Cô bé lớp 1 cõng bạn đến trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
6 giờ rưỡi sáng, Y Juyên (lớp 1, Trường tiểu học - THCS Lê Lợi, ở P.Lê Lợi, TP.Kon Tum, Kon Tum) đến trường. Trên lưng cô bé là cậu bạn cùng lớp A Đinh và 2 chiếc ba lô đựng đầy sách vở. Kể từ ngày bước vào năm học mới, Y Juyên đã tình nguyện cõng người bạn khuyết tật của mình tới lớp.

A Đinh sinh ra trong một gia đình nghèo ở làng Plei Rơ Hai 1 (P.Lê Lợi, TP.Kon Tum). Gia cảnh khó khăn khiến cha em bỏ đi biệt tích. Hơn 1 tuổi, A Đinh bị sốt cao, hoàn cảnh thiếu thốn nên gia đình đành để em tự khỏi. Thế nhưng căn bệnh bại liệt quái ác đã cướp đi đôi chân của em. Từ đó, cuộc sống hằng ngày của A Đinh chỉ quẩn quanh nơi góc nhà, hết nằm rồi lại ngồi.

Cô bé Y Juyên đã viết nên câu chuyện đầy cảm động về tình bạn và sự sẻ chia. Ảnh: ĐỨC NHẬT
Cô bé Y Juyên đã viết nên câu chuyện đầy cảm động về tình bạn và sự sẻ chia. Ảnh: ĐỨC NHẬT

Vì mưu sinh, năm A Đinh 2 tuổi, người mẹ gửi con cho ông bà ngoại chăm sóc rồi vào Bình Dương làm thuê. Mỗi tháng mẹ A Đinh chỉ gửi về khoảng 1 triệu đồng để nuôi con. Mọi gánh nặng cơm áo gạo tiền đều đè nặng lên đôi vai ông bà ngoại của A Đinh đã ngoài 60 tuổi. Gia đình ông bà ngoại là hộ cận nghèo trong làng, không có công việc ổn định nên ai thuê gì thì làm nấy. Ngoài cháu ngoại, ông bà còn đang phụng dưỡng người mẹ già.

Năm học 2023 - 2024, được sự động viên của các cô giáo và chính quyền địa phương, ông bà ngoại đã đồng ý cho A Đinh đi học. Thế nhưng, với đôi chân bại liệt, em chẳng thể tự đến trường và trở về nhà.

Những ngày đầu đi học, A Đinh được ông bà cõng đến trường nhưng vì cuộc sống mưu sinh, ông bà ngoại chẳng thể đưa đón cháu mỗi ngày. Việc đến trường của A Đinh đối với gia đình trở thành vấn đề nan giải.

Là hàng xóm, lại học cùng lớp, khi biết chuyện bạn muốn đi học, Y Juyên đã tình nguyện đưa bạn đến trường. Sáng nào cũng vậy, cứ 6 giờ, Y Juyên lại xuất hiện trước cửa nhà để chờ đón bạn. Đoạn đường đến trường chưa đến 1 cây số nhưng Y Juyên phải dừng nghỉ lấy sức mấy lần. Tấm lưng nhỏ nhắn của cô bé cũng ướt đẫm mồ hôi.

"Mấy ngày đầu cõng bạn, vai em đau, còn chân mỏi rã rời. Em mệt lắm nhưng không muốn bạn nghỉ học nên cứ cố gắng. Có hôm nghỉ dọc đường nhiều quá nên em và bạn bị trễ học, hôm sau em đi sớm hơn", Y Juyên tâm sự.

Cô Nguyễn Thị Lượng, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học - THCS Lê Lợi, cho biết những ngày đầu đi học, A Đinh rất nhút nhát, tự ti và mặc cảm với bạn nên không giao tiếp với thầy cô, bạn bè. Việc đi lại, vệ sinh cá nhân trên lớp của A Đinh đều dựa vào sự trợ giúp của Y Juyên. Dù chưa đầy 7 tuổi nhưng Y Juyên đã có ý thức chia sẻ những khó khăn với bạn bè. Để các em đỡ vất vả hơn, nhà trường đã kêu gọi và được nhà hảo tâm hỗ trợ một chiếc xe lăn cùng hai suất học bổng trị giá 12 triệu đồng/năm cho A Đinh và Y Juyên.

"Y Juyên chỉ cao hơn mặt bàn một xíu nhưng vẫn cố gắng giúp bạn đến trường. Đây là một tình bạn đẹp của hai em, là tấm gương sáng để bạn bè học tập, noi theo nhằm vượt qua mặc cảm, vươn lên", cô Lượng nói.

Có thể bạn quan tâm

Bên dòng Đăk Bla

Bên dòng Đăk Bla

Sông Đăk Bla thường được gọi với tên gọi “Dòng sông chảy ngược” cùng những truyền thuyết, thần thoại. Thế nhưng, không chỉ có sự độc đáo và bí ẩn đầy hấp dẫn, Đăk Bla còn là dòng sông mang lại sự trù phú, ấm no với những bãi bồi xanh mướt cây trồng và tiềm năng kinh tế du lịch đang được “đánh thức”.

Chùm ảnh: Ruộng bậc thang Kon Tu Rằng vào mùa lúa chín

Infographic Chùm ảnh: Ruộng bậc thang Kon Tu Rằng vào mùa lúa chín

Vào tháng 6 hàng năm, những thửaruộng bậc thang thôn Kon Tu Rằng (xã Măng Cành, huyện Kon Plông) bắt đầu chín rộ. Những thửa ruộng bậc thang vàng rực, trải dài ven các triền núi xanh ngát xuống bờ sông Đăk Bla khiến khung cảnh nơi đây trở nên tuyệt đẹp, thu hút đông đảo du khách đến thưởng ngoạn.

Bắt chồng giữa đại ngàn

Bắt chồng giữa đại ngàn

Nằm nép mình dưới chân núi Voi hùng vĩ, thôn Đarahoa hiện có hơn 340 hộ dân sinh sống, trong đó 80% là đồng bào dân tộc K’Ho. Không chỉ nổi bật bởi khung cảnh đại ngàn thơ mộng, Đarahoa còn gìn giữ một trong những phong tục đặc sắc bậc nhất của người K’Ho, tục "bắt chồng".

null