Ngọt ngào lời ru

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi lên 7 tuổi thì mẹ sinh em gái. Khi em cứng cáp, biết đi chập chững là lúc tôi đảm nhận nhiệm vụ chăm em cho ba mẹ đi làm. Vậy là hàng ngày, ngoài buổi sáng đi học, tôi còn phụ việc nhà, cho em ăn uống, vệ sinh và ru em ngủ đúng giờ giấc.
Thuở ấy, không có loa đài, cũng chẳng có mạng internet, tôi đặt em lên 1 đầu võng rồi nằm ở phía đối xứng, chân thòng sang hai bên chống xuống đất để lấy đà đưa võng và bắt đầu hát ru. Tôi nghêu ngao hết bài này sang bài khác, từ “Bắc kim thang”, “Lý cây bông”, “Cháu yêu bà” đến “Chú ếch con”, “Chị ong nâu và em bé”, “Chim chích bông”... với âm lượng khá to, cho tới khi em say giấc. Lúc ấy, tôi mới khẽ khàng bước ra khỏi võng, lấy chiếc gối nhẹ để ngang lên bụng em, không quên lấy một chiếc cây nhỏ căng ngang mép võng. Tôi còn nhớ, khi ấy bên gia đình hàng xóm đang xây nhà, cô chú thợ hồ ngày ngày nghe tôi ru em cũng phải thốt lên: “Con bé này nhỏ nhỏ mà hát… to ghê”. Tôi coi đó là lời khen và những lần ru sau đều cố gắng hát hay hơn và nhiều bài hơn nữa.
Mẹ với bà ngoại của tôi hát ru rất hay. Những làn điệu dân ca mềm mại, ngọt ngào, hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu xa, khó hiểu đối với con trẻ nhưng lại trở thành chất gây “nghiện” cho mỗi giấc ngủ. Hồi nhỏ, tôi nghe bà ngoại và mẹ ru em. Đến giờ, sau gần 30 năm, tưởng như mẹ tôi đã quên những lời hát ấy, nhưng không, bà vẫn ru cháu ngoại của mình như vậy. Từ lời đồng dao “Tuổi tí, con chuột ở mái nhà/Tha thóc, tha gạo lại bò xuống hang/Tuổi sửu con trâu kềnh càng/Cày chưa đúng buổi lại mang cày về…” hay lời dân ca “Trò Ba đi học trường làng/Cơm canh ai nấu, cửa nhà không ai trông”; “Mẹ ơi đừng đánh con đau/Để con bắt ốc hái rau mẹ nhờ/Bắt ốc, ốc nhảy lên bờ/Hái rau, rau héo mẹ nhờ làm chi”… lại trở về thân thương như thuở nào. Ở quê nhà, thỉnh thoảng tôi về thăm, vẫn thấy ngoại tôi bắc ghế, tay đưa võng cho đứa chắt vừa lẩm nhẩm những câu ru hời như vậy. 
Ảnh minh họa: K.N.B
Ảnh minh họa: K.N.B
Con trai tôi may mắn khi được bà nội và bà ngoại ẵm bồng hát ru, một người mang đến những câu ca dao, đồng dao xứ dừa Tam Quan (Bình Định), một người là lời ví dặm vùng quê Nghệ Tĩnh. Dù không hiểu hết, song tôi tin, con sẽ cảm nhận được tình cảm của bà, giấc ngủ, tâm hồn của con cũng được nuôi dưỡng. Không chỉ vậy, trong cách nói chuyện thường ngày, mẹ tôi cũng rất hay dùng các câu tục ngữ, vừa là cách nói ý tứ, vừa để dạy con. Do đó, tôi thuộc nằm lòng nhiều câu ca dao, tục ngữ không có trong chương trình học phổ thông. Không thể phủ nhận đó là thành quả của việc tiếp thu từ những câu hát, lời ru của bà, của mẹ.
Cô bạn của tôi sắp sinh con đầu lòng. Là người trẻ, bạn thường xuyên tìm tòi, đọc và tham khảo nhiều loại sách thai giáo, hướng dẫn nuôi con cũng như mua sắm nhiều máy móc nhằm giúp quá trình nuôi con trở nên thuận tiện, khoa học hơn. Ngoài máy vắt sữa, máy hâm sữa, máy tiệt trùng dụng cụ, bạn tôi cũng không quên mua một chiếc nôi điện, có thể tự động lắc lư và phát ra các bài nhạc từ một chiếc máy có gắn thẻ nhớ. Bằng chiếc thẻ nhớ ấy, bạn tôi có thể copy rất nhiều thể loại nhạc do các ca sĩ chuyên nghiệp thể hiện để giúp mình ru con ngủ. Có lẽ do lớn lên bằng lời ru của bà, của mẹ nên tôi không có nhiều thiện cảm với chiếc nôi hiện đại ấy. Dù lực lắc của nôi đã được tính toán phù hợp, tốt nhất cho trẻ, dù chiếc loa kia sẽ giúp người mẹ, người bà không phải vất vả, tiết kiệm được chút thời gian nhưng chúng lại không tỏa ra chút tình cảm, hơi ấm nào. Giải phóng sức lao động nhưng cũng vô tình kéo dãn sợi dây kết nối tình cảm giữa hai thế hệ trong gia đình. 
Cuộc sống ngày càng hiện đại, trước sự du nhập của những “luồng gió mới” các giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ phai nhạt dần. Không riêng ở Gia Lai mà rất nhiều tỉnh, thành trong cả nước bắt đầu khởi động việc sưu tầm và tổ chức các cuộc thi hát ru, hát dân ca nhằm tìm kiếm và bảo lưu văn hóa truyền thống. Thế nhưng, theo ý kiến cá nhân, lời ru có còn mượt mà, ngọt ngào và được đón nhận phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó, giới trẻ phải là người tiên phong, nhận thức được giá trị của những lời ru để tiếp tục học hỏi, giữ gìn.
PHƯƠNG VI

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.