Mùa đào lộn hột

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đào lộn hột còn được gọi là điều. Nhưng tôi thích cái tên “đào lộn hột” vì nó ấn tượng hơn. Gọi tên đã hình dung ngay ra trái; một thứ trái cây dáng dấp khá lạ lùng với phần cuống (“trái giả”) phình to, mọng nước, sặc sỡ màu sắc; còn trái thật lại teo nhỏ hình hạt đậu, duy nhất một màu xanh xám cứng quèo bám bầu đài tựa như cái hột… bị lộn ra bên ngoài trái!

Chuyện “trái thật trái giả” ấy phải đợi khi lớn lên tôi mới biết; chứ hồi nhỏ thì vẫn cứ ngây thơ nghĩ cái “cuống” kia là trái và luôn thắc mắc không hiểu sao thế gian lại tồn tại một thứ trái cây có hột nằm ngoài (!)

  Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang


Chẳng biết cây đào lộn hột “nhập cư” quê tôi từ lúc nào, nhưng khi lớn lên đã thấy vườn nhà được cha mang về trồng 2 cây (vườn hàng xóm hiếm lắm, lác đác năm mười nhà mới có một). Cây đào gặp đất tốt lớn rất nhanh: 3 năm đã bắt đầu đơm hoa, đậu trái. Giêng hai, đào bắt đầu bung hoa. Những chùm hoa trắng li ti điểm lấm chấm tím hồng trông hơi giống hoa sầu đông. Và cũng tỏa hương giống hệt sầu đông. Hương hoa dụ các giống bướm ong đu vào tìm mật. Ong bướm giúp hoa thụ phấn. Nắng xuân muộn ngày ngày nung nóng khiến hương dần nhạt; hoa bắt đầu đen thẫm, héo khô, lả tả dần rụng cánh. Và… ô kìa, lộ ra trên những “cánh tay” hoa là vô số trái đào non hình hạt đậu tí hon màu xanh chi chít bám đeo! Những trái đào non hình dáng ngược lại với khi đào già chín: cuống (tức phần “trái giả”) còn nhỏ xíu; trong khi cái “hột” (trái thật) lại to, xanh bóng mỡ màng. Vậy nhưng, theo thời gian càng lúc “trái giả” càng phình to chuyển màu rực rỡ trong khi “trái thật” thì hầu như không lớn thêm mà cứ quắt dần đi, ngả từ sắc xanh sang màu đen xám. Giờ thì trông cái tỷ lệ nhỏ/to kia không ai không nghĩ rằng cuống mới là trái, còn trái đương nhiên giống… hột là chuyện khỏi phải bàn!

Hai cây đào lộn hột nhà tôi, một cho trái vàng, một cho trái đỏ. Mùa đào, đứng nhìn từ xa thấy trái sai lúc lỉu, rực đỏ rực vàng trông rất mê li. Tháng tư đầu hạ đào bắt đầu rộ chín, tỏa hương thơm điếc mũi. Ngày thứ trái ấy còn quý hiếm, mẹ cẩn thận hái sắp đĩa mang lên cúng ông bà. Cho con cái ăn có chừng thôi, còn lại mang ra chợ bán. Trái đào lộn hột ăn có vị ngọt nhẹ và hơi chát. Không tệ. Vậy nhưng khó chịu nhất là ăn xong cứ có cảm giác ngưa ngứa, lướng vướng trong cổ họng. Tuy vậy, trái được cái lành tính: ăn nhiều chút cũng không sợ bị đau bụng. Thêm nữa còn có mùi thơm và màu sắc đẹp. Vậy nhưng, nói tới món đào, lũ trẻ thường không mê ăn trái bằng ăn… hột. Ấy chính là cái nhân (tức “hột thật”) nằm trong “trái thật”. Muốn ăn được nhân phải đem nướng hột đào (tức “trái thật”) cho cháy đen rồi đem ra đập. Hột đào nướng cháy bốc khói khét mù; thêm vụ hì hụi đập, moi cho được cái nhân bên trong khiến tay chân đứa nào cũng đen thui, mặt dính nhọ vằn vện như cái râu mèo, chưa kể còn có nguy cơ ăn roi về tội… phá bếp! Vậy nhưng món nhân hột đào nướng đúng ngon tuyệt. Vị đậu phộng rang bình thường đã ngon nhưng sẽ chỉ đáng là “em út” nếu đem so cùng “ông anh cả” hột đào.

Đó là ký ức một thời. Giờ thì đào lộn hột không còn quý hiếm bởi đã được nhân giống, trồng đại trà tại các vùng núi đồi và những khu đất bạc màu, hoang hóa nhờ đặc tính chịu hạn. Bảo cây không hiếm do đã được trồng nhiều; nhưng không quý thì chưa chắc. Giờ không ai trồng đào để thu trái mà chỉ để thu… nhân hạt. Cái món nhân ngày xưa lũ nhỏ chúng tôi chúi mũi nướng, đập, moi ăn giờ đã thành đặc sản. Trồng, chế biến nhân hột đào phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu đã trở thành ngành công nghiệp ổn định dài lâu, đem lại lợi nhuận và việc làm cho một bộ phận cư dân. Mừng cho cây và mừng cho người trồng.

 

Y NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.