Người giúp việc đặc biệt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cưới nhau được hơn nửa năm thì hai vợ chồng trẻ Lương và Hà được ba mẹ mua cho một căn hộ chung cư giá rẻ trên đường Đào Duy Từ, do tỉnh xây dựng từ chủ trương nhà ở xã hội. Căn hộ không lớn nhưng cũng có hai phòng ngủ, phòng khách và bếp đầy đủ, đó là niềm mơ ước của rất đông cán bộ viên chức trong tỉnh.
Niềm vui tiếp tục nhân đôi khi Hà báo tin có thai. Quả là “song hỷ lâm môn” đã đến với đôi vợ chồng trẻ. Tuy vậy, khi niềm vui còn tràn ngập trong căn nhà nhỏ này, thì nỗi lo lắng chợt xuất hiện trên khuôn mặt trẻ trung của Hà. Với bản tính lo xa của người phụ nữ, trong một lần chuyện trò với chồng, Hà lo lắng: “Sắp tới em sinh con, chắc vợ chồng mình phải thuê ô sin thôi anh ạ!”
Lời tâm sự của Hà đã kéo Lương đến với thực tế. Anh nghĩ đến khoản thu nhập của cả hai vợ chồng, mỗi tháng chưa đến 12 triệu, thế mà còn phải thuê người giúp việc thì làm sao đây? Rồi Hà chậm rãi:
- Thôi thì anh phải chịu cực vậy, khi em sinh, anh đừng có la cà, nhậu nhẹt nữa, lo về mà chăm con. Tháng đầu, còn có bà ngoại giúp đỡ, khi con đầy tháng, mẹ lại phải lo giúp đứa khác. Khi đó, mọi công việc trong nhà, hầu như phải nhờ đến anh đấy!
Lương vui vẻ, và có vẻ quả quyết: “Xong ngay!”
Nói thì mạnh thế, nhưng khi con đã đầy tháng, không còn sự giúp đỡ của bà ngoại nữa thì Lương như một con lật đật. Chẳng có việc gì lớn lao cả, ấy thế mà khi vừa về đến nhà, Lương cứ phải luôn tay với biết bao nhiêu việc để phục vụ cả hai mẹ con. Có hôm, phải đến 10 giờ đêm mà Lương vẫn còn phải bê chậu quần áo, tã lót từ phòng tắm ra đặt bệt xuống sàn nhà, rồi vừa thở, vừa phơi đồ, vừa nói: “Kiểu này thì phải thuê ô sin thôi em ạ!”. Hà thấy thế cũng thương chồng. Đi làm về, bỏ giày ra là lau nhà, dọp dẹp đồ đạc phụ giúp vợ cơm nước. Cúp bóng đá AFF có sự tham gia của đội Việt Nam, mà Lương vốn là một fan cuồng của đội tuyển, thế mà vẫn phải bỏ, bởi đội thi đấu vào lúc 19 giờ 30, đúng vào lúc một núi công việc cần tới sự giúp đỡ của Lương. Nhiều hôm, Lương phải vừa làm vừa nghe tường thuật từ trên điện thoại. Có lúc mải nghe quá, làm hỏng cả việc và “ca nhạc không yêu cầu” đã được phát ra từ Hà. Một hôm, sau khi đã “hát” xong “bài ca” quen thuộc, Hà chợt nói với Lương:
- Hay Chủ nhật này, anh tranh thủ xuống thăm bà nội, và nhờ mẹ lên giúp vợ chồng mình xem sao. Mẹ giờ ở nhà cũng chỉ còn một mình, anh đưa mẹ lên đây, mẹ con, bà cháu có nhau. Nếu mẹ có lấy tiền, ta vẫn phải trả mà chắc bà cũng không lấy tiền của vợ chồng mình quá cao đâu anh ạ!
Nghe vợ nói có lý, sáng hôm sau, đúng vào ngày thứ Bảy, Lương vội vàng phóng xe máy về Đơn Dương gặp mẹ. Sau khi nghe anh bày tỏ nguyện vọng, mẹ anh nhất trí ngay:
- Thực tình thì mẹ cũng muốn lên với các con từ lâu, nhưng thấy vợ chồng chúng mày chẳng nói gì cả, tao cũng ngại, nhất là trong bữa cơm nhân đầy tháng thằng bé, thấy mọi việc diễn ra đều tốt đẹp, vả lại, nếu cứ tự tiện đến với vợ chồng mày, nhỡ sau này có gì không hay xảy ra thì cũng phiền, nên mẹ đành vậy. Mẹ cũng biết chứ, hồi bố mày hy sinh, lại đúng vào dịp mẹ sinh con một mình, dù được nhiều người giúp đỡ, nhưng cũng cực lắm. Nhưng, con ạ! Thời nay khác trước nhiều lắm. Con dâu cứ như bà chủ, còn mẹ chồng thì như con ở, nên mẹ phải giữ gìn…
Rồi, sau một lúc im lặng, bà nói tiếp:
- Tao đồng ý, nhưng có một điều kiện thế này, nếu chúng mày nhất trí thì ngay sau khi đã sắp xếp mọi việc ổn thỏa, tao sẽ lên Đà Lạt với cháu, còn không thì thôi.
Lương nhanh nhẩu: 
- Ôi! Mẹ đừng ngại, có mười điều kiện, chúng con cũng nhất trí.
Bà nói ngay:
- Tao sẽ lấy tiền công, cũng như chúng mày thuê người ngoài. Vừa rồi, cũng có người đến đặt vấn đề, đi làm giúp việc nhà, hàng ngày chỉ đi chợ và nấu ăn, họ trả mỗi tháng 6 triệu. Làm cho chúng mày, ngoài việc trông cháu, còn phải lo gần như mọi việc trong nhà, lẽ ra phải hơn, nhưng tao cũng chỉ lấy bằng ấy thôi.
Nghe mẹ nói vậy, Lương xịu mặt, nói với mẹ: 
- Thôi, để con về bàn lại với vợ con xem sao, nếu Hà đồng ý thì con sẽ về đón mẹ lên với chúng con. Nói xong, Lương vội vàng lên xe trở về. 
Mẹ anh nói vọng theo: “Nhớ là phải thanh toán tiền công vào đúng ngày 10 hàng tháng đó nhé”. 
Lương lẩm bẩm: “Không ngờ, mẹ cũng tính toán thật quá thể”.
Sau khi nghe chồng thuật lại, Hà im lặng một lát rồi nói với giọng quyết đoán:
- Thôi anh ạ, cứ đồng ý với mẹ như vậy đi. Tính bà nội vốn sòng phẳng thì mẹ nói thế, chứ hoàn cảnh của hai vợ chống mình thì mẹ đã quá hiểu. Dần dà rồi tính sau. Hơn nữa, thuê ai giúp việc cũng không bằng mẹ. Tính bà nội vốn sạch sẽ, siêng năng, chu đáo và rất cẩn thận nữa. Chỉ riêng cái khoản hát ru cháu ngủ thì miễn bàn. Để con cho bà, thì chúng mình khỏi lo gì cả. Nhỡ có hôm nào bận việc phải về muộn cũng yên tâm hơn chồng ạ!.
Tuy nhiên, Hà đã nhầm, chưa đến ngày 10, bà đã nhắc đến tiền công hàng tháng để Hà chuẩn bị. Có tháng, ngân quỹ của cả hai vợ chồng chỉ còn khoảng hơn 5 triệu để đưa cho mẹ, nhưng bà dứt khoát không chịu nhận, và chỉ nhận khi đủ 6 triệu. Hà bực lắm, nhưng đã thỏa thuận với mẹ rồi, nên cả hai vợ chồng cũng đành vui vẻ chịu đựng.
Lương biết vợ buồn, nhưng cũng chẳng biết làm gì hơn, bởi anh và vợ đều đã nhất trí. Tuy không khí gia đình có lúc không êm đềm như láng giềng cảm nhận, nhưng rồi thời gian cứ thế trôi đi. Mới ngày nào, giờ đã sắp hết 3 năm như thỏa thuận ban đầu. Và rồi trong một bữa cơm, bà nói với vợ chồng Lương:
- Hôm đồng ý lên Đà Lạt với các con, mẹ nói chỉ giúp các con 3 năm, nay cũng đã sắp hết. Vả lại mẹ bây giờ cũng chậm chạp rồi, sức khỏe giảm sút, các con cứ gửi cháu vào nhà trẻ, công việc nhà cũng ít hơn, các con có thể cố gắng được. Để mẹ về lại với ba con. Đã ba năm nay, chắc hương khói cũng không thể đều đặn, dù rằng trước khi lên đây, mẹ cũng đã giao mọi việc trong nhà cho chị con sống bên cạnh, nhưng chắc cũng khó chu toàn được. Để ba con một mình lạnh lẽo, lắm khi mẹ cũng thấy có lỗi với ông ấy lắm. Thôi, sáng mai cũng là ngày Chủ nhật, các con cho mẹ xin tháng lương cuối cùng để mẹ về. Lương biết, mẹ mà đã quyết thì chỉ có chồng bà sống lại may ra mới khuyên nhủ được. Nghe mẹ nói xong, Hà vào buồng lấy tiền trao cho mẹ, bà chậm rãi đếm từng tờ rồi cẩn thận cho vào túi áo. Nhìn hai vợ chồng, bà nhẹ nhàng nói:
- Ba năm ở với các con, chắc mẹ không thể nào tránh khỏi sơ suất. Các con thông cảm cho mẹ. Mẹ già rồi, đến lượt chúng mày cũng thế cả thôi. Sống hôm nay khỏe mạnh, phải luôn nghĩ đến nay mai mình già yếu. Cho nên cũng đừng nên xét nét, ki bo quá các con ạ. Nhưng cũng đừng có hoang phí tiêu xài không có kế hoạch. Mẹ nói thật, cái Hà đừng giận, con là người quản lý tiền nong trong nhà. Mỗi tháng con tiết kiệm được mấy đồng cho sau này. Mẹ để ý thấy việc con mua sắm quần áo so với thu nhập là hơi quá. Nhiều váy, áo hình như con chỉ mặc một lần rồi bỏ. Đành rằng, phụ nữ là phải làm đẹp, nhưng mua sắm cái gì cũng phải luôn nghĩ đến tiết kiệm. Nếu thật cần thiết thì dù có đắt cũng phải mua. Còn không thì khoan đã con ạ. Đó là mẹ chưa nói tới, chỉ một vài năm nữa, khi tuổi cao, thì bao nhiêu là váy, áo mà con đang để chật trong tủ kia liệu có còn phù hợp. Trong khi, thu nhập của cả hai vợ chồng thì còn quá hạn hẹp, với bao nhiêu là khoản chi cần thiết khác.
Nghe mẹ nói, tuy không dám phản đối, nhưng Hà nghĩ thầm: “Mẹ dạy thế, mà đối với con cháu sao bà lại chi li vậy”.
Sáng hôm sau, Lương đưa mẹ ra bến xe bus gần nhà để mẹ về. 
Ba ngày sau, vợ chồng Lương đi làm về, vào nhà đã thấy mẹ lúi húi ở dưới bếp.
- Ôi, mẹ để quên cái gì vậy hả mẹ?
- Ngồi xuống đây, tao vừa trông nồi cá kho vừa có chuyện này muốn nói với các con. Số là hôm trước, vội về là vì đến ngày được nhận tiền “huê” hốt chót trong 3 năm qua mẹ đã tiết kiệm dồn vào, cộng với số tiền lương của vợ chồng mày trả cho mẹ, tổng cộng cũng được gần 300 triệu. Mẹ thấy chúng mày còn nhiều khó khăn, lại chi tiêu không có kế hoạch nên mẹ buộc các con phải tiết kiệm, ít nhất cũng bằng số tiền mà hàng tháng cái Hà trả cho mẹ. Coi như mẹ giữ hộ các con. Nay, mẹ giao lại tất cả cho các con đây.
Nói rồi, bà cẩn thận giao cho Hà từng cọc tiền được gói ghém một cách cẩn thận. Để vội cọc tiền trên bàn ăn, Hà không cầm được nước mắt, nhoài người ôm chặt lấy mẹ:
- Ôi, mẹ ơi! Thế mà có lúc con đã nghĩ xấu cho mẹ. Con thành thật xin lỗi mẹ. 
Thế đấy! Cuộc sống sẽ dịu dàng hơn biết bao, nếu chúng ta biết thấu hiểu nhau hơn.
HOÀNG KIM NGỌC (Báo Lâm Đồng)

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.