Nhàn đàm: Mùa hoa cải nhớ thương  

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Giữa đông - rét ngọt. Được mấy buổi về quê, tôi lại lang thang triền đê những ngày hanh hao, dìu dịu.

Mặt nước sông lững lờ như bài đồng dao ai vô tình thả trôi. Mây trời bàng bạc, nhuộm bóng những người đi chợ qua đò về sớm. Đám cỏ may xơ xác bận bịu níu chân người xuống bến. Xa xa, cuối tầm mắt, những cánh chim trời lẻ bạn bâng khuâng. Và kìa, thả bộ tiếp xuống bãi sông vắng, phía rìa mặt nước - cả một trời hoa cải, miên man, rộn rã.

Tôi ngồi xuống vệ cỏ, mê mải ngắm cái thảm vàng huyễn hoặc. Những cánh hoa mong manh, rực rỡ khẽ rung trong gió, lòng bỗng nhớ da diết mùa cải năm nào.

Ngày bà cố còn sống, nhà bà ngay sát đê. Mùa đông, những đợt mẹ bận lên miền ngược, tôi được gửi xuống đó. Mấy ngày đầu nhớ mẹ tôi khóc ti tỉ nhưng rồi cái bếp lửa rực hồng, những củ khoai, sắn nướng thơm lừng đã mê dụ. Tôi gia nhập đội quân xóm Bến với đủ trò chơi ăm ắp từ sáng sớm đến cuối ngày. Buổi chiều, đàn bò được lùa lên đê gặm cỏ, lũ trẻ tung hoành ngang dọc. Gió rét xám da, cả lũ quơ củi cành, bẹ ngô, thân đỗ khô đốt lửa sưởi. Không gian rộn ràng, ấm áp. Nhưng chẳng hiểu sao, hút mắt tôi nhất lại là những vạt cải. Tôi tách khỏi lũ trẻ trong xóm, chạy ào xuống bãi; lặng người trước đám nắng bừng lên từ đất, thầm thì tự hỏi: ai đã gieo trồng cho nắng nở giữa ngày đông? Và khí lạnh bỗng lùi xa đâu đó; rập rờn từng đàn bướm như đang mở vũ hội khai hoa. Dường như có một mùa xuân được ủ kỹ tự bao giờ để đến ngày bật mầm ngơ ngác.

Có hôm, đang ngẩn ngơ với hoa và bướm, tôi bỗng bắt gặp một người phụ nữ với đôi quang thúng quẩy nước từ bến sông lên. Là để tưới những luống rau non đang lây phây trong gió, còn đám cải, giờ chỉ đợi già để cắt về lấy hạt. Cô mau mắn hỏi, tôi là con cháu nhà ai, sao rét mướt này lại loanh quanh ở bãi sông một mình cho lạnh? Khi nghe đến bà cố tôi và niềm háo hức của tôi với những bãi cải vàng như cổ tích, cô cười hiền hậu, nhắn nhủ. Thế thì chiều chiều cứ ra đây chơi với cô, tha hồ mà ngắm, tưới rau xong cô đưa về tận nhà. Cô lạ gì ngõ nhà bà cố mày.

Và thế là bắt đầu những chuỗi ngày tôi như con nghé con loanh quanh theo chân trâu mẹ trên bãi bờ hanh hao nắng gió - nơi có thế giới của riêng tôi: ngọt lành và trong trẻo. Tôi thả sức lăn lóc trên bờ cỏ, thám thính từng gốc cải mong manh với những cái thân xù xì mà cứng cỏi. Mùi cỏ hăng, mùi đất ngấu; mùi của sông nước hòa lẫn hương phù sa và mùi… hoa cải. Tôi cam đoan với cô rằng, tôi đã ngửi thấy mùi hương của những bông cải cuối mùa. Cô cười xòa, bảo tôi ngắt một ít mang về để mùi hoa cải được theo về trong xóm. Ôi những bông hoa cải và sự dịu dàng của cô - lặng thầm mà rạng rỡ; sưởi ấm lòng tôi những ngày chông chênh, xao xác.

Thế rồi, cũng đến ngày mẹ trở lại. Mẹ xin phép bà cố đưa tôi về nhà. Trên đường ngang qua con đê xào xạc, tôi như nhìn thấy lũ trẻ hàng xóm đang cười đùa vang cả khúc sông; tôi thấy những cánh bướm chập chờn trong gió. Cả những vồng nắng chập chờn trôi theo vòng bánh xe, lăn mãi. Mặt sông hắt sáng lên như nụ cười thư thả của cô người làng tưới nước. Và mùi hoa cải len lỏi cùng với gió, theo tôi về tận xa xôi. Thơm mãi!

Theo Nhất Mạt Hương (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.