Mưa cuối mùa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dần về cuối thu, ngày thưa vắng sương mù. Gió nhẹ lướt qua đã rì rào trút lá. Lá vàng rơi nhiều trong không gian bàng bạc chừng như thu cũng vội khép lại cuộc hành trình, nhường chỗ cho mùa đông mà ta cảm nhận được ở thời điểm nào đó trong ngày loáng thoáng gió heo may.
Trước khi kết thúc mùa mưa, Tây Nguyên xuất hiện những cơn mưa cuối mùa. Thường về chiều, trong đêm mưa bất chợt ầm ào nặng hạt tựa như mưa đầu mùa, tuy có khác là trước và trong mưa không mấy khi nghe tiếng sấm rền, thấy chớp lóa, gió giật. Mưa đến mau. Mưa xuống từ đám mây ngay trên đỉnh đầu chứ chẳng lộp độp từ xa mưa về để còn kịp nhanh chân chạy trốn. Mưa cuối mùa cũng có khi sầm sập, dai dẳng cả tiếng đồng hồ, lại có khi hối hả, nhanh chóng trút xuống chừng mười lăm phút rồi tạnh hẳn. Mưa tan, trả lại không gian quang đãng như ta vừa tắm gội, lau khô.
Người ta không chờ đón mưa cuối mùa vì đã no nê cảm giác ẩm ướt của cả mùa mưa dài đằng đẵng, lê thê. Mưa cuối mùa cũng khó đoán trước dấu hiệu dẫu bản tin dự báo thời tiết mà mọi phương tiện nghe nhìn đã cập nhật. Trẻ con không được trần mình chạy tắm mưa cho thỏa thích, vì nắng mưa thất thường dễ bị ốm lắm.
Mưa cuối mùa như châm thêm nước ngập đầy những cánh đồng trũng. Phía ngoại ô, ộp oạp tiếng ếch nhái, ễnh ương kêu lúc chiều muộn đưa ta về với không gian vừa xa xôi mơ hồ, vừa quen thuộc gần gũi. Họ hàng nhà tre, măng non tiếp tục cựa thức, vươn mình nứt cành, ra lá. Những ruộng rau muống vẫn giữ được mặt nước dềnh dàng, để mỗi sớm mai ra thấy hàng loạt chồi xanh mơn mởn chừng như đang ngọ ngoạy được cắt ngọn, tỉa bó gọn gàng. Trong dòng nước ấy, con tép, con cua, con rô, con diếc mắc bẫy ngư cụ, để rồi sớm mai ra dọc con phố tinh khôi, nơi chợ làng, chợ xổm những người phụ nữ Jrai với gương mặt hiền lành, kiệm lời chào mời cùng chiếc gùi tre sau lưng, chiếc thau nhựa nhỏ trên tay đến với người tiêu dùng vốn quen với thức món đồng quê từ bó rau, con cá.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Mưa cuối mùa cho lòng hồ thủy điện đầu nguồn ắp đầy, đủ nước quanh năm thắp lên dòng điện sáng, đem niềm vui đến mọi người. Cho ngư dân yên tâm sống với nghề và tự hào về chất lượng cá tôm đánh bắt từ sông Sê San, từ Biển Hồ B; hải sản vươn xa đâu chỉ với người tiêu dùng trong tỉnh.
Những ngày thu dần qua, hơi thu vương vấn có hoàng hôn kéo dài ngờm ngợp sắc đỏ nhuốm tím cả chân trời tây khi cơn mưa cuối mùa vừa tạnh. Nhìn từ xa, hơi sương quấn lấy đỉnh Hàm Rồng cho sắc xanh lam của núi, màu xanh tươi của rừng thông trải dài lên đỉnh núi chỉ còn là một khối bóng mờ loáng thoáng xanh. Thung lũng dưới chân Hàm Rồng, khu vực từ ngã ba tỏa đi không xa, sương bay lả tả đưa cảnh vật chập chùng cùng với sương trôi.
Mưa cuối mùa sẽ thưa dần, rồi vắng bóng nhường chỗ cho gió đông se lạnh tìm về, dã quỳ chớm vàng. Dẫu vẫn còn những chú ốc sên bám lên thân cây, bụi cỏ; những chú ốc sên từ nền đất ẩm bò chậm chạp, ngọ ngoạy đôi râu nhấm nháp hơi sương. Vẫn còn những đám mây trắng xốp cho da trời thêm xanh, tia nắng ngày thêm rạng, tiếng chim trời nơi vườn cây, tán lá lối đi quen nghe chừng trong trẻo hơn nhưng nỗi nhớ mang tên mưa cuối mùa biết có còn đọng lại khi mùa khô Tây Nguyên kéo dài.
NGUYỄN ĐÌNH PHÊ

Có thể bạn quan tâm

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.