Đường đến trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong cuộc đời, ai cũng có một thời học sinh đáng nhớ. Tôi cũng vậy. Những ngày này, tôi lại nhớ về những năm tháng cùng bạn bè tung tăng trên đường đến trường, đến lớp.

Cũng vẫn là con đường nhỏ thân quen ấy, nhưng dường như không lặp lại bao giờ mà thay đổi theo ngày, theo mùa, theo cảm xúc của chúng tôi. Tuổi học trò đi trong hương đồng, hương lúa, cặp sách cũng căng phồng gió đồng, gió ruộng, gió sông. Ôi mái trường làng, mái trường xưa, cửa sổ mở ra cánh đồng bát ngát, phóng tầm mắt ra xa vượt lên lũy tre làng. Sân trường và bóng cây bàng, cây phượng với hoa mười giờ nở đúng như nhịp đồng hồ, với tiếng trống trường rộn rã. Đường đến trường ghi nhận những bước chân sáo đầu tiên líu lo ríu rít bạn bè bên nhau cùng chia nhau từng củ khoai nướng, quả bắp luộc xuýt xoa cái lạnh giá, nụ cười như có khói. Rồi cả những hộp diêm có chú dế nhỏ hay những con gụ, con xoay tít mù, xoay như chong chóng của tuổi thơ. Đường đến trường ghi dấu ấn tuổi học trò lớn lên đường nối dài hơn, từ đi bộ đến chở nhau bằng xe đạp, bánh xe quay rộn ràng, tíu tít rồi những dòng lưu bút mực tím bịn rịn chia tay lưu luyến, bồi hồi.

  Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang


Những năm chiến tranh, đường đến trường đi dưới những giao thông hào chạy ngoằn ngoèo qua bao ngõ xóm. Lớp trẻ chúng tôi đầu đội mũ rơm được đan, được bện óng chuốt những sợi rơm vàng mùa gặt còn thơm vị lúa, mùi rơm cọ ram ráp má mình, sợi rơm quấn vào sợi tóc hoe vàng khét nắng. Cứ thế rồng rắn nối nhau đến lán học được đắp lũy đất xung quanh cỏ mọc như tấm áo giáp xanh được ken bằng những thân tre. Tôi lại nhớ đến những địa đạo mà tiếng trẻ học bài âm âm trong lòng đất, ngọn đèn hạt đổ nảy mầm trong lòng đất. Bài giảng của thầy, của cô trong lòng đất chắp cánh cho học trò tưởng tượng một mặt đất phập phồng tràn ánh nắng hương hoa líu lo chim hót, lại có những quả bom bi nổ chậm hình quả dứa dễ đánh lừa lẫn vào cây cỏ.

Có thể nói, đường đến trường đến với tri thức khoa học rộng lớn bắt đầu từ những điều nhỏ bé, gần gụi mà cụ thể, sinh động biết bao. Nếu không có vòng tay thiên nhiên, hơi thở thiên nhiên, sự biến đổi kỳ diệu thiên nhiên thì làm sao đánh thức dậy trong ta, nuôi dưỡng tâm hồn ta từ vẻ đẹp ngân nga tiếng Việt. Đường đến trường tựa như nhịp võng nối hai đầu mái trường và mái nhà, gia đình và thầy cô, bạn bè. Đó cũng như nhịp cầu đầu tiên đưa ta vào đời, cái cập kênh cho và nhận, tung và hứng đã dần định vị thăng bằng đối trọng kể cả trong đối nhân xử thế, học cốt cách làm người.

Những ngày tháng 11, tôi lại nhớ con đường đến trường của những lớp học vùng cao chập chùng giữa núi non, đèo dốc chênh vênh, sương mù bao phủ. Nhớ sao hình ảnh những thầy-cô giáo cắm bản đã gieo cả tuổi xuân sắc của mình vào màu xanh lá rừng để ươm từng con chữ như ươm từng hạt bắp vào các hốc đá sườn đồi; nhóm từng con chữ như nhóm từng ngọn lửa, nhóm từng niềm tin, niềm vui. Cái chữ mang theo biết bao nhọc nhằn nhưng đầy ắp yêu thương cùng tấm lòng hết lòng vì học sinh thân yêu của lớp lớp thế hệ nhà giáo. Có cả những thầy giáo “quân hàm xanh” góp công sức gieo chữ trồng người để bảo vệ bình yên Tổ quốc... Chợt trong tôi bỗng ngân vang giai điệu rộn ràng, tươi tắn của bài hát “Đi học” (thơ Hoàng Minh Chính, nhạc Bùi Đình Thảo): “Hương rừng thơm đồi vắng/Nước suối trong thầm thì/Cọ xòe ô che nắng/Râm mát đường em đi”. Và, đường đến trường chính là con đường thơm hương nắng vượt qua bao gian khó để con chữ nảy mầm nâng bước tương lai.

 

 NGUYỄN NGỌC PHÚ

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.