Xôn xao hương rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi hay bị lạc vào cảm xúc hỗn độn mỗi khi có dịp ở giữa một rừng cây. Khi xung quanh tôi là những thân cây lớn bé, tầng tầng lớp lớp quấn lấy nhau trong một quần thể thực vật biếc xanh từ mặt đất lên đến tận vòm cao. 
Những lúc như vậy, lòng tôi thốt nhiên vừa phấn khích vừa lặng yên, vừa xôn xao vừa khắc khoải… Vừa như muốn hét lên một âm thanh thật vang động để đánh thức sự thanh tĩnh, vừa muốn gượng thật nhẹ bước chân để đừng làm lay động cây lá quanh mình.
Tôi chọn một rễ cây vồng lên mặt đất để làm chỗ nghỉ chân, ngồi tựa lưng vào thân cây xù xì, mốc thếch. Ai đó đã bày cho tôi cách xem tuổi của cây qua từng lớp vân gỗ, nhưng giữa rừng, giữa những thân cây đang lừng lững vươn giữa cao xanh, tôi chỉ có thể tự mình đặt câu hỏi: Mất bao nhiêu thời gian để một hạt mầm bật nhú chồi non, vươn những chiếc rễ bé xíu bám vào trong đất, vượt qua bao nhiêu mưa nắng để thành một đại thụ vững chãi nhường kia? Chắc phải lâu, lâu lắm. Khi tôi đặt nhẹ những ngón tay lên lớp biểu bì của một thân cây, bằng cái chạm tay thật khẽ, gần như là gượng nhẹ, tôi đã có được cảm giác dịu mát của lớp rêu xanh phủ suốt dọc thân cây. Cuộc đời của một cái cây, đôi khi không phải chỉ sống cho mình nó. Lớp vỏ bao bọc thân cây là nơi cho đám rêu nhỏ bé cư trú. Trên những chiếc cành vươn ra trong nắng mưa cõng thêm hằng hà tầm gửi. Phía dưới gốc lại là chỗ dựa cho đám thân bụi, dây leo… Có phải vì một đời sống cây lá cộng sinh như vậy nên người ta mới gọi là rừng. Có phải vì biết nương náu, quấn quýt bên nhau mà cây lá biết xôn xao niềm vui bốn mùa. Tôi đã lặng đi và cứ lặng đi mãi thật lâu khi nhìn thấy những bông mua lác đác nôn nao tím trong đám lá rậm rạp, những cánh lan rừng đẹp như bước ra từ một giấc mơ nhẹ buông xuống từ những cành cây chằng chịt dây leo và tầm gửi, ngay cả những thân rêu xanh cũng nở những bông hoa như những chiếc móc câu bé tí xíu, hình như người ta gọi là hoa ưu đàm.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Giữa một khu rừng ngợp những cây, thứ hương vị duy nhất tôi có thể cảm nhận là hương của thời gian. Mùi lá mục đang hoai vào trong đất luôn gợi ra vô vàn xúc cảm trong cái đầu lúc nào cũng chật căng những hoài niệm vui buồn của tôi. Thời gian cất vào lòng nó những khua động rộn rã vẹn nguyên của khu vườn chớm hạ. Khi cơn mưa đầu mùa qua đi, những bông dủ dẻ thơm ngọt như ướp cả mùi hương vào trong giấc ngủ. Cái võng kết bằng dây đay buộc giữa hai thân cây nơi góc vườn chằng chịt những mối nối bởi luôn bị quá tải trong những ngày hè rộn rã của chúng tôi. Nằm đung đưa trên võng trong một buổi trưa hiu hiu gió, nhìn những đốm nắng xuyên qua vòm lá lọt xuống nhảy nhót theo từng nhịp đu đưa và tan vào tiếng nói cười ồn ã. Bao nhiêu năm trôi qua đem theo giấc mơ từ những vòm lá của buổi trưa hè xao động, theo bước chân cơm áo và chúng tôi đã đánh rơi ký ức, để lạc mất tuổi thơ, lạc mất nhau, lạc mất cả mình… Nếu không có một buổi trưa ngồi tựa lưng ngước nhìn lên xôn xao vòm lá giữa bạt ngàn xanh, tôi liệu còn có thời khắc nào đó để nhìn ngắm một sắc hoa vừa đượm, lắng nghe một tiếng ve rừng yếu ớt vọng xuống nhưng cũng đủ để phát đi một tín hiệu báo mùa hè, để rồi miên man xuôi ngược trong ký ức.
Phố nhỏ của tôi, người già bảo xưa kia rừng theo vào tận những con đường nằm phía ngoại ô. Thú rừng thỉnh thoảng còn đi lạc cả vào đường phố. Tôi luôn mường tượng về niềm hạnh phúc khi ngay cả trong giấc ngủ, con người cũng có thể nghe âm thanh xạc xào của cây lá, nghe con nai, con hươu tác lên những tiếng da diết gọi bạn và côn trùng ri rích những thanh âm dịu nhẹ vọng vào đêm mang mang vọng tưởng. Người già rồi cũng tựa cây rừng, sống lâu thì thành đại thụ, thành nơi để chúng tôi nương náu, dựa dẫm, như cảm giác lúc đôi chân đã mỏi, được ngồi tựa vào một miền dịu mát, ngọt lành.
Tôi như trôi đi giữa biêng biếc xanh, trong cảm giác mát lành và thênh thênh vô cùng tận. Nhắm mắt hít thật sâu mùi lá mục đang hoai đi trong đất, tôi nghĩ về tuổi thơ, về người già, về những cánh rừng đã lùi xa dần về ký ức. Và dậy lên trong tôi vào những thời khắc ấy, là xôn xao hương rừng.
CHÂU KHÁNH

Có thể bạn quan tâm

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…