Triển lãm bonsai nghệ thuật: Hấp dẫn, bổ ích

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Trên 300 tác phẩm trưng bày tại triển lãm bonsai nghệ thuật đã làm mãn nhãn đông đảo khách tham quan khi dạo bước trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh Gia Lai vào tối 16-3.

Chương trình do Câu lạc bộ (CLB) Bonsai nghệ thuật Pleiku Phố phối hợp với Bảo tàng tỉnh tổ chức nhân kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng tỉnh (17/3/1975-17/3/2024).

Ngoài CLB Bonsai nghệ thuật Pleiku Phố, triển lãm còn có sự tham gia, hưởng ứng của 5 CLB, hội sinh vật cảnh gồm: Hội Sinh vật cảnh huyện Mang Yang, Chi hội Sinh vật cảnh huyện Đak Pơ; các CLB Bonsai: Đông Gia Lai, Cheo Reo và Kon Tum. Ngoài ra, CLB Thư pháp Chữ Việt Pleiku cũng tham gia trưng bày nhiều tranh và chữ thư pháp, qua đó tôn lên vẻ đẹp của một thú chơi thanh nhàn.

Cuộc “hội ngộ” hiếm hoi của 300 tác phẩm bonsai tại triển lãm đã níu giữ chân khách tham quan thật lâu để nhìn ngắm, thán phục công phu của các nghệ nhân. Hơn 50 loài như: thông ba lá, thông đen, sanh, duối, linh sam, tùng, duyên tùng, mai chiếu thủy… được chăm chút, uốn nắn tỉ mẩn để tạo ra đủ các dáng thế độc lạ như: trực, xiêu, hoành, huyền.

Giá trị mỗi tác phẩm dao động từ vài triệu đồng đến cả tỷ đồng tùy vào giá phôi gốc, thời gian tạo tác và công sức của nghệ nhân. Qua đôi tay khéo léo và gu thẩm mỹ của con người, các loài “cổ thụ thu nhỏ” này đã trở thành tác phẩm nghệ thuật vô cùng sống động, thu hút. Những cội rễ in hằn dấu vết thời gian mang lại cho cây dáng vẻ thật cổ kính, vững chãi. Mỗi cây ẩn tàng một ý nghĩa riêng, một triết lý sâu xa, chuyển tải tâm hồn người nghệ sĩ.

Nghệ nhân chăm chút cho các tác phẩm bonsai như đứa con cưng. Ảnh: L.N

Nghệ nhân chăm chút cho các tác phẩm bonsai như đứa con cưng. Ảnh: L.N

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Thanh Toàn-Chủ nhiệm CLB Bonsai nghệ thuật Pleiku Phố-cho biết: Câu lạc bộ được thành lập cách đây hơn 1 năm, tập hợp 24 thành viên ở TP. Pleiku có cùng đam mê. “Người xưa có câu: “Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ kiểng”.

Chơi cây cảnh là 1 trong 4 thú vui tao nhã và phổ biến hơn cả, bởi từ nông dân, trí thức hay người làm nghề kinh doanh đều có thể chơi, miễn là có tình yêu thiên nhiên và con mắt thẩm mỹ”-ông Toàn chia sẻ.

Dạo bước giữa vườn bonsai với đủ loài đẹp mắt, anh Nguyễn Thành Hội (phường Đống Đa, TP. Pleiku) chia sẻ: “Tôi cũng đam mê bonsai, nhưng do không gian sân vườn của gia đình nhỏ hẹp nên chơi không nhiều. Hôm nay đi ngang Quảng trường Đại Đoàn Kết, thấy khai mạc triển lãm nên tôi ghé lại. Đúng là các tác phẩm ở đây quá đẹp, quá công phu”.

Còn anh Ngô Tiến Mạnh (CLB Bonsai Kon Tum) thì hào hứng: “Chúng tôi đã tham gia nhiều triển lãm lớn trong cả nước nhưng đây là lần đầu tiên trưng bày tại Gia Lai. Không khí rất vui, rất đoàn kết, từ đó góp sức quảng bá, đẩy mạnh phong trào chơi bonsai nghệ thuật trong khu vực”.

Triển lãm thu hút đông đảo khách tham quan. Ảnh: L.N

Triển lãm thu hút đông đảo khách tham quan. Ảnh: L.N

Tại lễ khai mạc, Ban tổ chức đã đấu giá một số tác phẩm nghệ thuật như: bonsai, gốm, gỗ mỹ nghệ, thư pháp… để gây quỹ cho CLB Bonsai nghệ thuật Pleiku Phố hoạt động, đồng thời tham gia một số hoạt động thiện nguyện. Buổi đấu giá đã làm “nóng” bầu không khí của triển lãm dù trời dần về khuya.

Anh Trần Ngọc Sơn (TP. Pleiku), người giành quyền sở hữu cây phi lao bonsai với mức giá 16,068 triệu đồng sau cuộc “rượt đuổi” căng thẳng-chia sẻ: “Tôi mê ý nghĩa của cây phi lao với tinh thần chống chọi gió cát và nghị lực vượt khó, không gục ngã. Vì vậy, tôi rất vui khi mua được nó”. Tổng cộng có 12 tác phẩm được đưa ra đấu giá, bổ sung vào quỹ của CLB Bonsai nghệ thuật Pleiku Phố gần 100 triệu đồng.

Cũng tại triển lãm, nhà thiết kế Nguyễn Hạnh đã tổ chức đấu giá thành công 1 chiếc áo dài trong bộ sưu tập “Áo dài di sản” vừa trình diễn tại sự kiện Tuần lễ Áo dài Việt Nam ở Hà Nội. Chiếc áo dài độc đáo, có in hình thắng cảnh Biển Hồ đã được chốt giá cao nhất là 11 triệu đồng.

Nhà thiết kế Nguyễn Hạnh cho biết: Toàn bộ số tiền này sẽ được sung quỹ CLB Áo dài Sống Xanh nhằm may tặng áo dài cho những nữ sinh vượt khó, có thành tích học tập xuất sắc.

Một số tác phẩm được đưa ra đấu giá để gây quỹ. Ảnh: L.N

Một số tác phẩm được đưa ra đấu giá để gây quỹ. Ảnh: L.N

Chủ nhiệm CLB Bonsai nghệ thuật Pleiku Phố thông tin thêm: Triển lãm sẽ kéo dài đến hết ngày 22-3 nhằm tạo không khí sinh hoạt văn hóa tinh thần hấp dẫn cho người dân và du khách. Hy vọng thú chơi lành mạnh này sẽ tiếp tục được ủng hộ, nhân rộng để người dân Phố núi có thêm món ăn tinh thần đặc sắc, cảnh quan Pleiku được điểm xuyết thêm những tác phẩm bonsai nghệ thuật. Khách du lịch cũng từ đó mà hiểu thêm tâm hồn lãng mạn của người dân Phố núi.

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.