Chớm hạ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chớm hạ! Phượng đỏ rực mấy chùm, bằng lăng thao thiết tím. Chợt lòng mình ngổn ngang niềm nhớ.

Chớm hạ, có lúc tần ngần đứng lại giữa đường lắng nghe từng âm thanh, khí sắc quen thuộc đã đi qua đời mình từ hồi tấm bé. Tiếng chim gáy trầm ấm vang xa; tiếng chim gọi vịt vút lên, ngân dài đến cuối nhịp; tiếng con ve lạc lõng giật mình từ vòm cây xanh ngắt. Phượng đỏ rực mấy chùm, bằng lăng thao thiết tím. Chợt lòng mình ngổn ngang niềm nhớ.
Đám trẻ ngày xưa đã luống tuổi. Dấu thời gian vô tình đi qua mái tóc, hằn vết chân chim nơi đuôi mắt ngả màu, trên gò má nhuốm sắc cuộc mưu sinh. Cả trái tim, tuy vẫn cần mẫn với nhịp đập nhưng đã vơi dần nhiệt huyết cho búi cơ lỏng nhão, xương khớp mỏi đau. Cả khối óc cũng vơi bớt những khát khao hoài bão của một thời tuổi trẻ. Lối cũ ta quay về với hoài niệm tháng 5.
Đã mệt nhoài dâu bể, ta chợt nhớ bờ tre già quanh xóm nhỏ đầy ắp tiếng chim; nhớ dòng sông quê lững lờ con nước quanh năm động thức âm thanh của lở bồi, đầy vơi; của làng mạc, ruộng đồng mà sông đã đi qua, cùng sông cộng sinh cuộc sống. Nhớ ngôi trường làng cách nhà không xa mà bước chân những ngày đầu rất mỏi; nhớ tiếng ê a đọc bài ngập tràn không gian lớp học mái tranh, vách đất theo nhịp thước gõ vào bảng gỗ của cô giáo về làm dâu cùng xóm mà trang nghiêm, vời vợi cách xa! Vẫn cây phượng ấy, cớ sao chùm hoa bật thức sau mấy trận mưa rào, dẫu không làm dịu bớt hơi nóng hầm hập ùa vào khuôn cửa hẹp nhưng vẫn lộng lẫy và cao sang, cả tiếng con ve giật mình lạc lõng cũng trở nên quá đỗi diệu kỳ. Kỳ nghỉ hè đầu tiên trong đời đã điểm!
Nhớ nhau tìm về. Không gian quê nhà của ngày xưa đã nhiều thay đổi. Muốn băng qua con đường đất sang nhà người bạn thuở thiếu thời mà chẳng thấy đâu. Đường liên xã trải nhựa rộng thênh, phẳng phiu, thẳng tắp. Đường liên xóm bê tông, mất dần cái dáng quanh co rắn lượn. Muốn sà vào nhau câu chuyện ngày xưa lại gặp mấy cháu bé lễ phép cất lời chào thưa. Băng qua cánh đồng một thuở có bàu nước hẹp, con mương cạn bờ đất um tùm cỏ dại là nơi ẩn mình của con tép, con rô, giờ chỉ thấy kênh mương kiên cố, tưới tiêu chủ động vụ mùa. Tìm về cuối cánh đồng, quãng tiếp giáp bờ sông ngút ngàn lau sậy là thiên đường họ nhà chim nước lại gặp bờ kè, đường đê cứng hóa, nhà tầng view sông. Chợt nhớ tiếng con gà nước lễnh loãng cuối chiều, tiếng con chim cuốc lúc rã rời, khi giục giã cho đêm hè thêm rang, thêm bức. Ngang qua chiếc cầu xây kiên cố, nhớ bến sông mùa khô có chiếc cầu tre vắt vẻo; mùa mưa có chiếc đò nhẫn nại, kiên gan vượt dòng nước dềnh cuộn chảy đưa khách nối đôi bờ.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Ngồi lại cùng người thân bữa cơm chiều tiện nghi bàn ghế, đèn điện bật sáng, thức món tinh tươm, chợt nhớ bữa cơm bày ra giữa vuông sân trước nhà tranh thủ ánh sáng cuối ngày cả nắng lấy chiếc nia tre làm mâm, nhường nhau phần cơm trắng, miếng cá kho mặn thuở nào. Mẹ buông đũa trước, nói: “Mẹ đã no”. Chỉ nhớ ánh mắt mẹ nhìn đàn con háu đói mà bùi ngùi mắt ngấn nước nỗi nhà, cảnh nước một thời…
Đám trẻ ngày xưa đã chạm ngưỡng tuổi già. Quy luật thời gian làm sao cưỡng lại. Kỷ niệm nâng niu dù phần nhiều là những khó nghèo, lam lũ mà trân quý, thân thương, đâu chỉ là câu chuyện nhắc nhớ mà cả sự giữ gìn, sẻ chia. Những đứa trẻ hôm nay-các chàng trai, cô gái ngày mai sẽ lấp đầy tháng năm bằng những khát khao, bằng bước chân vội vã đi về phía trước, thỏa sức vẫy vùng cùng chân trời mới. Để rồi khi bàn chân mỏi, phút dừng lại lắng lòng trước không gian quen thuộc, ngoái nhìn con đường đã qua có nỗi nhớ, niềm thương và đầy ắp tự hào.
NGUYỄN ĐÌNH PHÊ

Có thể bạn quan tâm

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…