Đếm mưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gia Lai đã bước vào mùa mưa. Mưa dầm dề, rí rách ngày đêm, triền miên, dai dẳng khiến cả phố xá ẩm ướt. Trời Pleiku càng thấp gần hơn. Đếm mưa, đếm tí tách rơi hay đếm nỗi lòng đã từng vướng bận ưu tư cũng là cách để người ta sống chậm lại. Đếm mưa, đếm đong khoảnh khắc vui buồn, lắng mặn ngọt trong lòng, suy dài hơn, ngẫm sâu hơn về những vội vàng đã từng lướt trong mưa.
Dù có cách âm kiểu gì thì trên mái tôn, âm thanh của mưa cũng khuếch tán rõ hơn, dội vào đêm tĩnh lặng. Không rầm rập như mưa rào miền Bắc, mùa mưa Gia Lai cứ rỉ rả, rỉ rả với đêm về những góc tâm tình thầm kín nhất của lòng mình. Mưa dầm không rõ hạt, thậm chí cũng chẳng rõ tiếng. Quán nhỏ mở liên khúc nhạc mưa, lời vẫn da diết, thậm chí ai oán về những mối tình đẹp mà buồn. Mưa là cái tội cho nỗi buồn kể lể hay mưa là cái tình cho người ta nhớ những kỷ niệm đáng yêu. Trong mưa dầm, tôi không thích đếm về những thiếu hụt nữa mà đếm về những ngày rúc rích thơ trẻ bên bếp nướng khoai lang, thơm những nhọ nhem, rổn rảng tiếng cười át cả tiếng mưa. Góc phố của tôi hôm nay, chiếc nón lụp xụp bên vệ đường cũng thơm lừng khoai, bắp nướng. Những bếp than hồng và những vỉ nướng sạch sẽ kia, củ lang, miếng bắp được cắt gọt sắc đẹp kia sao sánh bằng cái nhem nhuốc tuổi thơ. Mưa lạnh và mùi khoai lang nướng. Bếp than hồng những ký ức đẹp về mưa. Bây giờ, người ta có thời gian và điều kiện để chăm sóc con cái chỉn chu hơn nên không cho bọn trẻ tắm mưa, bắt cá gặp nước mưa mà lóc lên đường như lũ trẻ thôn quê ngày xưa nữa. Nhiều nhà đưa đón con trên những chiếc xe đắt tiền, ô dù che vào tận ngõ, trẻ không dính một hạt mưa. Sau này, lớp trẻ lớn lên sẽ không còn hiểu câu “tắm mưa” là như thế nào nữa. Và đặc biệt, cái vệt nhọ nồi trên gương mặt trẻ thơ của khoai lang nướng, của bắp nướng vùi trong than tro sẽ chỉ còn trong lời kể của lớp người già.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Mưa thì nhiều công việc ngoài trời phải tạm dừng, đồng nghĩa với cuộc sống mưu sinh cũng bị ảnh hưởng bởi thu nhập của gia đình giảm đi. Mấy xe đẩy dưới mưa vẫn hồng than nóng. Người ta lạnh cóng nhưng vẫn ráng đẩy xe đi trong hoang lạnh của phố mưa. Người người ngại ra đường khi mưa, hạn chế tiếp xúc để tránh lây lan dịch bệnh Covid-19. Khách mua giảm đi nhưng người bán vấn cứ cần mẫn hy vọng. Lưa thưa vài người khách nép vào mưa mà ăn chân gà nướng, nhấp ly rượu nếp nơi góc đường, để mà kể lể, than vãn về một mối tình nào đó cho nhau nghe, than thở về những thiếu hụt hoặc mất mát của mình. Có lẽ họ đang bận đếm những tổn thương của bản thân mà quên đếm xem mưa dầm dề ngày đêm kia có bao nhiêu hạt nỉ non, quên đếm những đường gân trên những bàn tay gầy guộc mưu sinh kia có bao nhiêu khắc khổ, quên đếm những run rẩy dầm mưa và lạnh dưới lòng đường phố kia xem có bao nhiêu mảnh đời cơ cực chẳng dám thở than. Mùa hè, mặt trời thường ngủ muộn. Vậy mà mưa đến thì trời sầm sập kéo đêm về khiến phố lạnh hoang vắng đúng nghĩa của Tây Nguyên. Nếu không quen sắp xếp công việc thì người ta có vội vàng đến mấy cũng không kịp chạy đua với tối trời.
Ngày trễ nải vì mưa. Đêm hoang lạnh vì mưa. Nhưng mưa càng dai dẳng thì người phố tôi càng bền bỉ. Tôi có cái thú khi mưa đang giữa mùa, rỉ rích ẩm ướt, nhớp nháp đất đỏ mà trời sẩm tối thì xách xe chạy ra phố. Cảm nhận mưa lạnh riêng mình, cảm nhận phố vắng người thưa, cảm nhận những mưu sinh vất vả dưới mưa, cảm nhận cả những vội vàng trốn mưa để mà ngẫm ngợi. Dừng xe mua một trái bắp nướng, chìa tay với cái xuýt xòa ấm nóng để chia cho nhau ánh mắt động viên, chia cho nhau chút hơi ấm thơm tình người Phố núi thân yêu.
THUẬN ÁNH

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...