chim yến, chị Nguyễn Thị Mỹ Lợi từng đầu tư xây dựng và làm Hiệu trưởng Trường Mầm non tư thục Ánh Dương. Năm 2015, khi được giới thiệu mô hình nuôi chim yến, chị Lợi bỏ công tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu, nắm bắt thông tin và quyết định thuê Công ty TNHH Yến Sào Phương Đông (TP. Đà Nẵng) khảo sát, thiết kế nhà nuôi yến.

Nghề kinh doanh, chế biến tổ yến đem lại thu nhập hàng tỷ đồng/năm cho gia đình chị Nguyễn Thị Mỹ Lợi (phường An Phú, thị xã An Khê). Ảnh: A.P
Nghề kinh doanh, chế biến tổ yến đem lại thu nhập hàng tỷ đồng/năm cho gia đình chị Nguyễn Thị Mỹ Lợi (phường An Phú, thị xã An Khê). Ảnh: A.P

Từ số tiền tích góp và vay mượn hơn 700 triệu đồng, chị Lợi đầu tư xây dựng nhà yến quy mô 2 sàn với tổng diện tích 200 m2 tại hẻm Lê Duẩn (tổ 8, phường An Phú). Nhà nuôi yến xây dựng kiên cố, bên trong lót một lớp xốp cách âm, cách nhiệt. Mỗi sàn lắp đặt hệ thống phun sương nhằm ổn định nhiệt độ, độ ẩm phù hợp với môi trường sinh sống của chim yến; lắp đặt camera giám sát bên trong và bên ngoài; trên trần đóng từng ô vuông bằng gỗ nhập khẩu đã qua xử lý không thấm nước, tránh mối mọt để chim yến làm tổ.

“Bên cạnh lắp đặt thiết bị tạo âm thanh bên ngoài để dẫn dụ chim yến, mỗi sàn, tôi lắp đặt hệ thống loa bên trong thường xuyên phát ra tiếng chim ríu rít cho đàn yến yên tâm làm tổ”-chị Lợi cho biết.

Theo chị Lợi: Thời gian đầu, do kỹ thuật chưa phù hợp nên lượng chim yến về trú ngụ, làm tổ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chị phải thay đổi, điều chỉnh hệ thống âm thanh và tạo môi trường phù hợp. Sang năm thứ 3, chim yến sinh sản và về làm tổ ngày một nhiều. Từ đó, chị Lợi đã có thể thu hoạch tổ yến.

Nhằm mở rộng quy mô nuôi yến, năm 2021, chị Lợi sang nhượng Trường Mầm non tư thục Ánh Dương được hơn 1 tỷ đồng để mua 100 m2 đất trong khu vực cho phép xây dựng nhà nuôi yến tại thôn An Thượng 1, xã Song An. “Rút kinh nghiệm từ nhà yến đầu tiên, với nhà yến thứ 2, tôi đầu tư xây dựng bài bản, hệ thống âm thanh, máy móc đúng tiêu chuẩn. Vì vậy, chỉ sau 1 năm đã có tổ yến để thu hoạch”-chị Lợi phấn khởi nói.

Hiện nay, 2 nhà yến của chị Lợi có hơn 10 ngàn con chim yến về làm tổ. Năm 2023, chị thu khoảng 100 kg tổ yến thô. Chị cho hay: “Với yến thô, tôi bán giá 18-22 triệu đồng/kg, còn yến sơ chế 24-35 triệu đồng/kg. Ngoài ra, tôi làm thêm sản phẩm yến chưng đường phèn đông trùng hạ thảo, yến chưng đường phèn với hạt chia đóng hũ, yến tươi đóng gói loại 100 gram nhằm đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu khách hàng; mang lại doanh thu cho gia đình gần 2 tỷ đồng/năm”.

Cuối năm 2023, chị Lợi thành lập Công ty TNHH một thành viên Yến Sào Mỹ Lợi và xưởng chế biến Yến Sào Mỹ Lợi; đồng thời, đầu tư máy móc, dụng cụ sơ chế, đóng gói, dán nhãn sản phẩm. Chị Lợi khẳng định: Để giữ hương vị, dinh dưỡng tổ yến, Công ty sơ chế, chế biến hoàn toàn bằng thủ công. Hiện có 10 lao động chuyên nhặt lông, sơ chế tổ yến với thu nhập 6-10 triệu đồng/người/tháng.

Chị Trịnh Thị Ánh Nguyệt (bìa phải, ở thôn An Phong, xã Phú An, huyện Đak Pơ) nhận sơ chế, nhặt lông tổ yến đem lại thu nhập ổn định. Ảnh: An Phát

Chị Trịnh Thị Ánh Nguyệt (bìa phải, ở thôn An Phong, xã Phú An, huyện Đak Pơ) nhận sơ chế, nhặt lông tổ yến đem lại thu nhập ổn định. Ảnh: An Phát

Từ năm 2022 đến nay, chị Trịnh Thị Ánh Nguyệt (thôn An Phong, xã Phú An, huyện Đak Pơ) nhận tổ yến thô của Công ty TNHH một thành viên Yến Sào Mỹ Lợi về nhà gia công. Ban đầu chưa quen việc, chị Nguyệt được chị Lợi hướng dẫn quy trình ngâm, dùng nhíp nhặt từng mảnh tạp chất, lông nhỏ li ti cho đến khi tổ yến trắng sạch. “Thời gian đầu, tôi làm việc tại nhà chị Lợi. Sau thì đem về nhà làm để thuận tiện chăm sóc con cái. Mỗi tháng, tôi thu nhập 5-7 triệu đồng”-chị Nguyệt nói.

Nhận xét về mô hình sản xuất, kinh doanh yến sào của chị Lợi, ông Trương Quốc Thắng-Chủ tịch Hội Nông dân thị xã An Khê-cho biết: Chị Nguyễn Thị Mỹ Lợi là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nông dân thị xã nhiệm kỳ 2023-2028. Những năm qua, mô hình nuôi yến lấy tổ và sơ chế tổ yến của chị Lợi mang lại thu nhập cao cho gia đình, mở ra hướng đi mới trong chăn nuôi cho hội viên nông dân trên địa bàn.

Giai đoạn 2017-2023, gia đình chị Lợi đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Ngoài sản xuất, kinh doanh giỏi, chị còn tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước do địa phương phát động; đóng góp các loại quỹ, giúp đỡ hộ nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn.

“Tới đây, Hội phối hợp với các phòng, ban chuyên môn hướng dẫn chị Lợi làm thủ tục đăng ký sản phẩm OCOP đối với sản phẩm yến sào. Đồng thời, khuyến khích gia đình đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm yến, tạo thêm nhiều việc làm cho hội viên, người lao động địa phương”-ông Thắng thông tin.

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.